Vào nội dung chính
HOA KỲ - NGA - ĐỨC

Mỹ dự tính trừng phạt mạnh dự án Nord Stream 2 nối Nga sang Đức

Hoa Kỳ tiếp tục quyết tâm trừng phạt dự án Nord Stream 2, sắp được hoàn thiện, nối từ Nga sang Đức để cung cấp khi đốt cho châu Âu. Ngày 15/07/2020, ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo Mỹ sẽ có nhiều biện pháp mạnh hơn để ngăn dự án này đi vào hoạt động.

Ảnh tư liệu chụp ngày 11/11/2018 : một giàn lắp đặt ống dẫn khí đốt tại biển Baltic trong dự án Nord Stream 2, chạy từ Nga sang Đức.
Ảnh tư liệu chụp ngày 11/11/2018 : một giàn lắp đặt ống dẫn khí đốt tại biển Baltic trong dự án Nord Stream 2, chạy từ Nga sang Đức. AP - Bernd Wuestneck
Quảng cáo

Trong buổi họp báo, ông Mike Pompeo cảnh báo « những bên tham gia vào dự án này sẽ bị xem xét trừng phạt ». Vẫn theo ngoại trưởng Mỹ, việc trừng phạt Nord Stream 2 hiện được Mỹ xem xét theo một đạo luật được Quốc Hội thông qua năm 2017 nhằm « chống các đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt » (Caatsa). Các biện pháp trong đạo luật Caatsa được cho là nghiêm khắc hơn, thậm chí có thể cấm đối tượng bị nhắm đến tham gia vào hệ thống tài chính Hoa Kỳ.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2019, tổng thống Trump đã ban hành một đạo luật trừng phạt các công ty tham gia vào việc xây dựng Nord Stream 2 vì cho rằng châu Âu sẽ bị phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga và như vậy sẽ càng giúp Matxcơva gia tăng ảnh hưởng.

Phía Liên Hiệp Châu Âu, cũng như Đức, nước được hưởng lợi chính từ dự án Nord Stream 2, đã kịch liệt lên án các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đồng thời chỉ trích Mỹ can thiệp vào chuyện của châu Âu.

Theo AFP, dự án Nord Stream 2 có trị giá 9,5 tỉ euro, một nửa do tập đoàn Nga Gazprom tài trợ và phần còn lại là do các công ty của châu Âu : hai công ty của Đức Wintershall và Uniper, công ty Shell của liên doanh Anh-Hà Lan, tập đoàn Engie của Pháp và OMV của Áo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.