Vào nội dung chính
HOA KỲ - NATO - NGA

Không lực Mỹ - NATO phô trương uy thế, Nga đáp trả cứng rắn ở Biển Đen

Trong một động thái biểu dương sức mạnh hiếm thấy, ngày 28/08/2020 vừa qua, Không Quân Mỹ cùng các đồng minh trong khối Bắc Đại Tây Dương NATO đã thực hiện một chiến dịch phối hợp hành động trên bầu trời 30 quốc gia thành viên, huy động đến 6 oanh tạc cơ chiến lược B-52H của Mỹ và 80 máy bay khác của các nước NATO.

Chiến đấu cơ Mirage của Pháp và Typhoon của Ý tháp tùng chiếc B-52H của Mỹ trong chiến dịch Allied Sky ngày 28/08/2020 trên không phận 30 quốc gia NATO. Nguồn: Bộ Quốc Phòng Mỹ.
Chiến đấu cơ Mirage của Pháp và Typhoon của Ý tháp tùng chiếc B-52H của Mỹ trong chiến dịch Allied Sky ngày 28/08/2020 trên không phận 30 quốc gia NATO. Nguồn: Bộ Quốc Phòng Mỹ. © 1st Combat Camera Squadron - Senior Airman Xavier Navarro
Quảng cáo

Dù không nói ra, nhưng đối tượng mà hành động thị uy này của không lực Mỹ và NATO nhắm tới rõ ràng là Nga, và Matxcơva đã không ngần ngại có phản ứng cứng rắn.

Mang tên là Allied Sky (Bầu trời đồng minh), chiến dịch của không lực Mỹ và NATO có hình thức rất đơn giản: cho 6 oanh tạc cơ B-52H của Mỹ liên tục bay qua không phận của toàn bộ 30 nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, chỉ trong một ngày.

Do việc NATO bao gồm hai khu vực địa lý tách biệt nhau là châu Âu và Bắc Mỹ, chiến dịch được chia thành hai vế: 4 chiếc B-52 xuất phát từ căn cứ không quân Fairford, hạt Gloucestershire (Anh Quốc) đảm trách việc bao phủ châu Âu, và 2 oanh tạc cơ chiến lược khác cất cánh từ căn cứ không quân Minot, bang Dakota (Hoa Kỳ) phụ trách vùng Bắc Mỹ.

80 chiến đấu cơ NATO phối hợp với 6 oanh tạc cơ chiến lươc Mỹ B-52H

Dưới hình thức thoạt nhìn đơn giản như trên, chiến dịch Allied Sky rất phức tạp ở khâu thực hiện vì ở mỗi chặng, phi đội B-52 của Mỹ đều được chiến đấu cơ các nước sở tại tháp tùng và máy bay chở dầu tiếp tế nhiên liệu ngay trên không.

Đây là những thao tác đòi hỏi tính chính xác cao và sự phối hợp nhuần nhuyễn do xuất xứ khác nhau và mẫu mã khác nhau của các đội phi cơ.

Một thông cáo ngày 28/08 của NATO xác nhận là có khoảng 80 chiến đấu cơ của khối sẽ tham gia chiến dịch phối hợp với oanh tạc cơ Mỹ, bao gồm Anh, Bỉ, Bulgari, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ý, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovakia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada.

Một ví dụ đơn giản: Phối hợp với đội oanh tạc cơ B-52, ngoài các chiến đấu cơ Mỹ loại F-35 của Không Quân Anh, Na Uy, F-16 của Không Quân Ba Lan, CF-18 của Không Quân Canada, còn có máy bay chiến đấu do các nước khác chế tạo như Gripens của Thụy Điển trang bị cho Không Quân Séc và Hungary, tiêm kích Typhoon của Anh, Mirage 2000 của Pháp, thậm chí các kiểu phi cơ Nga như MiG-21 Lancer của Không Quân Rumani và Croatia, hay MiG-29 của Không Quân Bulgari.

Đó là chưa kể đến vấn đề phối hợp với các lực lượng khác trên bộ và trên biển tại các quốc gia mà đội máy bay đi ngang qua.

Trong một thông cáo công bố ngày 28/08, Bộ Tư Lệnh Châu Âu của Mỹ (EUCOM), đã nhấn mạnh rằng ngoài việc thể hiện sự đoàn kết trong khối NATO, chiến dịch Allied Sky còn nhằm “nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và cung cấp các cơ hội huấn luyện để tăng cường năng lực tương tác cho tất cả phi hành đoàn tham gia từ Mỹ và các đồng minh NATO.”

Gởi thông điệp cứng rắn đến Nga

Theo giới quan sát, ngoài mục tiêu huấn luyện thuần túy, chiến dịch Allied Sky, với quy mô rầm rộ như trên, rõ ràng là còn có muc tiêu phô trương uy lực của Không Quân Mỹ và NATO, gởi đi thông điệp răn đe tới các đối thủ mà đứng đầu danh sách là Nga.

Trong một bài phân tích hôm 28/08, trang mạng Mỹ The Drive, chuyên theo dõi các vấn đề không quân đã cho rằng chiến dịch Allied Sky chứng tỏ được năng lực tương tác giữa các lực lượng không quân của NATO, cũng như hiệu quả của các quy trình chỉ huy và kiểm soát. Những khả năng này rất hữu ích trong một cuộc xung đột lớn ở châu Âu hoặc nơi khác, nơi mà các thành viên liên minh cần phối hợp hành động trên quy mô lớn.

Theo The Drive, cho dù Bộ Tư Lệnh Châu Âu của Mỹ đã xác định rằng các hoạt động phối hợp với đội oanh tạc cơ B-52 đã “được lên kế hoạch từ lâu và không nhằm phản ứng với bất kỳ sự kiện chính trị hiện tại nào xảy ra ở châu Âu”, nhưng rõ ràng là chiến dịch Allied Sky đã diễn ra vào thời điểm quan hệ Nga – phương Tây đặc biệt căng thẳng.

Ngoài khơi Na Uy, trong thời gian gần đây, đã có nhiều vụ phi cơ do thám Na Uy, Pháp, Anh bị chiến đấu cơ Nga ngăn chặn khi đến hoạt động gần vùng biên giới với Nga trên biển Barents và Biển Đen. Trong khi đó thì kể từ khi được biệt phái qua châu Âu, các máy bay B-52 của Mỹ đã tham gia nhiều cuộc tập trận với Không Quân Na Uy, trên vùng biển ngoài khơi nước này.

Điểm nóng thứ hai là tình hình ở Belarus, với việc tổng thống Lukashenko của nước này cầu viện sự giúp đỡ của Nga để bảo đảm an ninh quốc gia mà ông cho là đang bị NATO đe dọa từ các căn cứ đặt tại Ba Lan, nơi Không Quân Mỹ đang tham gia huấn luyện song phương với Không Quân Ba Lan.

Nga tung Su-27 lên dằn mặt B-52 trên Biển Đen

Thông điệp của Mỹ và NATO như đã được Nga tiếp nhận đầy đủ, và hôm 28/08, đúng vào lúc một chiếc B-52 di chuyển ngang vùng Biển Đen,  hai chiến đấu cơ Su-27 của Nga đã bay lên ngăn chặn bằng những thao tác bị phía Mỹ đánh giá là không an toàn.

Trong một thông cáo được CNN ngày 30/08 trích dẫn, bộ chỉ huy lực lượng Không Quân Mỹ tại châu Âu tố cáo phi cơ Nga là đã cản đường một chiếc B-52 của Mỹ một cách “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” trên không phận Biển Đen và các vùng biển quốc tế.

Theo bản thông cáo, phi cơ Su-27 Nga đã bay ngang qua mũi chiếc máy bay B-52 nhiều lần ở khoảng cách chỉ 100 feet (30m) gây nhiễu loạn không khí và tạo nguy hiểm cho phi cơ Mỹ.

Phía Nga dĩ nhiên đã bác bỏ cáo buộc của Không Quân Mỹ. Trang mạng báo Nga Sputnik ngày 28/08 đã trích thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga khẳng định rằng hai chiếc Su-27 đều “tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách an toàn” và đã “hoàn toàn tuân thủ quy tắc quốc tề về sử dụng không phận”.

Lập luận của Nga đã bị một video do Lầu Năm Góc công bố hôm 28/08 phản bác hoàn toàn. Video quay từ buồng lái chiếc B-52 cho thấy chiếc SU-27 từ phía sau bên trái, bay vọt lên phía trước, lách qua trước mặt oanh tạc cơ Mỹ. Thao tác cắt mũi khiến chiếc B-52H bị rơi ngay vào vùng không khí nhiễu và rung chuyển mạnh.

Đối với phía Mỹ, qua lời tướng Jeff Harrigian, tư lệnh Không Quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi thì đó là những hành động “làm gia tăng nguy cơ va chạm trên không, không cần thiết và không phù hợp với kỹ thuật bay an toàn và quy định bay quốc tế.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.