Vào nội dung chính
ANH QUỐC - BREXIT

Hạ Viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit

Sau hơn 3 năm rưỡi dùng dằng, cuối cùng Anh Quốc đã dứt khoát rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào đúng hạn cuối tháng 01/2020. Thủ tướng Boris Johnson được rảnh tay tiến hành Brexit vì ngày 20/12/2019, tân Hạ Viện đã thông qua thỏa thuận ly hôn sau lần thảo luận thứ hai, với 358 phiếu thuận và 234 phiếu chống.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong buổi thảo luận tại Hạ Viện sau bài diễn văn của Nữ hoàng Elizabeth, Luân Đôn, ngày 19/12/2019.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trong buổi thảo luận tại Hạ Viện sau bài diễn văn của Nữ hoàng Elizabeth, Luân Đôn, ngày 19/12/2019. UK Parliament/Jessica Taylor
Quảng cáo

Thông tín viên RFI Muriel Delcroix tường trình từ Luân Đôn :

« Ông Boris Johnson đang từng bước thực hiện gánh nặng mà người tiền nhiệm Theresa May đã không làm được : đưa Brexit vào đúng lộ trình và khởi động bộ máy lập pháp để ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu sau 47 năm chung sống đầy sóng gió.

Cuộc ly hôn này sẽ được tiến hành theo hai chặng : trước tiên là áp dụng, vào đúng ngày 31/01/2020, thỏa thuận chia tay đã được hai bên đàm phán và mở ra thời kỳ quá độ đến cuối năm 2020. Nếu đến lúc đó, hai bên không tìm ra được thỏa thuận nào, Anh Quốc vẫn rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Thủ tướng Anh đã ghi điều này thành luật, một cách để duy trì sức ép đối với các nhà đàm phán bất chấp những rủi ro của một cuộc chia tay mà không có thỏa thuận về cơ chế bảo đảm (trong giai đoạn chuyển tiếp, Vương Quốc Anh vẫn nằm trong liên minh thuế quan), nếu căn cứ vào những nội dung chỉ được nêu ngắn gọn. Chia tay không thỏa thuận sẽ gây tác động đột ngột cho nền kinh tế Anh Quốc.

Phía Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố sẽ làm « tối đa » để đạt được một thỏa thuận nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng một cuộc chia tay « không có thỏa thuận » sẽ tác động nhiều đến Vương Quốc Anh hơn là đối với 27 nước còn lại.

Ông Boris Johnson có thời gian để đổi ý, nhưng quyết tâm cao độ của ông là tín hiệu gửi đến các cử tri Anh, chán nản vì tình trạng tê liệt kéo dài. Luật rút Anh Quốc khỏi Liên Hiệp Châu Âu vừa được thông qua cũng loại bỏ luôn những biện pháp bảo vệ quyền của người lao động, trong khi các đảng đối lập từng đạt được những điều kiện này dưới thời thủ tướng Theresa May. Luật mới cũng trao cho tư pháp Anh Quốc quyền được xem xét lại những quyết định của Tòa Án Công Lý Châu Âu.

Tóm lại, Brexit đã được khởi động, không đảo ngược được. Giống như năm 2016, ông Boris Johnson hứa hẹn một tương lai kinh tế sáng lạn cho Anh Quốc, bỏ xa các nước láng giềng trên lục địa ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.