Vào nội dung chính
COVID-19 - HOA KỲ - XÉT NGHIỆM

Covid-19: Dịch bệnh lan mạnh tại Mỹ, nhưng xét nghiệm rất thiếu

Với hơn 1.400 ca tử vong ghi nhận trong 24 giờ, hôm qua 31/07/2020 là ngày thứ tư liên tiếp mà nước Mỹ bị hơn 1.200 người chết trong một ngày. Số trường hợp nhiễm virus corona chủng mới cũng vẫn ở mức cao, với xấp xỉ 70.000 ca trong 24 tiếng đồng hồ. Tình hình dịch Covid-19 vẫn nghiêm trọng vào lúc giới y tế lo ngại trước tình trạng xét nghiệm tìm virus rất thiếu.

Dân chúng chờ trước một trung tâm xét nghiệm Covid-19 tại Brooklyn, New York (Hoa Kỳ) ngày 21/07/2020.
Dân chúng chờ trước một trung tâm xét nghiệm Covid-19 tại Brooklyn, New York (Hoa Kỳ) ngày 21/07/2020. REUTERS - SHANNON STAPLETON
Quảng cáo

Theo số liệu của đại học Mỹ Johns Hopkins, tính đến hết ngày hôm qua (31/07), Hoa Kỳ đã ghi nhận thêm 1.442 trường hợp tử vong trong 24 giờ. Đây là ngày thứ tư liên tiếp mà nước này có hơn 1.200 người chết trong một ngày.

Từ đầu dịch đến sáng nay 01/08, Mỹ như vậy là đã ghi nhận tổng cộng 153.314 ca tử vong vì Covid-19, theo số liệu cập nhật của đại học Johns Hopkins.

Số ca nhiễm vẫn tiếp tục ở đỉnh cao. Riêng trong ngày hôm qua, đã có thêm 69.160 trường hợp nhiễm virus corona, một con số giảm nhẹ so với ngày hôm trước, nâng tổng số bị nhiễm vượt mức 4,5 triệu ca.

Thiếu xét nghiệm nghiêm trọng

Điều đáng nói là Nhà Trắng trước số trường hợp lây nhiễm tăng vọt, Nhà Trắng vẫn khẳng định rằng: Sở dĩ số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, đó là vì số lượng xét nghiệm gia tăng. Có điều là, theo giới chuyên gia y tế, Mỹ đang lâm vào tình trạng thiếu xét nghiệm nghiêm trọng.

Thông tín viên RFI Thomas Harms tại Houston nhận định:

Theo thống kê của Dự Án Theo Dõi Covid (COVID Tracking Project), Hoa Kỳ đang thực hiện 800.000 xét nghiệm mỗi ngày, so với vỏn vẹn 100.000 lượt vào cuối tháng Ba. Thế nhưng, các nhà khoa học ước tính rằng trên đất nước 328 triệu dân này, phải cần từ 6 đến 10 triệu xét nghiệm mỗi ngày.

Vấn đề đối với Mỹ không phải là thiếu máy xét nghiệm, mà là thiếu các loại hóa chất, các loại ống hút lấy mẫu bằng nhựa sử dụng một lần.

Theo các chuyên gia y tế, đó chính là lý do tại sao các máy xét nghiệm không chạy với công suất tối đa và kết quả thường mất gần hai tuần mới có, một thời hạn quá muộn để giúp ngăn chặn sự lây lan của virus, trong trường hợp có kết quả dương tính.

Các chuyên gia về nhiễm trùng hiện đang xem xét việc hạn chế quyền được xét nghiệm. Lý do là vì việc thiếu xét nghiệm ngăn không cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại, cũng như cản trở các chuyến du lịch, mở lại trường học, với hệ quả là làm ngưng trệ một nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu lún vào suy thoái.

Thế giới vượt 373.909 ca tử vong vì virus corona

Theo tổng kết của hãng tin Pháp AFP dựa trên các nguồn số liệu chính thức tính đến 11h ngày hôm qua 31/07/2020, con số ca tử vong vì virus corona trên thế giới đã lên đến 673.909 người, còn số ca nhiễm đã vượt ngưỡng 17 triệu người.

Sau khi trở thành nước đứng thứ 3 thế giới về số ca tử vong vì virus corona, sau Mỹ và Brazil, Mêhicô hôm qua 31/07/2020 lại ghi nhận số ca mới nhiễm cao kỷ lục ở nước này : 8.458 người trong vòng 24 giờ, số ca tử vong trong ngày hôm qua là 688 người. Tuy nhiên, nếu tính theo quy mô dân số thì tỉ lệ tử vong ở Mêhicô vẫn thấp hơn một số nước châu Âu và châu Mỹ Latinh. Còn Brazil, nước bị dịch bệnh gây tác hại nặng thứ hai thế giới, hôm qua ghi nhận thêm hơn 52.300 ca mới nhiễm và 1.212 người tử vong.

Các biện pháp phòng chống được tăng cường khắp nơi

Đối mặt với đà lây lan mạnh của Covid-19, nhiều nước tăng cường các biện pháp dịch tễ. Tại Nhật Bản, trước sự bùng phát các ca lây nhiễm ở Okinawa, thống đốc Denny Tamaki hôm qua ban bố tình trạng khẩn cấp trong vùng và kêu gọi dân chúng tự cách ly trong vòng 2 tuần, chỉ đi ra ngoài nếu thực sự cần thiết. Thống đốc Okinawa cũng thông báo các bệnh viện đã quá tải. Trong ngày hôm qua, Okinawa ghi nhận 71 ca nhiễm mới. 248 ca trong tổng số 395 ca nhiễm ở tỉnh Okinawa là từ các căn cứ quân sự của Mỹ.

Canada tối hôm qua thông báo kéo dài biện pháp đóng cửa biên giới đến hết ngày 31/08 thay vì đến hết ngày 31/07 như dự kiến ban đầu. Riêng với Mỹ, biên giới Canada sẽ chỉ đóng đến ngày 20/08. Biện pháp cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người đến Canada cũng được duy trì đến ngày 31/08. Ngoài ra, thủ tướng Canada Justin Trudeau còn thông báo từ sáng hôm qua người dân bắt đầu có thể tải ứng dụng định vị tracking về điện thoại di động để theo dõi khả năng tiếp xúc với những người nhiễm virus corona.

Tại châu Âu, chính phủ Anh Quốc hôm qua quyết định lùi ít nhất 2 tuần bước giải tỏa tiếp theo. Ban đầu giai đoạn này được dự kiến bắt đầu từ hôm nay với việc mở cửa trở lại nhiều địa điểm công cộng.

Cũng trong ngày hôm qua, Đức xếp ba vùng Aragon, Catalunya và Navarrecủa Tây Ban Nha vào danh sách « khu vực nguy cơ cao » và yêu cầu những người đến hay trở về từ những nơi này phải cách ly 14 ngày, hay ít nhất là phải có chứng nhận âm tính với virus corona.

Đan Mạch thay đổi quan điểm về khẩu trang và khuyến nghị người dân đeo khẩu trang khi dùng phương tiện giao thông công cộng. Còn chính quyền Chypre ra sắc lệnh bắt buộc mọi người đeo khẩu trang trong các cửa hàng, siêu thị và các nơi công cộng có không gian khép kín.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.