Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Smartphone làm thay đổi cách theo dõi tin tức của giới trẻ

Đăng ngày:

Chiếc điện thoại thông minh phát triển mạnh đang làm thay đổi cách thức thưởng thức văn hóa, theo dõi tin tức, trao đổi tin tức, nhất là của giới trẻ ngày nay. Thông tin nhanh hơn, nóng hơn nhưng cũng hời hợt hơn, ít sâu lắng. Sự bùng nổ của smartphone và internet di động cũng đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho ngành truyền thông trong tương lai.

Facebook và điện thoại thông minh "smartphone".
Facebook và điện thoại thông minh "smartphone". REUTERS/Dado Ruvic/Files
Quảng cáo

 Điện thoại thông minh "smartphone" - "vật bất ly thân" chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống chúng ta, chí ít là cho những ai còn đang làm việc và sống ở đô thị. Với Smartphone, con người bắt liên lạc dễ dàng hơn, trao đổi thông tin nhanh hơn, và nhất là một công cụ giải trí cực kỳ tiện lợi, bất kỳ lúc nào, ở đâu, nhờ vào sự bùng nổ của mạng internet di động.

Bùng nổ mạng Internet di động

Smartphone tiếp tục đà tiến tại Pháp, đây là nhận định chung của nhiều khảo sát gần đây tại Pháp. Lần đầu tiên trong ngành viễn thông tại Pháp, thiết bị di động đã qua mặt các thiết bị cố định. Một điều tra do Trung tâm Nghiên cứu và Khảo sát người tiêu dùng Credoc, thực hiện theo đề nghị của Cơ quan quản lý viễn thông Arcep và Bộ Kinh tế Pháp, công bố khoảng cuối tháng 11/2015, cho biết 58% người dân Pháp đều sử dụng smartphone.

Điều này cho thấy hiện tượng số hóa không ngừng gia tăng trong xã hội Pháp nói riêng và có lẽ phương Tây nói chung. Bởi vì chỉ trong vòng có hai năm, lượng người sử dụng các thiết bị di động "thông minh" tăng lên hơn gấp hai lần. Độ tuổi người sử dụng điện thoại thông minh càng ngày càng trẻ, chiếm 81% thanh thiếu niên Pháp trong độ tuổi 12-17, 90% từ 18-24 tuổi.

Hệ quả của sự thành công các loại smartphone là làm bùng nổ dòng trao đổi thông tin liên lạc trên các trang mạng xã hội. Trong vòng có một năm, tại Pháp mức tiêu thụ bình quân dành cho các thuê bao mạng 3G và 4G gần như tăng gấp đôi, hiện đạt mức 1,1Go.

Việc lướt web trên điện thoại đã được phổ biến rộng rãi với một tốc độ chóng mặt. Số người sử dụng smartphone để truy cập internet chiếm đến 84%. Nghiên cứu cho thấy là giới trẻ Pháp là thế hệ đi đầu trong việc lướt web trên smartphone, với tỷ lệ 90% ở những người trong độ tuổi 18-24. Những người trong độ tuổi 60-69, truy cập mạng Internet bằng smartphone, chiếm một tỷ lệ cũng không ít, gần đến 30%. Ngược lại số người trên 70 tuổi sử dụng smartphone chỉ ở mức có 15%.

Giới trẻ ngày càng "nghiện" smartphone

Người Pháp bình thường rất "nghiện" Internet. Với sự bùng nổ của mạng internet di động, tỷ lệ cư dân mạng tại Pháp cũng tăng theo. Theo các nghiên cứu, 84% người dân Pháp đều truy cập mạng, nhưng 4/5 trong số này là truy cập mỗi ngày. Và đương nhiên, lượng người Pháp chuyển sang sử dụng các mạng xã hội cũng tăng theo. 62% số người được hỏi cho biết họ đều có tài khoản trên Facebook.

Về điểm này, giới trẻ Pháp là thế hệ đi đầu. Nghiên cứu mới đây do Viện thăm dòTNS Sofres, Pháp công bố ngày30/11/2015, cho biết thế hệ trẻ Y ngày nay, trung bình mỗi ngày dành đến hơn 2 tiếng với chiếc smartphone. Tuy thấp hơn so với mức trung bình của thế giới là hơn ba giờ/ngày, nhưng nếu tính gộp chung cho cả tuần, mức trung bình đó cũng tương đương với một ngày hoạt động trọn vẹn.

Cũng như tại nhiều nước khác trên thế giới, thế hệ trẻ Pháp chủ yếu dùng điện thoại thông minh để lên các mạng xã hội. Đối với 63% số này, việc lên mạng qua chiếc smartphone cũng giống như là mối tình lớn dường như khó có thể phai nhạt. Nhưng nếu so với cả khối Liên Hiệp Châu Âu, đây là một tỷ lệ khá thấp trong khối. Theo phân tích của bà Patricia Croutte, người tham gia vào nghiên cứu của Credoc :

« Nước Pháp đứng đầu về phương diện trang thiết bị, nhưng vẫn còn khá lạnh nhạt với các trang mạng xã hội. Đó có lẽ là do có liên quan đến vấn đề đời sống riêng tư. Trên thực tế, người Pháp vẫn chưa mấy tin tưởng vào tác nhân kỹ thuật số ».

Nhưng ông Patrice Duchemin, nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về tiêu thụ, đồng thời biên tập cho tờ oeilbylaser lại có cách giải thích khác cho đó là do yếu tố văn hóa.

« Người Pháp có một truyền thống thích giao tiếp và trò chuyện. Ngôn ngữ Pháp có vốn từ phong phú, khó có thể rút ngắn được trên các trang mạng xã hội. Nếu chúng ta đơn giản hóa ngôn từ, điều đó sẽ gây phức tạp cho việc truyền tải thông tin trên các mạng xã hội ».

Smartphone làm thay đổi cách thưởng thức văn hóa nghệ thuật

Nếu như tỷ lệ người Pháp lên mạng xã hội trên mạng di động thấp như vậy so với các nước khác trong khu vực Liên Hiệp Châu Âu, giới trẻ Pháp cũng như người Pháp nói chung còn sử dụng điện thoại thông minh vào mục đích nào khác ?

Theo khảo sát của TNS Sofres, thì 59% giới trẻ nước này dùng smartphone để xem video theo yêu cầu hằng ngày hay các chương trình TV phát lại. Một xu hướng cũng được nghiên cứu Credoc đồng xác nhận. Khảo sát của cơ quan này cho thấy smartphone ngày càng được sử dụng để nghe nhạc trực tiếp trên mạng (30%) thay vì tải nhạc như trước đây (hiện chỉ còn 20%). Hiện tượng này cũng thấy được trên lĩnh vực phim ảnh và phim truyền hình nhiều tập.

Một điểm an ủi là sách in vẫn còn cầm cự được trước đà kỹ thuật số hóa mạnh mẽ. 72% số người Pháp được hỏi khẳng định không thích sách "điện tử", nhưng tỷ lệ này cũng đã giảm mất đến 8 điểm so với năm 2011 (80%).

Điều đáng quan tâm nhất ở đây trong khảo sát của Credoc, smartphone đã có những ảnh hưởng quan trọng đến cách xem tin tức của giới trẻ ngày nay, cũng như ngành báo chí, truyền thông Pháp nói riêng và trong một chừng mực nào đó có thể của thế giới nói chung trong tương lai.

Bởi vì, ngoài việc lên mạng xã hội để giải trí, trao đổi hình ảnh và xem video, có đến 71% cư dân mạng cho biết theo dõi tin tức thông qua các trang mạng xã hội. Với các ứng dụng mới do các trang mạng xã hội đưa ra như « Instant Articles » trên Facebook chẳng hạn, một thành viên có thể xem nội dung các bản tin của những trang báo mạng đối tác mà không cần phải rời mạng xã hội. Đây có thể là một điểm mấu chốt, làm thay đổi diện mạo của ngành báo chí truyền thông trong tương lai.

Phương tiện thay đổi, cách đọc tin tức cũng đổi theo

Liệu rồi ngành báo giấy có sẽ biến mất để nhường chỗ cho những ứng dụng thông tin mới trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay ? Ông Arnaud Mercier, giáo sư ngành Thông tin-Viễn thông Viện Báo chí Pháp, đại học Panthéon-Assas, trên trang mạng The Conversation hồi trung tuần tháng 11/2015 có cho là không chỉ riêng gì tại Pháp, giới trẻ ngày nay đang bước vào trong một giai đoạn chuyển tiếp sâu sắc từ một nền văn hóa truyền thông đại chúng sang một nền văn hóa kỹ thuật số.

Những thế hệ trước, cách thức xem tin tức giờ chỉ ở giai đoạn kết hợp với cái mới, tệ hơn vẫn là theo lối cũ, nghĩa là tiếp tục đeo bám nền văn hóa truyền thông đại chúng (theo nghĩa báo giấy và các phương tiện nghe nhìn truyền thống).

Theo quan sát của ông Arnaud Mercier, cách thức tiếp cận thông tin của giới trẻ ngày nay được dựa trên hai kiểu lô-gic : « Thay thế phương tiện » và « Chia sẻ thông tin ». Không như nhiều lời ta thán cho là tuổi trẻ bây giờ « không còn thích đọc nữa », trên thực tế là họ vẫn đọc nhưng có điều là đọc trên mạng. Đó là do có sự thay đổi về phương tiện, mà điển hình là việc thay đổi màn hình.

Khác với các thế hệ đi trước, giới trẻ ngày nay ngày càng thích xem tin tức trên smartphone hơn là trên màn ảnh máy tính hay tivi. Họ xem các phim video và vào các trang mạng thông tin thông qua tài khoản mạng xã hội nhiều hơn, chủ yếu là mạng Facebook và ở một chừng mực nào đó là Twitter.

Tìm, đọc, rồi chia sẻ thông tin đó là kiểu tư duy của lớp trẻ ngày nay. Đây chính là lợi thế của smartphone. Các đường dẫn URL có thể lưu hành một cách thoải mái trong chính cộng đồng người đăng nhập.

Một nghiên cứu của Pew Research Center tại Hoa Kỳ hồi năm 2012 cho thấy 34% thanh niên trong độ tuổi 18-24 tiếp cận thông tin thường xuyên thông qua các trang mạng xã hội kỹ thuật số. Tỷ lệ này trong thành phần độ tuổi 25-29 là 32%, so với con số 10% ở những người từ 54-64 tuổi và 2% từ 65 tuổi trở lên.

Cấu trúc thông tin hỗn hợp, lai tạp

Làm thế nào giải thích về cách chọn phương tiện xem tin của giới trẻ ngày nay ? Theo ông Mercier, đó là các mạng xã hội hội đủ các yếu tố để có thể trở thành cổng thông tin như : môi trường xã hội chung của các trang mạng, tính linh động của chiếc smartphone, và nhất là mạng Internet miễn phí (đây cũng là yếu tố quyết định). 

Nhưng việc tiếp cận được thông tin nhanh, đa dạng cũng có những hệ quả của nó. Cấu trúc thông tin thu thập được ở giới trẻ thời đại "smartphone" sẽ kém chặt chẽ hơn so với những thế hệ đi trước. Dưới sự khuyến nghị của bạn bè, cách chọn thông tin khó hiểu do cách lập trình của Facebook…, thông tin mà giới trẻ tiếp cận được đã bị vỡ vụn, theo từng đợt. Đồng thời, họ cũng không hề chú ý nguồn tin đó đến từ hãng truyền thông nào.

Hệ quả là giới trẻ ngày nay cũng không đủ kiên nhẫn để xử lý thông tin nhận được. Nguồn tin đó có thể nhanh chóng trở thành những mẩu tin rời rạc (theo kiểu đề xuất, báo động, …). Đây cũng là nơi ngự trị của những kiểu thông tin vặt như chuyện lạ bốn phương, tin hài, tin đại chúng… Tóm lại là những tin có nội dung ngắn, không có chiều sâu.

Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là giới trẻ không quan tâm đến các thông tin « nghiêm túc ». Các nguồn tin này sẽ chỉ được tham vấn với điều kiện sự kiện được cho là « nghiêm trọng » hay « quan trọng », tin để xem hay là đọc, nguồn tiếp cận có miễn phí hay không, và cách dàn trang có bắt mắt hay không nhờ vào các hình thức kỹ thuật số thích hợp.

Smartphone thịnh hành, báo chí truyền thông thêm vất vả

Mạng Internet phát triển mạnh đã khiến cho nhiều tờ báo giấy phải khốn đốn. Chật vật lắm các công ty phát hành báo mới theo kịp được cuộc cách mạng báo chí theo kiểu « web first », nghĩa là ưu tiên đưa tin trên mạng trước rồi bổ sung nội dung trên báo giấy sau. Nhưng smartphone ra đời và phát triển mạnh mẽ, truyền thông đại chúng giờ lại phải đối mặt với một cuộc cách mạng mới mà các ứng dụng hiện đại đang đặt ra cho họ một thách thức to lớn : đó là cuộc cách mạng « mobile first ».

Khi đến độ tuổi trưởng thành, giới trẻ ngày nay sẽ không còn muốn trở về với một chiếc máy tính cố định. Do đó, ngành báo chí truyền thông giờ cũng tính đến việc tìm nguồn độc giả ở những nơi mà họ đã di chuyển đến : « smartphone », bằng cách đề nghị các ứng dụng media, hay tốt hơn nữa là những trang mạng được thiết kế dành cho đọc trên màn hình điện thoại di động.

Giới truyền thông đại chúng giờ buộc phải thích ứng với thời đại "smartphone", gặp và trao đổi với độc giả trên các trang mạng xã hội kỹ thuật số, làm bạn với độc giả bằng cách mở một tài khoản Facebook hay Twitter, hay một trang blog gì đó. Và hiện giờ giới trẻ đang có xu hướng thích giao tiếp với nhau qua mạng Snapchat, chắc chắn là các hãng báo cũng sẽ phải nhanh chóng đưa tin tức ở trang mạng này.

Một thách thức khác không kém phần quan trọng đó là một ngày nào đó rồi cũng phải đi đến việc thu phí độc giả báo mạng từ thế hệ mới này, một thế hệ đã có một thói quen xấu thích đọc thông tin báo chí miễn phí hơn là trả tiền.

Nhưng có lẽ đối với ông Arnaud Mercier, một trong những thách thức lớn nhất sẽ là báo chí phải làm sao luôn thích ứng với những chuyển biến không ngừng. Ở thời đại kỹ thuật số, các công cụ mới, các phương tiện mới, lối tường thuật mới không ngừng trỗi dậy, hoặc kết hợp, hoặc thay thế cái trước, mà ở đó giới trẻ thường là những người đi tiên phong.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.