Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Bầu cử tại Iran : Trump, virus corona và thắng lợi mờ nhạt của phe bảo thủ

Đăng ngày:

Ngày 21/02/2020, 58 triệu cử tri Iran được mời gọi bỏ phiếu để bầu chọn 290 nghị sĩ quốc hội. Đúng như tiên liệu, phe bảo thủ có chủ trương đường lối cứng rắn thắng lớn, thu được 200/290 ghế. Giới phân tích khẳng định Donald Trump đã góp phần làm nên thắng lợi này, mở đường cho phe bảo thủ có đường lối cứng rắn trở lại cầm quyền.

Người dân thủ đô Teheran đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội trong bối cảnh dịch virus corona lan sang Iran, ngày 21/02/2020.
Người dân thủ đô Teheran đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội trong bối cảnh dịch virus corona lan sang Iran, ngày 21/02/2020. ATTA KENARE / AFP
Quảng cáo

Một thắng lợi không mấy vẻ vang. Sau 40 năm hình thành Nhà nước Cộng Hòa Hồi Giáo năm 1979, chưa bao giờ người dân Iran lại lạnh nhạt với một cuộc bầu cử lập pháp đến như thế. Theo số liệu do bộ Nội Vụ công bố, chỉ có 42,57% cử tri tham gia bầu cử so với tỷ lệ 62% trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2016. Tại thủ đô Teheran, chỉ có một trong bốn cử tri là đến phòng phiếu (26,2%).

Cử tri phải chọn giữa « chột và mù »

Clément Therme, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, trường Sciences-Po Paris trong chương trình Khách mời của RFI khẳng định những con số này phản ảnh rõ cuộc khủng hoảng niềm tin giữa giới lãnh đạo và người dân Iran.

« Đây là một thông điệp của người dân Iran gởi đến chế độ Cộng Hòa Hồi Giáo, một chế độ mà từ 40 năm qua, sau cuộc Cách Mạng, đã không còn khả năng lưu tâm đến tính chính đáng của nền chính trị thần quyền trong con mắt người dân, vốn dĩ là một trong những cột trụ của Cách Mạng Hồi Giáo. (…)

Giờ người ta thấy rõ là Cộng Hòa Hồi Giáo đã thất bại trong việc thiết lập một hệ thống dân cử, cạnh tranh trong một khuôn khổ chuyên chế. Do vậy, con số tỷ lệ vắng mặt rất cao vì các phòng bỏ phiếu hầu như trống vắng, chế độ đã không thể nào huy động hơn được nữa ngoài một bộ phận cử tri của chế độ. Đây còn là một thất bại của Lãnh đạo tối cao bởi vì đích thân ông đứng ra vận động người dân khi nói rằng đi bỏ phiếu là một ‘nghĩa vụ yêu nước và tôn giáo».

Nhưng trong cuộc bầu cử này, phe bảo thủ có lẽ cũng phải « cảm ơn » tổng thống Mỹ. Chính sách « áp lực tối đa » của Donald Trump kể từ khi ông rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 đã làm cho nền kinh tế Iran hầu như sụp đổ : Kinh tế suy thoái ở mức 9,5% (năm 2019), xuất khẩu dầu hỏa giảm 80%, đồng nội tệ mất giá đến 50% khiến đời sống trở nên đắt đỏ. Khoảng 1,6 triệu người dân Iran rơi vào cảnh bần hàn và tỷ lệ thất nghiệp vượt quá mức 16,8%. Tất cả những điều này đã phá hủy mọi nỗ lực của tổng thống Rohani từ nhiều năm qua.

Nếu như các « áp lực tối đa » của chính quyền Trump nhằm buộc Iran phải « phủ phục quy hàng », thì chính sách này như tiếp thêm sức phe bảo thủ cứng rắn, chỉ trích mạnh mẽ chính sách mở rộng vòng tay của tổng thống Hassan Rohani, khi cho rằng ông đã quá « ngây thơ » tin vào Mỹ.

Thêm vào đó, việc chính quyền Teheran thông báo tăng giá nhiên liệu hồi trung tuần tháng 11/2019, khiến người dân bất bình, rầm rộ xuống đường phản đối nhắm vào mọi tầng lãnh đạo từ phe bảo thủ, ôn hòa, Vệ Binh Cộng Hòa đến cả giáo chủ Khamenei. Thay vì đối thoại với dân, chính quyền lại có những biện pháp triệt để : Cắt đường truyền Internet trong một tuần để thẳng tay đàn áp. Hãng tin Reuters đưa ra con số 1.500 người chết. Hàng ngàn người bị bắt. Làn sóng phản đối tạm lắng trong nỗi cay đắng của người dân.

Rồi bất mãn lại bùng lên khi xảy ra thảm kịch hàng không sau một thời gian đoàn kết ngắn ngủi trước cái chết của tướng Qassem Soleimani bị Mỹ hạ sát. Chuyến bay 752 của hãng hàng không Ukraina bị tên lửa Vệ Binh Cách Mạng bắn rơi nhưng sự thật bị che giấu đến ba ngày mới được tiết lộ. Không một thủ phạm nào bị đưa ra xét xử, không một lời chỉ trích từ tổng thống Rohani.

Niềm tin đã bị xói mòn nay còn thêm sâu thẳm khi Hội Đồng Bảo Hiến thông báo không công nhận tư cách ứng cử của 7.200 ứng viên có tư tưởng ôn hòa và cải cách. Trước việc phải lựa chọn giữa « kẻ chột » và « người mù » như lời nhận định ví von của bà Agnès Lavallois, chuyên gia về Trung Đông và các vấn đề Địa Trung Hải, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS trên đài France Inter, bởi vì đại đa số ứng viên được phép tranh cử là những người bảo thủ và cực kỳ bảo thủ, thì đông đảo cử tri Iran đã chọn cách « quay lưng với bầu cử ».

Phe cứng rắn thắng cử, Rohani hẹp đường hành động

Câu hỏi đặt ra : Đâu là hệ quả chính trị trước sự thờ ơ của cử tri và quyết định gạt các ứng viên ôn hòa ra khỏi cuộc bầu cử ? Nhà nghiên cứu Clément Therme giải thích :

« Nghị viện ấn định khuôn khổ của một cuộc tranh luận chính trị, về những gì có thể là một dạng tự do ngôn luận ngay trong nội bộ nghị viện của nước Cộng Hòa Hồi Giáo. Việc gạt đông đảo các ứng viên chủ trương cải cách hay những người bảo thủ chỉ trích việc hạn chế tự do ngôn luận trong nghị viện, đánh dấu chấm hết cho các cuộc thảo luận nội bộ để nhường chỗ cho một sự thống nhất giả tạo từ giới lãnh đạo nhằm đối phó với chính quyền Donald Trump ».

Nói một cách khác, đối mặt với một nghị viện mới sắp tới, năm cuối cùng nhiệm kỳ của vị tổng thống ôn hòa Rohani hứa hẹn nhiều « khổ ải ». Cuộc bầu cử Nghị Viện lần này còn là bước dọn đường cho kỳ bầu cử tổng thống năm tới, mà giới chuyên gia Pháp không ngần ngại cho rằng một ứng viên bảo thủ sẽ lên thay.

Nhưng phải chăng đó cũng là một lẽ thường tình. Một chu kỳ chính trị sắp khép lại. Bởi vì, có một thực tế chính trị tồn tại ở Iran từ 40 năm qua : Chính trường Iran vận hành theo vòng tuần hoàn. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Clément Therme lưu ý thêm rằng ẩn sau hai cuộc bầu cử này còn có một cuộc chiến khác.

« Đây là một yếu tố quan trọng bởi vì chính tổng thống phải là người thực thi các chính sách của Lãnh đạo tối cao, mà những đường hướng chính được vạch ra ở thượng tầng lãnh đạo. Nhưng dù sao đi chăng nữa, chúng ta đang bước vào giai đoạn cuối của một chu kỳ. Từ những năm 1990 và từ khi nhà sáng lập Khomeini mất, nước Cộng Hòa Hồi Giáo vận hành theo chu kỳ giữa phe ôn hòa và bảo thủ. Nhưng giai đoạn cuối của chu kỳ ôn hòa lần này đã bị chính sách của chính quyền Donald Trump thúc đẩy nhanh hơn.

Tuy nhiên, ẩn sau đó còn là một cuộc chiến giành quyền kế thừa Lãnh đạo tối cao. Do vậy, trong cuộc bầu cử lập pháp lần này và cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, vấn đề thay thế Lãnh đạo tối cao, người có một vị trí quan trọng nhất trong hệ thống quyền lực của Nhà nước Cộng Hòa Hồi Giáo cũng được đặt ra. »

Virus corona : « Khách không mời mà tới »

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đã lan đến Iran nhưng vẫn bị chính quyền che giấu. Liệu đây có là một yếu tố để giải thích cho tỷ lệ vắng mặt cao ? Về điểm này, Clément Therme cũng không hoàn toàn phủ nhận, nhưng ông lưu ý rằng dịch bệnh còn cho thấy rõ mối quan hệ lệ thuộc giữa Iran và Trung Quốc. Sự việc làm dấy lên nhiều nghi vấn về chính sách đối ngoại được cho là « độc lập » của Iran kể từ sau cuộc Cách Mạng Hồi Giáo.

« Dịch bệnh làm dấy lên nhiều câu hỏi về mối quan hệ với Trung Quốc. Đây là những vấn đề rất nhậy cảm cho Iran bởi vì giới lãnh đạo của nước Cộng Hòa Hồi Giáo trước đây luôn lên án sự lệ thuộc về chiến lược của Iran đối với Mỹ dưới thời quân chủ trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh.

Nhưng ngày nay, Iran phụ thuộc rất nhiều vào Nga và Trung Quốc. Do vậy, đây là thất bại của việc tuyên truyền chính sách đối ngoại của Cộng Hòa Hồi Giáo, vốn dĩ luôn nhấn mạnh đến sự độc lập của đất nước. Hiện tại, mối quan hệ với Trung Quốc chặt chẽ đến mức Iran không thể nào cắt đứt bất chấp mối đe dọa quân sự nghiêm trọng.

Quả thật, điều này đặt ra một vấn đề địa chính trị về sự phụ thuộc vào Trung Quốc, và ở trong nước là vấn đề minh bạch đối với người dân Iran, vốn không còn tin tưởng vào những thông tin do chính phủ đưa ra, nhất là kể từ sau vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Ukraina, bởi vì chính phủ đã che giấu sự thật trong vòng ba ngày rằng chính Vệ Binh Cách Mạng đã bắn tên lửa vào chiếc máy bay dân dụng này. »

Nhưng có một điều chắc chắn với việc phe bảo thủ cứng rắn trở lại cầm quyền, số phận của thỏa thuận hạt nhân 2015 có thể sẽ sớm được định đoạt nhanh chóng. Giới chuyên gia dự đoán, Nghị Viện mới của Iran rất có thể sẽ sớm đưa ra đòi hỏi cho rút Iran ra khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Bước khởi đầu cho một giai đoạn gia tăng căng thẳng mới với phương Tây trong hồ sơ hạt nhân chăng ?

Bảo thủ, ôn hòa : Tất cả đều một giuộc ?

Iran trong tương lai có nguy cơ sẽ là một « Bắc Triều Tiên ở Trung Đông ». Bởi vì, theo như giải thích của Clément Therme, Iran đã bị đưa trở lại vào trong danh sách đen của Nhóm Hành Động Tài Chính (GAFI), một tổ chức quốc tế có trụ sở ở Paris, chuyên theo dõi tài trợ cho khủng bố và rửa tiền.

« Phe bảo thủ đã bắn đi một tín hiệu đầu tiên. Cũng trước đó, chính họ đã ngăn chận bằng mọi giá mọi điều luật do phe ôn hòa đề xuất liên quan đến việc minh bạch tài chính. Như vậy, Iran sẽ ngày càng trở nên bí hiểm, khép kín và cô lập. Và chiến lược tự cô lập này chẳng giúp giải quyết các vấn đề của đất nước. Đúng là phe cải cách đã bị gạt ra khỏi hệ thống nhưng điều đó có nguy cơ đẩy họ rơi vào thế ly khai. Nền tảng xã hội vì thế cũng bị thu hẹp lại sau mỗi một đợt khai trừ các lực lượng đối lập bên trong bộ máy cầm quyền. »

Dẫu sao thì cuộc bầu cử lần này cũng đã cho thấy rõ thực trạng thảm hại về tầng lớp chính khách Iran hiện nay : Một tầng lớp lãnh đạo già nua, chiếm giữ chính trường từ 40 năm qua. Một tầng lớp mới lên thay thế nhưng lại không được lòng dân. Một bộ máy cầm quyền ngày càng xơ cứng, không còn khả năng nghe được tiếng nói của dân.

« Đây hoàn toàn là một ý tưởng của Lãnh đạo tối cao, đó là là cho loại trừ những người chủ trương cải cách để đẩy một thế hệ bảo thủ trẻ lên. Thế nhưng, vấn đề của chiến lược này nằm ở chỗ những chính khách bảo thủ trẻ tuổi này, vốn để tranh luận trên chính trường lại không có được một sự ủng hộ của đông đảo dân chúng, bởi vì chỉ có chưa đến 20% người dân Iran là ủng hộ chế độ. Đây đúng là một vấn đề thật sự về tính chính đáng và việc đổi mới thế hệ cũng chưa đủ để mang lại sự năng động và uy tín cho một hệ thống chính trị quá bị mất lòng dân bởi vì chế độ này là không dân chủ.

Do vậy, vấn đề ở đây chính là bản chất của chế độ chính trị của Nhà nước Cộng Hòa Hồi Giáo, không còn khả năng xử lý, giải quyết các vấn đề mà người dân Iran đang phải đối mặt như vấn đề an ninh hàng không, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng y tế hiện nay là dịch bệnh virus corona…

Chính sự thiếu hụt nguồn năng lực này đang tạo ra một nhu cầu lớn về việc chuẩn mực hóa kỹ trị, và tìm kiếm một tầng lớp tinh hoa không chính trị và hệ tư tưởng nhưng có năng lực xử lý các vấn đề cho đất nước. »

Dòng lịch sử vẫn cuồn cuộn chảy, nhưng chế độ Iran vẫn y như thế : Không có khả năng cải tổ sâu rộng, đứng trơ ì trong ngõ cụt và đang đè nặng lên một xã hội ngày càng tuyệt vọng. « Các chính khách có màng đến những gì chúng tôi muốn đâu, họ chỉ làm những gì họ muốn thôi. Họ chẳng quan tâm đến giới trẻ. Khi họ đắc cử, họ nói rằng họ sẽ làm khác đi so với những người trước nhưng thực tế là không. Tất cả đều là cá mè một lứa. » Đây chính là lời giải thích vì sao không đi bỏ phiếu của một nữ sinh viên với phóng viên đài France Inter.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.