Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG - THỰC PHẨM

Brazil: 20% thịt bò bán cho châu Âu do phá rừng ‘‘bất hợp pháp’’

Nghiên cứu công phu, mang tên « Những trái táo thối của nền thương mại thực phẩm Brazil », đã rút ra kết quả nói trên, dựa trên việc phân tích dữ liệu liên quan đến 815.000 chủ trang trại ở Brazil. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra Brazil - vốn được coi là « cái kho dự trữ thực phẩm của thế giới » - hoàn toàn có đủ khả năng trở thành một cường quốc môi trường. 

Ảnh chụp một vùng rừng Amazone bị phá để làm đất nông nghiệp.
Ảnh chụp một vùng rừng Amazone bị phá để làm đất nông nghiệp. AFP PHOTO / Raphael Alves
Quảng cáo

Gần 2 triệu tấn đậu tương và 4,1 triệu bò thịt được xuất sang châu Âu hàng năm. Trong số này, có khoảng từ 18 đến 22% là được nuôi trồng tại các vùng đất do phá rừng « bất hợp pháp », theo ông Raoni Rajão, phụ trách dự án nghiên cứu, giáo sư Đại học liên bang Minas Gerais (UFMG), Brazil.

Theo AFP, kết quả nghiên cứu được công bố đúng vào thời điểm nhạy cảm : tại châu Âu, rất nhiều tiếng nói phản đối việc phê chuẩn hiệp định tự do thương mại giữa Liên Âu và bốn nước Nam Mỹ trong nhóm Mercosur, trong đó có Brazil, nơi rừng bị phá hoại với quy mô ngày càng lớn từ khi tổng thống Bolsonaro lên nắm quyền.

Lý do phá rừng: Để phục vụ cho việc trồng đậu và nuôi bò. Khu vực rừng bị phá chủ yếu tập trung ở vùng rừng nguyên thủy Amazon và vùng đồng cỏ Carrado (chiếm khoảng 20% diện tích Brazil). Theo các số liệu chính thức, trong nửa đầu năm nay, diện tích rừng bị phá tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nghiên cứu cũng chỉ ra trách nhiệm của các thị trường nước ngoài, cụ thể là thị trường các nước châu Âu, trong việc thúc đẩy nạn phá rừng tại Brazil. Trong khi đó, mối đe dọa trực tiếp với rừng Amazon hiện nay tại Brazil là tổng thống cực hữu Bolosonaro.

Brazil có thể trở thành « một cường quốc môi trường »

Chỉ ra mức độ tàn phá khủng khiếp đang diễn ra, nhưng nghiên cứu nói trên cũng khẳng định có đến gần 80% nhà làm nông Brazil tôn trọng các quy định bảo vệ rừng, và Brazil hoàn toàn có đủ khả năng trở thành « một cường quốc môi trường tầm cỡ thế giới, vừa bảo vệ được các hệ sinh thái trong nước, lại vừa góp phần cung cấp thực phẩm cho thế giới ». Theo các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này, cái thiếu ở Brazil là « quyết tâm chính trị ».

Nhóm 10 nhà khoa học đã thực hiện việc xử lý khối lượng dữ liệu nói trên nhờ ở một phần mềm máy tính rất mạnh. Phần mềm này cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ cho việc đưa ra « các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả chống lại những kẻ xâm phạm rừng ».

Áp lực quốc tế gần đây dường như bước đầu có kết quả. Hôm 16/07 vừa qua, phó tổng thống Brazil, Hamilton Mourao, hứa hẹn « sẽ cố gắng giảm » nạn phá rừng và đốt rừng. Theo giới quan sát, cho dù chưa có các biện pháp cụ thể đi kèm, và cam kết cũng chưa phải mạnh, dù sao đây cũng có thể coi như là « một cuộc cách mạng nhỏ » trong nhận thức của chính quyền.

Trên thực tế, áp lực lớn nhất đối với chính quyền Brazil là đến từ giới đầu tư. Cuối tháng 6/2020, nhiều quỹ đầu tư của châu Âu, châu Á và Nam Mỹ, quản lý khoảng 4.000 tỉ đô la, đã đe dọa rút vốn khỏi Brazil, nếu quốc gia này không có các biện pháp giảm thiểu nạn phá rừng. Đầu tuần này, nhiều cựu bộ trưởng Tài Chính và thống đốc Ngân hàng trung ương Brazil công bố thư ngỏ, khẳng định các tổn hại về môi trường do biến đổi khí hậu (mà phá rừng là một nguyên nhân chính) « có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với đại dịch Covid-19 ». 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.