Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Khủng bố : « Bom bẩn », mối đe dọa bị đánh giá thấp ?

Đăng ngày:

Loạt khủng bố đẫm máu tại Bruxelles cuối tháng 3/2016, đi cùng với việc phát giác âm mưu tấn công vào một nhà máy nguyên tử ở Bỉ, ngay trước thềm Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Mỹ (ngày 31/3-01/04), một lần nữa đánh động công luận về những kịch bản khủng bố hạt nhân tồi tệ nhất. Bên cạnh nguy cơ khủng bố bằng bom nguyên tử - một khả năng vô cùng thấp, theo giới chuyên gia -, nguy cơ khủng bố bằng « bom bẩn », tức bom phóng xạ, được liên tục nhắc đến như một nguy cơ nhãn tiền. Câu hỏi đặt ra: Mối đe dọa này cho đến nay phải chăng đã bị đánh giá thấp ?

Một cuộc biểu tình phản đối hạt nhân tại Bruxelles, 01/02/2016.
Một cuộc biểu tình phản đối hạt nhân tại Bruxelles, 01/02/2016. REUTERS/Francois Lenoir
Quảng cáo

Đe dọa bị đánh giá thấp

Trả lời AFP, tổng giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA), Yukiya Amano, nhấn mạnh : Bên cạnh khả năng một trong khoảng 1.000 cơ sở hạt nhân trên thế giới bị tấn công, mối đe dọa chủ yếu đến từ việc đánh cắp các vật liệu phóng xạ để chế bom bẩn. Trong vòng hai thập niên qua, AIEA thống kê được gần 2.800 trường hợp buôn lậu, sở hữu bất hợp pháp, hay vật liệu phóng xạ « mất tích », và đây « rất có thể chỉ là phần nổi của tảng băng ». Vẫn theo tổng giám đốc AIEA, mối đe dọa này rất thường xuyên bị chính quyền các nước coi nhẹ. Tổng giám đốc AIEA nhấn mạnh đến « mắt xích yếu nhất (của hệ thống an toàn hạt nhân) » là một quy định sửa đổi Công ước Bảo vệ thực thể các vật liệu và cơ sở hạt nhân (CPNN), được đưa ra tại hội nghị Vienna năm 2005, chưa có hiệu lực, do chưa hội đủ số nước phê chuẩn.

Tuần báo L’Express trong một số chuyên đề về khủng bố hạt nhân đầu tháng 3/2016 nêu nhận xét : « trong một thời gian dài, kịch bản kinh hoàng này (tức khủng bố bằng bom bẩn) đã chỉ khiến các chuyên gia mỉm cười. Người ta giương nó ra như một cái bung xung, nhưng thực tế, không ai thực sự nhìn nhận đó là một nguy cơ nghiêm túc. Tuy nhiên, đe dọa khủng bố hiện nay đã khiến tình hình thay đổi ».

Tác động tâm lý rất lớn, cần thận trọng

Nhà nghiên cứu Alain Rodier, phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Tình Báo Pháp, giải thích : « Bom bẩn là (...) một thứ bom thông thường, trong đó người ta đưa thêm vào một số chất liệu phóng xạ, được thu lượm ở đâu đó, đặc biệt là những chất phóng xạ được sử dụng trong ngành y. Khi nổ, bom có thể phát tán đi các chất phóng xạ. Cũng cần nhấn mạnh là bom bẩn không thể gây sát thương nhiều hơn một thứ bom thông thường. Ở Irak, quân khủng bố từng sử dụng bom hóa học để chống lại người Mỹ, tuy nhiên báo chí tại đó không còn nói về chuyện này ; lực lượng khủng bố đã từ bỏ việc sử dụng. Bom bẩn, để có hiệu quả, cần phải mang lại một cú sốc dây chuyền về chính trị và truyền thông quan trọng » (1).

Ông Georges-Henri Mouton, Viện Bảo Vệ Phóng Xạ và An Toàn Hạt Nhân (IRSN) cũng nhấn mạnh đến tính chất phổ biến của vật liệu phóng xạ và mức độ đặc biệt nguy hiểm của bom bẩn, hay bom phóng xạ về mặt tâm lý : « Để điều trị ung thư, chụp scanner hay kiểm tra các mối hàn, các bệnh viện và nhiều ngành công nghiệp sử dụng các vật liệu phóng xạ. Hàng năm, tại Pháp, có từ 80.000 đến 90.000 chuyến vận tải các vật liệu có độ phóng xạ cao được thực hiện. Cần phải tăng cường theo dõi hoạt động này, bằng cách siết chặt kiểm soát và kiểm kê số lượng các nguồn vật liệu phóng xạ (…). Chúng tôi lo ngại rằng chất cesium hay cobalt 60 rơi vào tay của kẻ xấu và bị phát tán qua một vụ nổ khủng bố. Số lượng nạn nhân chắc chắn sẽ không cao (so với các vũ khí hủy diệt hàng loạt), nhưng tác động tâm lý và việc gây bất ổn đi kèm chắc chắn sẽ hết sức lớn » (2).

Nhấn mạnh bom bẩn như một nguy cơ chủ yếu tại Thượng đỉnh hạt nhân vô hình chung có thể mang lại một lợi thế tuyên truyền cho các lực lượng khủng bố, cũng là câu hỏi mà La dépêche du Midi đặt ra (3). 

Nguy cơ tấn công ngày càng hiện hữu

Theo một nhận định của báo Tây Ban Nha El País (4), « nếu như cách nay vài năm, các chuyên gia về hạt nhân cho rằng nguy cơ của khủng bố kiểu này là rất thấp, bởi vì việc sử dụng đi kèm với cái chết của thủ phạm, vì vậy người ta cho rằng khả năng này gần như không xảy ra. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác. Kể từ giờ, sự tồn tại của hàng nghìn ứng cử viên tiềm năng cho hành động khủng bố tự sát, sẵn sàng chết cho mục đích, khiến nguy cơ khủng bố hạt nhân tăng cao. Ông Gilles de Kerchove, người điều phối cuộc chiến chống khủng bố của Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh : ''Chúng ta cần phải sẵn sàng, để có thể đánh giá được các nguy cơ và phản ứng lại trong trường hợp bị tấn công'' » (5).

Số đặc biệt của L’Express cũng dẫn lại nhận định của ông Page Stouland, phó chủ tịch NIT/Nuclear Threat Initiative (Sáng kiến đối phó với đe dọa hạt nhân), theo đó, tại nhiều nước « từ hai năm nay, tinh thần cảnh giác đã suy giảm ». Nguyên nhân của việc này là do thiếu quyết tâm chính trị, sự ì trệ của nền hành chính và thiếu nguồn lực tài chính cần thiết.

Vẫn theo người phụ trách của Nuclear Threat Initiative, nguy cơ các địa điểm chiến lược về hạt nhân bị đột nhập và vật liệu hạt nhân bị đánh cắp tăng cao, chưa kể nguy cơ sử dụng internet để kiểm soát một trung tâm quản lý nhà máy điện hạt nhân « có thể xảy ra trong vòng 5 năm tới », vẫn theo người điều phối chống khủng bố của Liên Hiệp Châu Âu (báo Bỉ Libre Belgique).

Về vấn đề an toàn các nhà máy điện hạt nhân, trả lời đài France 24, ông Maurice Mazière, phát ngôn viên của Tổ Chức Năng Lượng Hạt Nhân Pháp cho rằng, cho dù không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ này, nhưng việc khủng bố sử dụng internet để kiểm soát từ xa cho đến nay hầu như không có nguy cơ mang lại hậu quả, bởi quy định kiểm soát hai lớp hết sức nghiêm ngặt.

Đông Âu - Liên Xô cũ : Quản lý không đủ lực

Về hợp tác quốc tế trong việc kiểm soát nguy cơ khủng bố bằng bom bẩn, theo Le Figaro, « Sự vắng mặt của tổng thống Nga (trong thượng đỉnh nói trên), quốc gia sở hữu một trong những kho vật liệu hạt nhân dân sự lớn nhất thế giới, cho thấy các giới hạn của nỗ lực quốc tế này, trong lúc chính Nga cũng bị coi là quốc gia rất dễ tổn thương bởi âm mưu buôn lậu chất liệu phóng xạ, hạt nhân, bởi nạn tham nhũng triền miên tại nước này ».

Tại nhiều khu vực của Liên Xô trước đây và một số nước Đông Âu, việc buôn bán các vật liệu hạt nhân, phóng xạ vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền. Tạp chí L’Express trong số báo đã dẫn có bài « Đường dây buôn lậu uranium tại Moldova ». Tại Moldova, thị trường chợ đen về nguyên tử nở rộ, bốn vụ buôn lậu uranim và vật liệu phóng xạ được phát hiện trong vòng 5 năm.

Phóng sự của L’Express đưa độc giả đến với văn phòng điều tra của người phụ trách cảnh sát chống buôn lậu tại thủ đô Moldova : « (…) Trên bức tường của văn phòng ông tại Chisinau, thủ đô Moldova, có treo rất nhiều tấm hình đen trắng các tội phạm buôn lậu vật liệu phóng xạ. Trong số đó, có một luật sư Moldova, một sĩ quan cảnh sát, và một người Sudan. Viên cảnh sát phụ trách chống buôn lậu cho biết nghi phạm Sudan vẫn lẩn trốn. Cảnh sát Moldova không thể bắt được, vì hắn ta không bao giờ đặt chân tới Moldova (…). Tại nhà của một người thân tín với nghi phạm Sudan ở Moldova, cảnh sát tìm được các sơ đồ chế tạo bom bẩn, mà người này định gửi cho người mua hàng Sudan ».

Tư pháp Moldova dường như rất nhẹ tay với loại tội phạm này. Theo ông trưởng công tố của thủ đô Moldova, người phạm tội này chỉ bị phạt tối đa 5 năm tù. Phần lớn các thành viên của mạng buôn lậu phóng xạ ‘‘Agheenco’’ hồi 2011 đều đã ra tù. Theo điều tra của cảnh sát, nghi phạm "Agheenco" vốn là sĩ quan tàu ngầm Nga. Rất nhiều khả năng số uranium 235 mà người này rao bán là loại uranium làm giàu hơn 50% vốn được sử dụng làm nhiên liệu dùng để chạy tàu ngầm, nơi ông ta phục vụ trước đây.

Bên cạnh Moldova, tình hình tại Rumani là một trong những minh chứng rõ ràng cho tình trạng quản lý không đủ lực. Quốc gia Đông Âu nói trên từng là nơi vắng bóng buôn lậu uranium, nhưng kể từ khi đơn vị đặc biệt phụ trách lĩnh vực này – được Hoa Kỳ tài trợ - bị giải tán, những kẻ buôn lậu quay trở lại. Theo L’Express, tại các nước láng giềng với Rumani, cũng không nước nào có đơn vị chuyên xử lý hồ sơ đặc biệt này.

***

Khủng bố bằng phóng xạ hay bom bẩn ngày càng được nhìn nhận như một nguy cơ nhãn tiền, tuy nhiên, một số nhà quản lý cho rằng nguy cơ này vẫn được đánh giá không đúng tầm mức, việc quản lý an toàn hạt nhân không theo kịp tốc độ phát triển của lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự (gia tăng đến 70% trong vòng 15 năm trở lại đây, theo AIEA). Mặt khác, không ít chuyên gia khuyến cáo nên đánh giá nguy cơ này ở mức độ tương thích, để tránh gây sốc tâm lý dây chuyền, nếu khủng bố xảy ra, bởi đây chính là mục tiêu của quân khủng bố.

Riêng tại Pháp, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến chấn thương tâm lý, 30 năm sau thảm họa hạt nhân Tchernobyl, do những lời nói dối từ phía chính quyền. Minh bạch thông tin, đặc biệt sau các thảm họa mới đây như Fukushima, Nhật Bản, là một biện pháp cần thiết góp phần đối phó hiệu quả với nguy cơ khủng bố phóng xạ.

Để trả lời cho thách thức mới, việc chia sẻ kinh nghiệm thông tin giữa cơ quan chuyên môn các nước, thông qua các tổ chức quốc tế là một con đường cơ bản. Ông Roland Jacquard, chủ tịch Đài Quan Sát Quốc Tế về Khủng Bố (Observatoire international du terrorisme), ghi nhận ý nghĩa của thượng đỉnh tại Washington mới đây :

« Hội nghị này rất quan trọng, chúng ta thấy sự có mặt của nhiều thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, là các cường quốc hạt nhân, như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy sự có mặt của một số nguyên thủ quốc gia các nước châu Phi, như tổng thống Gabon. Tại sao lại là Gabon ? Vì ở đây có mỏ uranium lớn tại Bakouma. Gabon cũng là nước không có nhiều kinh nghiệm về chống khủng bố. Đấy không phải là ưu tiên của họ.

Hiện nay, tổng thống các nước như Gabon hay Nigeria cảm thấy các mỏ uranium của nước mình có nguy cơ trở thành mục tiêu của các nhóm khủng bố, không phải để chế tạo bom hạt nhân, mà là để làm các loại bom bẩn. Nếu từ ở các cấp độ khác nhau của hệ thống, từ thấp đến cao, nguy cơ khủng bố đều được coi là quan trọng, thì hội nghị này rất đáng được hoan nghênh ».

Bên cạnh thượng đỉnh hai năm một lần nói trên, được tổ chức theo sáng kiến của tổng thống Mỹ, một số định chế như Interpol (6), AIEA, Sáng kiến thế giới chống khủng bố (The Global Initiative to Combat Nuclear Terrorism/Initiative mondiale pour combattre le terrorisme nucléaire - GICNT) (do Hoa Kỳ và Nga là đồng chủ tịch, quy tụ hơn 80 nước) và Đối Tác Toàn Cầu về Năng Lượng Hạt Nhân (Global Nuclear Energy Partnership - Le partenariat mondial pour l'énergie nucléaire) mang lại những cơ chế quốc tế khác cho phép cộng đồng quốc tế đối phó hiệu quả hơn với nguy cơ khủng bố hạt nhân và bom bẩn nói riêng.

--

(1) Trả lời nhật báo miền nam nước Pháp La dépêche du Midi,

(2) Nhật báo Le Parisien, ngày 01/04. 

(3) Hiệu ứng tuyên truyền của nguy cơ bom bẩn cũng là điều được hai chuyên gia Roland Jacquard, chủ tịch Đài Quan Sát Quốc Tế về Khủng Bố và Maurice Mazière, phát ngôn viên của Tổ Chức Năng Lượng Hạt Nhân Pháp nhấn mạnh trong cuộc tọa đàm với đài France 24 ngày 01/04.

(4) Tuần báo "Le Courrier International" dẫn lại (tháng 1/2011)

(5) Kể từ năm 2004, nước Pháp đã sẵn sàng đối mặt với một khủng bố kiểu này. Nhiều cuộc diễn tập đối phó với tấn công khủng bố bằng vũ khí hạt nhân, phóng xạ, hóa học, sinh học đã được tiến hành tại một số thành phố lớn.

(6) Đầu 2016, cảnh sát hình sự quốc tế Interpol đã có một hội nghị tại Lyon, Pháp, quy tụ 270 chuyên gia từ 120 nước để trao đổi kinh nghiệm trong cuộc chiến chống buôn lậu vật liệu phóng xạ và khủng bố hạt nhân nói chung.

Tin bài liên quan 

Thượng đỉnh nguyên tử Washington : Khủng bố vẫn là thách thức lớn

Quốc tế bàn chống khủng bố hạt nhân

Điện hạt nhân tiếp tục bị chỉ trích nhân dự án Đà Lạt (phỏng vấn hai Gs Phạm Duy Hiển và Nguyễn Khắc Nhẫn)
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.