Vào nội dung chính
CUBA - PHÁP

Cuba và cánh tả Pháp : Từ ảo tưởng đến thực tại

Trước chuyến công du của Tổng thống Pháp đến Cuba ngày thứ Hai 11/05/2015 - nguyên thủ đầu tiên của Pháp tới đảo quốc cộng sản -, báo Le Monde có bài phân tích « Cánh tả Pháp và Cuba, từ niềm hy vọng không tưởng đến thực tại thương trường », với tựa trang nhất : « Cuba, hòn đảo với những niềm tin bị đánh mất của cánh tả Pháp ».

Cuộc gặp gỡ giữa François Mitterand và Fidel Castro tại La Habana năm 1974.
Cuộc gặp gỡ giữa François Mitterand và Fidel Castro tại La Habana năm 1974. AFP
Quảng cáo

Le Monde đăng lại tấm hình đen trắng ghi dấu chuyến thăm Cuba năm 1974 của lãnh đạo đảng Xã hội François Mitterand, trước khi ông đắc cử Tổng thống. Ông François Mitterand mặc áo vét trắng, cổ áo may theo kiểu Mao, có gương mặt căng thẳng. Cựu lãnh đạo đảng Xã hội Pháp lúc đó là một người vô cùng ngưỡng mộ cách mạng Cuba, đặc biệt là lãnh tụ Fidel Castro, và người anh hùng huyền thoại Che Guevara. Chỉ trước đó ít năm, các trí thức cánh tả bắt đầu bớt bị Cuba hấp dẫn, sau vụ nhà thơ Heberto Padila, bị bỏ tù vào năm 1971.

Hòn đảo cách mạng Cuba từng được rất nhiều trí thức, nghệ sĩ, văn sĩ thiên tả tin rằng có thể thoát khỏi các vết xe đổ của chế độ toàn trị Stalin. Ông Jack Lang, một bộ trưởng dưới thời Mitterand, kể lại : « Tôi thuộc về một thế hệ (như vậy), và tôi không hề xấu hổ về điều này, cuộc cách mạng này là hiện thân cho một niềm tin rất cụ thể. Cách mạng Cuba là một thời điểm đặc biệt, một hơi thở của tự do, một niềm hy vọng ».

Theo Le Monde, cho dù không còn trở lại Cuba sau khi nắm quyền và giữ một khoảng cách sau khi nhận ra La Habana ngày càng lún sâu vào chế độ toàn trị, François Mitterand vẫn tiếp tục quan hệ với Cuba, dù không còn mật thiết như trước. Cựu Bộ trưởng Jack Lang kể lại lần đối diện hiếm hoi với Phidel Castro năm 1982, khi ông được cử tới Cuba, ít lâu sau khi ông Mitterand đắc cử. Vào thời điểm đó Phidel Castro từ chối thẳng thừng đề nghị của Paris thả một nhà thơ ly khai.

Trong giai đoạn 14 năm cầm quyền của Mitterand, đảng Xã hội ngày càng có xu hướng xa rời biểu tượng hòn đảo cách mạng năm xưa. Không bao giờ Mitterand chính thức mời cố nhân Fidel đến thăm Pháp, cho dù ông cũng tìm ra một dịp để tiếp Fidel Castro vào năm 1995, một cách lặng lẽ, nhân một sự kiện của UNESCO. Vào thời điểm đó, Jack Lang nhớ lại, ít có nhân vật nào của đảng Xã hội có hứng thú gặp Fidel.

Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine phân tích : Cuba từng giữ một vị trí vô cùng lớn trong đời sống tưởng tượng của cánh tả Pháp, vốn khao khát niềm tin và mơ về một lý tưởng tuyệt đối, đến mức làm cho họ rơi vào « hoang tưởng ». Cho đến khi Cuba « hiện nguyên hình là một chế độ đàn áp, thì cánh tả (Pháp) bắt đầu phân hóa, giữa một bên là một số ít người còn lại muốn bám víu lấy lý tưởng, hoài niệm về thời trai trẻ cách mạng, và bên kia là những người bảo vệ nhân quyền ».

Làn sóng đàn áp tại Cuba đầu những năm 2000 khiến quan hệ đôi bên hoàn toàn đứt đoạn. Năm 2003, một lãnh đạo đảng Xã hội, ông Laurent Fabius, nhận định : « Cuba, hòn đảo của những ước mơ tan nát của chúng tôi, nay đã biến thành địa ngục ».

Bốn mươi năm sau chuyến đi thăm hòn đảo cách mạng Cuba của François Mitterand, Tổng thống Pháp François Hollande có chuyến công du lịch sử. Nguyên thủ Pháp không có kế hoạch gặp Fidel Castro, « trừ phi có chuyện bất ngờ ». Mục tiêu của chuyến công du này là các hồ sơ thương mại. Le Monde kết luận với vẻ hóm hỉnh : « Mọi huyền thoại đều có hồi kết ».

Matxcơva nhào nặn ký ức cuộc chiến 1941-1945

Lễ kỷ niệm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít tiếp tục là chủ đề chính của các báo Pháp, trong bối cảnh quan hệ Nga và Phương Tây vẫn đang hồi căng thẳng, do Matxcơva bị cáo buộc tiếp tay cho lực lượng ly khai vũ trang miền đông Ukraina.

« Ukraina : ngày 9/5 đánh thức các bóng ma của Lịch sử » là tựa hồ sơ trên Le Monde. Le Figaro chạy trên trang nhất hàng tít « Ngày 9 tháng 5 năm 1945 : Ukraina phủ bóng lên các nghi thức ở Matxcơva ». Về chủ đề này, Libération có bài : « Ngày 9 tháng 5 năm 1945, hồi ức Nga (về Thế chiến II) bị (Kremli) nhào nặn », do thông tín viên Veronika Dorman gửi về từ Matxcơva.

Bài viết nhận định : Cũng giống như các chế độ cộng sản trước đó, hệ thống tuyên truyền của chế độ Vladimir Putin đã dùng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Liên Xô chiến thắng Đức phát xít – sự kiện được cho là « biến cố lịch sử lớn nhất của thế kỷ XX » -, để khẳng định tính ưu việt về mặt tinh thần của Liên Xô trước đây, và nước Nga hiện nay, so với Phương Tây. Ngày chiến thắng 9/5 là « ngày duy nhất (có thể) đoàn kết được tất cả mọi người Nga », « một biểu tượng duy nhất – mang tính tích cực - của một hồi ức tập thể thực thụ ».

Theo Libération, ông Putin, « ngay từ giữa những năm 2000, đã thành công trong việc dựng lên được một cách hiểu hoàn toàn mang tính ý thức hệ và màu hồng về chiến tranh, và chiến thắng. Cách hiểu này đã trở thành trụ cột cho một chủ nghĩa yêu nước mới, mang tính quân sự và phục thù ». Trong quan điểm nói trên về lịch sử, toàn bộ những gì không có lợi cho chế độ đã bị gạt bỏ : các thỏa thuận bí mật giữa Stalin và Hitler, cái giá của cuộc chiến với 30 triệu người chết… Tìm hiểu về những vấn đề như vậy hiện nay tại Nga « không những là khó khăn, mà là một công việc nguy hiểm », đối với một nhà sử học.

Nhà sử học Nikita Sokolov (một trong những nhà sáng lập Hội Sử học độc lập Nga) lo ngại trước xu thế loại bỏ những gì khủng khiếp ra khỏi ký ức về chiến tranh. Theo ông, khi những thanh niên Nga hô to « Tôi nhớ », thì thực chất đấy chỉ là một khẩu hiệu trống rỗng. Họ không hiểu quá khứ, về cái giá phải trả cho chiến thắng vinh quang. Nhà bình luận chính trị của tờ báo Nga Kommersant, Konstantin von Eggert, nhận xét, thực tế chiến tranh là khủng khiếp với những người từng trải qua, nhưng đối với những đầu óc bị tuyên truyền nhào nặn ngày nay, đó chỉ là một cuộc phiêu lưu « đầy lãng mạn và thi vị, giống như trong phim ảnh vậy ».

Nga đang bị vây hãm, giống như hơn 70 năm trước

« Việc xào đi nấu lại các hình ảnh về ‘‘cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại’’ và ‘‘chiến thắng thiêng liêng’’ đã củng cố mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc và cùng lúc đó củng cố một tâm trạng trong dân chúng, rất phù hợp cho việc duy trì lối lãnh đạo độc tài của ông Putin » : tâm trạng đó coi nước Nga như một pháo đài bị vây hãm, một thành trì cuối cùng chống các thế lực bạo tàn, kẻ thù của nước Nga hiện nay là các đồng minh cũ, trước hết là Hoa Kỳ, và sau đó là Châu Âu. Theo nhà báo Eggert, hệ thống tuyên truyền hiện nay khiến người Nga giờ đây có ấn tượng cũng giống như trước đây, họ « đang tham dự vào một xung đột, tương tự như cuộc chiến vệ quốc vĩ đại… 1941-1945 ».

Nhà xã hội học Lev Goudkov (giám đốc Trung tâm Levada, tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu về dư luận Nga/Bulletin de l’opinion publique russe) kết luận, đối với chính quyền Matxcơva, chiến thắng 1945 không chỉ là đối với nước Đức quốc xã, mà còn là đối với cả Phương Tây. Matxcơva muốn cho thấy « Liên Xô đã thành công ở nơi mà các nước Phương Tây thất bại », và như vậy, Nga « có thẩm quyền đạo đức để buộc các nước khác phải nghe theo ». Một trong những tiêu điểm trong đợt tuyên truyền này của điện Kremli là « lên án ‘‘những kẻ phát xít’’ (đang hoành hành) ở Kiev ».

Về dịp kỷ niệm này, Libération đưa ra thêm một góc nhìn khác, giới thiệu về cuộc tưởng niệm đối nghịch được tổ chức tại thành phố cảng Gdansk (Ba Lan), nhấn mạnh là « không phải toàn bộ Châu Âu được giải phóng ngày 8/5/1945 », với tựa đề « Nước Ba Lan phá quấy cuộc vui ». Bài viết nhận xét : « đối với nhiều người Ba Lan hiện nay, chiến tranh chỉ thực sự kết thúc với việc bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 ».

Bầu cử Anh : Cameron thắng lớn, Châu Âu lo ngại

Bầu cử Anh Quốc với thắng lợi bất ngờ của đảng Bảo thủ để lại nhiều dư âm. « Vua Cameron ! » là hàng tựa lớn trên Le Figaro, trên nền bức ảnh lãnh đạo đảng Bảo thủ giơ ngón tay cái cùng vợ, tươi cười trước công chúng, với nhận định : « Tái đắc cử một nhiệm kỳ năm năm, với đa số tuyệt đối tại Quốc hội, thủ tướng Bảo thủ Anh phải đối mặt với thách thức của xứ Scotland và Châu Âu ».

« Bầu cử Anh : Thắng lợi của Cameron, lo ngại tại Châu Âu » là tựa lớn của Le Monde. Ám ảnh Anh Quốc ra khỏi Châu Âu sẽ lơ lửng từ nay đến cuộc trưng cầu dân ý năm 2017, mà lãnh đạo đảng Bảo thủ hứa hẹn tổ chức. Về chủ đề này, cũng Le Monde có bài xã luận « Những hiểm họa của một nước Anh co cụm », nhấn mạnh đến những thách thức với tân lãnh đạo David Cameron, trong bối cảnh nội bộ đảng Bảo thủ về cơ bản nghiêng về xu hướng « tự cô lập và tỉnh lẻ ». Theo kết quả bầu cử vừa qua, đây là một xu hướng có ảnh hưởng áp đảo tại Anh (England) tình trạng này khác hẳn với ngoại lệ là Luân Đôn, một thành phố « quốc tế », nơi Công đảng cánh tả vẫn còn được đa số cử tri ủng hộ.

Làm thế nào để con cái chúng ta hạnh phúc ?

Tuần báo Pháp L’Express đầu tháng năm dành một phần quan trọng cho chủ đề « Làm thế nào để làm cho con cái chúng ta hạnh phúc ». L’Express giới thiệu « các chìa khóa cho một giáo dục thành công, đối với trẻ nhỏ và thiếu niên », về « các phát hiện mới của khoa học » tâm lý-giáo dục, với việc giới thiệu các đóng góp của nhà tâm thần học Anh John Bowly, cha đẻ của « thuyết gắn bó » (qua bài « John Bowly hay nghệ thuật làm cha mẹ »). Hay cuộc phỏng vấn bác sĩ nhi khoa Catherine Guegen về thành tựu khoa học mới, công nhận những nguyên tắc của một nền giáo tôn trọng trẻ em (qua bài « Những lời nói nhục mạ phá hủy các tế bào thần kinh »). « Trường học : cần biết cách điều chỉnh áp lực » là một bài khác trong chùm hồ sơ này.

« Phó Tổng thống » Pháp

Le Nouvel Observateur thì hướng về một nhà chính trị Pháp tuy nổi tiếng, nhưng bí ẩn, với tựa đề trang nhất « Bà Phó tổng thống. Những bí ẩn mới đây về một cặp đôi quyền lực ». Tuần báo nhận xét : bà Ségolène Royal, đương kim Bộ trưởng Môi trường, vợ cũ của Tổng thống Pháp François Hollande, hiện đóng nhiều vai trò. Bà được coi như một trong những chỗ dựa thân cận nhất, nếu ông Hollande ra tái tranh cử Tổng thống vào năm 2017.

Mười lý do khiến năng lượng tái tạo cần được ưu tiên

Báo Libération giành hồ sơ lớn cho chủ đề môi trường và năng lượng hóa thạch, với hàng tựa trang nhất : « : Khai thác năng lượng hóa thạch : Viễn cảnh tuyệt vọng ». Tờ báo dành nhiều trang đầu để giải thích vì sao cuối cùng thì thế giới lại ưu tiên các năng lượng tái tạo, thay vì dầu, khí hay than. Năng lượng hóa thạch giá cả cao, làm gia tăng biển đối khí hậu, tác hại cho sức khỏe… là một trong những lý do hàng đầu.

Trong số những lý do còn lại, Libération nhấn mạnh việc khai thác năng lượng hóa thạch còn làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn xã hội. Theo nhà kinh tế Thomas Porcher, « các chỉ số quản trị quốc gia (về dân chủ, về nhân quyền, tham nhũng) ở các nước đang phát triển, khai thác dầu mỏ, là yếu kém hơn so với các nước không khai thác ». Năm 2011, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đưa ra báo động về tình trạng vi phạm nhân quyền tại các quốc gia khai mỏ và khai thác nhiên liệu hóa thạch, như Trung Quốc, Nigeria, Peru, Mehico… Vẫn theo Libération, hiện nay, mọi người đều thừa nhận cuộc chiến Irak 2003 có mục tiêu bảo vệ các nguồn cung cấp dầu lửa của các quốc gia liên quân.

Cơn ác mộng « Fort McMoney »

Xã luận Libération với tựa đề « Sự lựa chọn » nhận định, hiện tại là thời điểm để chuyển hướng, khi « giá dầu xuống thấp, việc khai thác dầu khí phi quy ước chưa chứng tỏ sẽ mang lại nhiều lãi lớn, và nhiều giải pháp năng lượng tái tạo mới tỏ ra ngày càng hiệu quả hơn ».

Để đưa ra một ví dụ minh họa về tính chất quyết định của thời điểm hiện tại, bài xã luận giới thiệu cơn ác mộng mang tên « Fort McMoney », biệt danh của công trường khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới, Fort McMurray, bang Alberta, miền tây Canada. Với diện tích tương đương nước Hungary, vùng mỏ này từ chỗ là miền đất hứa của những người kinh doanh « vàng đen », trong ít năm đã « mang dáng dấp của một thành phố ma », khi giá dầu sụt giảm. Fort McMurray còn được ví với một « Hiroshima hiện đại ».

« Fort McMoney » là tên một chương trình thuộc thể loại đặc biệt, « phim tài liệu - trò chơi điện tử trên mạng » (jeu-documentaire en ligne). Đây là tác phẩm của nhà báo và nhà làm phim tài liệu David Dufresne (ra mắt năm 2013), dựa trên một cuộc điều tra của ông cách nay ba năm tại Fort McMurray. Xã luận Libération cũng giới thiệu bộ phim tài liệu mới « Fort McMoney hãy bầu cho Jim Rodgers »  mà D. Dufresne là đồng tác giả, sẽ phát trên kênh truyền hình Arte ngày 12/05/2015, được Libération giới thiệu trước trên trang mạng của báo. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.