Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Tư pháp Pháp lần đầu tiên thừa nhận « giới tính trung »

Không phải đàn bà, mà cũng chẳng phải đàn ông. Lần đầu tiên tại Pháp, một người ngay từ khi sinh ra đã không có bộ phận sinh dục hoàn chỉnh, được tư pháp của Pháp cho phép sửa giới tính trong hộ tịch. Tuy nhiên, quyết định này được trình lên tòa phúc thẩm để xem xét thêm.

Ảnh minh họa : Tòa án thành phố  Tours (13/10/2015)
Ảnh minh họa : Tòa án thành phố Tours (13/10/2015) AFP / GUILLAUME SOUVANT
Quảng cáo

Cho đến nay, người này vẫn được coi là đàn ông. Thế nhưng, ngày 20/08/2015, một thẩm phán phụ trách các vấn đề gia đình ở thành phố Tours (phía tây miền trung Pháp), đồng ý cho đương sự được sửa đổi hộ tịch, thay giới tính nam thành « giới tính trung ». Thông tin này được Phó Chưởng lý thành phố Tours, ông Joel Patard, khẳng định với AFP.

Luật sư Mila Petkova cho biết thân chủ của bà, năm nay 64 tuổi, muốn giữ kín danh tánh. Ông sống tại miền đông nước Pháp, có gia đình và một người con nuôi. Đơn xin đổi giới tính được nộp ở Tours, quê quán của ông.

Bác sĩ của đương sự cho biết, người này khi sinh ra có bộ phận sinh dục không hoàn chỉnh, rõ rệt, « âm đạo sơ khai » « một dương vật cực nhỏ » nhưng không có tinh hoàn. Đã từ lâu, người này cảm thấy khổ sở vì bị coi là đàn ông. Trả lời báo 20 Minutes, ông nói : « Ở tuổi thiếu niên, tôi đã hiểu rằng tôi không phải là con trai. Tôi không có râu, cơ bắp không phát triển rắn chắc. Cuối cùng thì giờ đây, tôi có cảm giác là được xã hội thừa nhận tôi là tôi ».

Theo Phó Chưởng lý thành phố Tours, đương sự đã xin gặp cơ quan tư pháp hồi cuối tháng Sáu để xin đổi hộ tịch. « Ông ta không muốn thấy ghi rõ ràng là ông thuộc giới tính nam nữa. Các tài liệu mà đương sự cung cấp cũng không cho phép xếp ông ta một cách dễ dàng và nhất quyết thuộc phái nữ, theo phân định của luật pháp, bởi vì cho đến nay, người ta chỉ thấy có hai loại giới tính, nam hoặc nữ ».

Phó Chưởng lý Patard nói rõ là ông đã đệ trình lên tòa phúc thẩm Orléans và tòa sẽ xem xét đề nghị của đương sự. Thời điểm xét phúc thẩm chưa được xác định. Ông giải thích : « Tôi làm kháng quyết không phải với tinh thần chống đối bằng mọi giá… mà chỉ đơn giản là để biết quan điểm của một cấp xét xử khác » và cho dù hoàn toàn có thể hiểu được mong muốn của đương sự, nhưng đề nghị này sẽ vấp phải những quy định và cách diễn giải pháp luật hiện hành.

Theo luật sư Petkova, khoảng 1,7% dân số Pháp có vấn đề liên giới tính, nhưng chủ đề này ít được biết đến vì vẫn bị coi là kiêng kỵ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.