Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Nước Đức bắt đầu nắm chức chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu

Hôm nay, 01/07/2020, sau nước Pháp, đến lượt nước Đức nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu trong 6 tháng, trong bối cảnh khối này đang đối đầu với những thách thức lịch sử, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19.

(Ảnh minh họa) – Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc họp báo chung với nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron, ngày 29/06/2020, gần Berlin.
(Ảnh minh họa) – Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc họp báo chung với nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron, ngày 29/06/2020, gần Berlin. Hayoung JEON / POOL / AFP
Quảng cáo

Nhiệm kỳ chủ tịch của Đức đã được khởi động một cách biểu tượng vào tối hôm qua 30/06, bằng việc chiếu lên Cổng Brandebourg ở Berlin khẩu hiệu bằng nhiều thứ tiếng : « Mọi người hãy cùng nhau khôi phục châu Âu ».

Theo hãng tin AFP, thủ tướng Angela Merkel và nhóm cộng sự đã chuẩn bị từ nhiều tháng qua cho nhiệm kỳ này. Đây là lần đầu tiên từ năm 2007, Berlin làm chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu và cũng là một trong những dịp cuối cùng lãnh đạo chính phủ Đức để lại dấu ấn trên trường quốc tế trước khi bà rút lui khỏi chính trường vào cuối năm 2021.

Trong 6 tháng nắm chức chủ tịch, lẽ ra nước Đức phải tập trung vào những hồ sơ gay go : Brexit, khí hậu, di dân, nhưng dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi kế hoạch. Trong cuộc hội đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Hai 29/06, thủ tướng Merkel đã nhấn mạnh là « từ nhiều thập niên, kể cả trước đó, Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ gặp những thách thức kinh tế lớn như thế ».

Trước mắt, nhiệm kỳ chủ tịch của Berlin sẽ thật sự bắt đầu với cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu trong 2 ngày 17 và 18/07 tại Bruxelles, một cuộc họp được coi là có tính chất quyết định cho tương lai của khối này. Lãnh đạo 27 nước thành viên sẽ cố đạt được thỏa thuận về kế hoạch phục hồi kinh tế 750 tỷ euro, lần đầu tiên sẽ do toàn bộ Liên Hiệp Châu Âu vay chung.

Giống như tổng thống Pháp Macron, thủ tướng Merkel ngay từ thứ Hai 29/06 đã gây áp lực với các đối tác châu Âu để đạt được thỏa thuận ngay từ tháng 7, trước kỳ nghỉ hè. Do vậy, cần thuyết phục 4 nước chủ trương siết chặt ngân sách : Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch. Những nước này khó chấp nhận một kế hoạch chủ yếu có lợi cho các nước nam Âu, những nước bị dịch nặng nhất.

Ngoài hồ sơ nói trên, một hồ sơ khác cũng gay go không kém, đó là Brexit. Anh Quốc đã rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu từ ngày 31/01, nhưng hiện vẫn áp dụng các quy định của châu Âu cho đến ngày 31/12. Sau nhiều tuần bế tắc, Liên Hiệp Châu Âu và Luân Đôn đã mở lại đàm phán.

Nếu từ đây đến cuối năm, hai bên không đạt được thỏa thuận, quan hệ thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc sẽ chỉ dựa trên các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, với các mức thuế quan cao, việc kiểm tra hải quan chặt chẽ. Điều này sẽ làm suy yếu hơn nữa các nền kinh tế châu Âu, hiện đã lâm vào suy thoái do tác động của dịch Covid-19.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.