Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Nước Pháp : Mùa hè 2018, một mùa hè "bốc lửa"

Đăng ngày:

Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này xin điểm lại những sự kiện đáng chú ý trong tháng 7 : Nước Pháp lần thứ hai đăng quang vô địch Cúp Thế Giới Bóng Đá sau 20 năm chờ đợi ; Lốc xoáy tại điện Elysée vì vụ tai tiếng Benalla ; Châu Á - khách mời danh dự Quốc khánh Pháp 14/07 và thượng đỉnh Helsinki, Donald Trump bị chỉ trích nhún nhường trước đồng nhiệm Nga.

Người dân Paris cuồng nhiệt đón đoàn quân chiến thắng của huấn luyện viên Didier Deschamps trở về. Paris ngày 16/07/2018.
Người dân Paris cuồng nhiệt đón đoàn quân chiến thắng của huấn luyện viên Didier Deschamps trở về. Paris ngày 16/07/2018. Eric Feferberg/Pool via Reuters
Quảng cáo

Mùa hè 2018 có lẽ sẽ là mùa hè « nóng bỏng » đáng nhớ đối với người dân Pháp. Sau 20 năm chờ đợi, đội tuyển Pháp, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Didier Deschamps đã mang về cho đất nước và người hâm mộ ngôi sao thứ hai.

Thắng lợi này đã làm nức lòng người dân Pháp và bầu không khí cả nước trong mấy ngày trung tuần tháng 7 như trẩy hội. Hàng trăm nghìn người đã lũ lượt kéo về đại lộ Champs-Elysées, bất chấp nắng nóng gay gắt để chào đón những « người hùng » áo Lam trở về.

Theo quan sát của chuyên gia Pascal Boniface trên đài RFI, bầu nhiệt huyết của người dân Pháp năm 2018 mãnh liệt hơn nhiều so với những gì diễn ra cách đây 20 năm. Xã hội Pháp đã có những thay đổi sâu sắc về cách nhìn môn thể thao vua này.

« Tôi có cảm giác là sự kiện này còn quan trọng hơn cả năm 1998, bởi vì có thể nước Pháp cần đến sự kiện này hơn cả hồi năm 1998. Đồng thời, bóng đá cũng có vai trò, ảnh hưởng lớn hơn hồi năm 1998.

Vào thời đó, vẫn còn có nhiều do dự, e dè trong giới trí thức, chính trị gia. Họ coi thường môn bóng đá. Tôi đã chứng kiến là họ sợ bị coi thường nếu như quan tâm đến bóng đá ; việc yêu thích bóng đá có thể làm cho họ mất đi vị thế, danh giá.

Giờ đây, bóng đá được xã hội chấp nhập và yêu thích nhiều hơn. Năm 1998 là một bước ngoặt và sự chuyển hướng này từng bước được vun đắp, bởi vì người ta thấy bóng đá tiếp tục chinh phục thế giới, ngày càng được truyền hình phát nhiều hơn, có nhiều trận đấu hơn, người ta có thể xem các trận đấu ở nước ngoài ; ngày càng có nhiều người quan tâm đến các đội bóng và xem các trận đấu. Quả thực là ảnh hưởng của bóng đá ngày càng lan rộng hơn trên thế giới ».

Vẫn theo chuyên gia Boniface, trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị và xã hội Pháp u ám hiện nay, chiến thắng của đội tuyển Pháp đã mang đến cho đất nước một luồng sinh khí mới.

« Bởi vì thành thực mà nói, tình hình nước Pháp không mấy tốt đẹp, về kinh tế, xã hội, bị chia rẽ, bầu không khí ảm đạm, rồi các vụ khủng bố… Pháp là một nước bi quan, rất bi quan. Các cuộc điều tra cho thấy dân Pháp còn bi quan hơn cả dân Afghanistan, Irak và đó là một nghịch lý.

Do vậy, dân Pháp cần có những dịp cùng vui chung, quây quần tụ tập, không phải để chống nhau mà để chia sẻ niềm vui. Đó không phải là một sự tập hợp của một tầng lớp nào, một cộng đồng nào, mà của tất cả mọi người. Những dịp như vậy rất hiếm có.

Thành thực mà nói, ngoài bóng đá, tôi không thấy có điều gì có thể tạo được niềm vui chung như vậy. Tại Paris, đã bao nhiêu lần có tới hơn một triệu người xuống đường cùng nhau chia sẻ niềm vui ? Có lẽ là vào dịp Paris được giải phóng khỏi sự xâm chiếm của ngoại bang, hồi tháng 05/1968 chống lại các cuộc đình công, hồi tháng 01/2015 để phản đối các vụ khủng bố. Tháng 07/2018, Pháp đoạt Cúp vô định bóng đá thế giới, người dân xuống đường trong bầu không khí tích cực, lễ hội, chứ không phải như một số sự kiện trước : xuống đường để tưởng niệm, bày tỏ đau thương hay phản đối. »

« Benallagate » : Viên thuốc đắng trong ly rượu mừng

Men say chiến thắng chưa kịp tan, giông bão đã ập xuống điện Elysée. Từ nhiều ngày nay, chính phủ Pháp, hay nói đúng hơn là tổng thống Macron, phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội từ công luận và các đảng đối lập trong việc xử lý vụ tai tiếng mà báo chí Pháp gọi là « Benallagate ».

Nguồn gốc sự việc bắt đầu từ việc báo Le Monde đăng đoạn video cho thấy vệ sĩ thân cận của ông Emmanuel Macron, đồng thời cũng là phó chánh văn phòng tổng thống, nhân vật có tên là Alexandre Benalla, mạo danh cảnh sát hành hung người biểu tình hôm 01/05. Các đảng đối lập chỉ trích điện Elysée có thái độ « bao che » và tìm cách « nhấn chìm » vụ việc.

Thế nhưng, tai tiếng nổ ra không đúng thời điểm. Quốc Hội đang trong quá trình bàn thảo dự luật sửa đổi Hiến Pháp. Các dân biểu đối lập nhân vụ việc này đã yêu cầu ngưng các cuộc thảo luận để lập ủy ban điều tra.

Ngoài việc nhân vật chính cùng với bốn người khác bị truy tố, nhiều quan chức lãnh đạo cao cấp như bộ trưởng Nội Vụ Gérard Collomb, lãnh đạo sở cảnh sát Paris Michel Delpuech, và chánh văn phòng phủ tổng thống Patrick Strzoda phải lần lượt ra điều trần trước Ủy ban Điều tra của Hạ Viện và Thượng Viện.

Về phần mình, tổng thống Pháp sau một tuần im lặng, ngày thứ Ba 24/07 mới lên tiếng tự nhận lấy trách nhiệm. Vì sao ông Macron lại quyết định gánh lấy trách nhiệm về mình, trong khi mà vài giờ trước đó, chánh văn phòng tổng thống và thủ tướng chính phủ trước các dân biểu đã bác bỏ mọi cáo buộc nhắm vào ông ?

Trả lời câu hỏi của RFI, ông Martial Foucault, giáo sư trường đại học Khoa học Chính trị Paris, giải thích :

« Đối với tôi, yếu tố quan trọng nhất, đó là việc tổng thống Emmanuel Macron quyết định tự chịu trách nhiệm một mình về vụ này. Đó là cách để nói rằng tôi không thể đổ trách nhiệm về tình trạng vô tổ chức tại văn phòng tổng thống cho tổng thư ký điện Elysée và chánh văn phòng tổng thống, vì những người này có thể bị cáo buộc là đã có những nhận xét, đánh giá sai lầm về mức độ kỷ luật đối với ông Benalla cũng như là việc cho phép đương sự được tiếp tục làm việc hay không ».

Về phần mình, nhà phân tích Pascal Riché, trong một bài nhận định đăng ngày 20/07 trên tạp chí L’Obs, đã không ngần ngại ví vụ việc này như là một quả bom chùm nổ chậm. Bởi vì, theo ông, vụ tai tiếng này có nguy cơ bùng nổ lớn do hàm chứa 4 tai tiếng khác nhau : dùng bạo lực vô cớ, mạo danh nhân viên công lực, sử dụng « lính kín » và mưu toan nhận chìm vụ việc.

Tóm lại, với vụ việc này, ông Emmanuel Macron chẳng khác gì như nuốt phải viên thuốc đắng trong ly rượu mừng.

Quốc Khánh Pháp vinh danh châu Á

Cũng tại nước Pháp nhưng có liên quan đến châu Á. Quốc Khánh 14/07/2018 khá đặc biệt hơn mọi năm bởi vì Nhật Bản và Singapore là những khách mời danh dự.

Lần đầu tiên, kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, bẩy binh sĩ thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản đi diễu binh trên đại lộ Champs-Elysées. Với đại tá Yokohama, việc tham gia diễn binh tại Paris là « để chứng tỏ với thế giới là Nhật Bản siết chặt hợp tác quốc phòng với Pháp, quốc gia cũng có nhiều vùng lãnh thổ nằm ở Thái Bình Dương và luôn mong muốn sự ổn định của khu vực. Và Nhật Bản chia sẻ cùng những giá trị và lợi ích chung này với Pháp ».

Về phần mình, Paris cũng nhân dịp này mừng 160 năm mối quan hệ song phương Pháp - Nhật. Theo đánh giá của phát ngôn viên thủ tướng Nhật Bản, ông Norio Maruyama, khi trả lời phỏng vấn đài RFI, quan hệ Pháp - Nhật là một mối quan hệ đối tác đặc biệt :

« Tôi nghĩ điều này có một ý nghĩa rất biểu tượng. Bởi vì Nhật Bản và Pháp là những đối tác đặc biệt. Đôi bên có rất nhiều việc phải hợp tác chung trong nhiều lĩnh vực như chính trị, chiến lược… Sự hiện diện của binh sĩ Nhật Bản bên cạnh binh lính Pháp là một sự kiện rất quan trọng. Tôi nghĩ là người dân Nhật Bản hài lòng về lời mời này ».

Song hành với Nhật Bản trên đại lộ Champs-Elysées còn có sự hiện diện của các binh sĩ Singapore. Đảo quốc Đông Nam Á này là một trong những đối tác chính của Không Quân Pháp ở Đông Nam Á. Từ 20 năm qua, các phi công chiến đấu cơ Singapore đều được đào tạo ở khu căn cứ Cazaux (tây nam Pháp). Tính từ năm 1998, hơn 180 học viên Singapore đã được cấp bằng tại đây.

 Trump và Putin, đôi bạn đồng chí hướng?

Cuối cùng, một chủ đề quốc tế khác trong tháng 7 không thể bỏ qua đó là thượng đỉnh Helsinki giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và Vladimir Putin.

Ngày 16/07/2018, tại cuộc gặp lịch sử này ở Helsinki, thủ đô Phần Lan, nguyên thủ Mỹ đã từ chối lên án Matxcơva can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Giọng điệu hòa giải của ông Donald Trump với chủ nhân điện Kremlin đã khiến cho giới chính khách ở cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ phải sững sờ.

Câu hỏi đặt ra : Phải chăng tổng thống Mỹ đã tỏ ra quá « nhún nhường » trước một đồng nhiệm Nga « lạnh lùng » ? Làm thế nào giải thích về thái độ hòa dịu đó của ông Donald Trump ? Ông Karim Emile Bitar, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, chuyên gia chính sách đối ngoại Hoa Kỳ trên làn sóng RFI giải thích như sau :

« Đó là vấn đề chính trị nội bộ, sự thù ghét Barack Obama, Hillary Clinton. Tại Hàn Quốc có những tin đồn là Nga « nắm thóp » Donald Trump bằng bất kỳ cách nào, không nhất thiết phải là những thông tin bất lợi cho Donald Trump như các tờ báo lá cải ra sức khai thác, đưa tin cách nay hai năm.

Thực ra, hiện nay, có một sự tương đồng và kết nối các lợi ích. Donald Trump coi Vladimir Putin như một dạng « chiến hữu ». Ông ta tìm cách áp đặt tư tưởng dân tộc chủ nghĩa độc đoán trên phạm vi toàn thế giới. Như vậy, ngoài những chính sách thủ đoạn chính trị, tôi nghĩ là cả hai người có cùng tần số ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.