Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

100 năm sau, Paris có cơ hội đón Thế vận hội 2024 ?

Đăng ngày:

Hôm thứ Năm 12/02/2015, Chủ tịch Ủy ban Thể thao quốc tế Pháp Bernard Lapesset đã nộp báo cáo nghiên cứu khả thi xin dự tuyển đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic mùa hè 2024 tại Paris cho bà Thị trưởng thành phố Anne Hidalgo. Đây là bước đầu tiên chuẩn bị cho Paris lao vào cuộc chạy đua đăng cai Thế vận hội Olympic để thủ đô nước Pháp lại có cơ hội đón sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh sau đúng 100 năm.

Chủ tịch Ủy ban Thể thao quốc tế Pháp Bernard Lapesset và Đô trưởng Paris Anne Hidalgo - REUTERS /Gonzalo Fuentes
Chủ tịch Ủy ban Thể thao quốc tế Pháp Bernard Lapesset và Đô trưởng Paris Anne Hidalgo - REUTERS /Gonzalo Fuentes
Quảng cáo

Sự kiện được tổ chức long trọng trước đông đảo báo giới bởi nó thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Pháp. Từ khi được bầu làm thị trưởng Paris đầu năm 2012, mỗi khi ý định Paris xin đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa hè được hé ra là bà Thị trưởng đều gạt đi, có lẽ bởi trong đầu bà vẫn vảng vất ba lần thất bại cay đắng gần đây của thành phố trong cuộc phiêu lưu Olympic.

Đó là vào những kỳ Thế vận hội mùa hè 1992, 2008 và 2012, nhưng có lẽ chủ yếu vẫn là mối lo tìm đâu ra tiền mà làm. Thậm chí hôm 06/11/2014, Tổng thống François Hollande tuyên bố « ủng hộ thành phố xin đăng cai Thế vận hội mùa hè » nhưng bà thị trưởng vẫn thờ ơ và xa xôi đáp lại rằng mọi người đừng có « mơ mộng » hão huyền làm gì. Nhưng lần này dường như bản báo cáo khả thi mới được đánh giá là nghiêm túc và hợp lý về mặt tài chính đã thuyết phục được bà Anne Hidalgo đổi ý :

Anne Hidalgo : « Giờ đây đã có hồ sơ chuẩn bị cho việc xin đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic. Tôi đã đặt một số đòi hỏi. Tôi mong muốn ngành thể thao đặt trọng tâm vấn đề kinh tế trong việc xin đăng cai của thành phố. Trước tiên có những chi tiết rất quan trọng, Ủy ban Olympic Quốc tế cam kết hơn một tỷ euro cho việc bảo đảm một phần cơ sở hạ tầng và các dự án thể thao, ngoài ra việc phân bổ tài chính phải làm sao không các chí phí cho dự án này không đè nặng lên thành phố.

Tôi cho rằng những sự kiện diễn ra hồi tháng Giêng ở Pháp và Paris đã làm khơi dậy trong dân chúng một phong trào đoàn kết và tôi nhận thấy một khi Paris bị một chuyện gì đó thì cả thế giới cũng cảm thấy liên quan. Tất cả những cái đó đã làm cho giờ đây chúng tôi quyết định tiến thêm một bước và tôi sẽ trình lên hội đồng cấp quận và thành phố vào tháng Ba và tháng Tư tới dự án xin đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic ». 

Bà Anne Hidalgo hứa sẽ đưa ra quyết định trong vòng tháng Tư tới, tức là khoảng 5 tháng trước khi phải đăng ký tên thành phố dự tuyển cho CIO vào ngày cuối cùng 15/09/2015. Đến lúc này thành phố Boston của Mỹ và Roma của Ý đã quyết định chính thức dự thi, trong khi đó Đức đang lưỡng lự chọn giữa hai thành phố Berlin và Hamburg. Một số thành phố khác ở châu Phi hay Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ dự tính cũng sẽ đăng ký.

Để có bản báo cáo thuyết phục bà Thị trưởng Anne Hidalgo, trong vòng 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2014, ông Bernard Lapasset (Cựu chủ tịch Liên đoàn bóng bầu dục Pháp) đã phải cùng khoảng 250 chuyên gia trong giới thể thao, kinh tế, chính trị và xã hội dân sự tham gia vào 12 mảng nhóm nghiên cứu.

Bản báo cáo không được công bố rộng rãi toàn bộ, có thể vì lý do bí mật cạnh tranh, nhưng một số chi tiết đã lọt ra ngoài. Người ta biết được ngân sách dự trù cho việc tổ chức sự kiện thể thao lớn này được gói trong khoảng 6 tỷ euros. Con số này thấp hơn nhiều so với Rio 2016, dự trù 12 tỷ euro, hay Luân Đôn 2012 14 tỷ và không thấm vào đâu so với Thế vận hội mùa đông Sotchi 2014 của nước Nga với chi phí 36 tỷ euro.

Nguồn tài chính được tạm thời phân bổ như sau : 3,2 tỷ cho vận hành sự kiện, 3 tỷ cho xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có 1,7 tỷ để xây làng Olympic và tổ chức thi đấu cho vận động viên. Trong ngân sách này Ủy ban Olympic Quốc tế sẽ đóng góp khoảng 1,7 tỷ nguồn thu từ tiền bán vé và quảng cáo thương mại.

Trên thực tế, ngân sách dự trù có thể tăng phát sinh như thường thấy ở các thành phố đăng cai Olympic trước đây. Trước mắt nếu chấp nhận dự tuyển thì ngoài hồ sơ đầy đủ, thành phố Paris phải nộp 60 triệu euros đặt cọc cho CIO trước khi Ủy ban này bỏ phiếu quyết định cuối cùng vào năm 2017. 

Mặc dù dự trù một kỳ Thế vận hội giá rẻ nhưng trong hoàn cảnh kinh tế của nước Pháp lúc này, vấn đề tiền đâu vẫn là nỗi lo hàng đầu của không ít người. Tuy nhiên ông Thierry Braillard quốc vụ khanh Pháp về thể thao cho đó không phải là vấn đề lớn. Trả lời phỏng vấn RFI ông giải thích : 

« Đúng vậy, tôi cho là đất nước chúng ta có thể lao vào một tham vọng tập thể tức là tổ chức Thế vận hội Olympic 2024 tại Paris. Tôi nghĩ là đã quá lâu rồi nước Pháp đã không được tổ chức một sự kiện lớn như thế này trong khi mà sức hấp dẫn, trình độ chuyên môn của chúng ta cho thấy chúng ta hoàn toàn có khả năng tổ chức Thế vận hội đó.

Cần phải biết là CIO rót một khoản đáng kể, lên tới gần 2 tỷ euro. Sau đó có nguồn thu từ bán vé, sau đó là các khoản đầu tư, mà dù sao thì cũng là để lại cho thành phố. Khi người ta xây dựng khu làng Olympic chẳng hạn, các vị có nghĩ là sau đó các khu làng đó sẽ được chuyển đổi thành các căn hộ xã hội, nhà ở cho sinh viên, như thế chẳng phải là hữu ích cho Paris hay sao ?

Khi ta đầu tư vào giao thông công cộng, các vị có nghĩ việc góp phần thúc đẩy kế hoạch phát triển cải thiện giao thông của cả Paris và vùng phụ cận. Dù thế nào đi chăng nữa thì khoảng chi phí đầu tư đó vẫn sẽ phải làm cơ sở mà. Chính vì lẽ đó mà tôi nghĩ là không nên cứ nhìn vào con số mà lo sợ và nên chấm dứt cách suy nghĩ rằng nói đế thế vận hội Olympic tức là nói đến chi tiêu phung phí. Ngay Ủy ban Olympic quốc tế hồi tháng 12 năm ngoái cũng nhắc lại cần phải chấm dứt chuyện chi tiêu bừa bãi, như thế có thể trở lại Thế vận hội nhân bản hơn và bớt chi tiêu thái quá như trường hợp của Sotchi chẳng hạn.  

Đã có các đối thủ cạnh tranh cho Paris 2024 : Boston, Roma, Đức còn đang lưỡng lự chọn Berlin và Hamburg... tất cả đều có thể gọi là những ứng cử viên nặng ký. Paris đứng ở vị trí nào trong cuộc chạy đua ? Nếu ta nhìn vào thâm niên giữa Los Angeles, thành phố đã từng đón Thế vận hội Olympic. Hoa Kỳ đã tổ chức Thế vận hội cách đây không lâu, thành phố Roma cũng tương tự như vậy.

Tôi cho là Paris có ưu thế về khía cạnh thâm niên, về khả năng chuyên môn. Quý vị cũng biết trong vòng 3 năm tới Pháp sẽ đón tiếp nhiều sự kiện thể thao quốc tế hơn. Điều này không phải ngẫn nhiên, điều đó có nghĩa là chúng ta có sức hấp dẫn chúng ta có những thế mạnh, đó là những thế mạnh giúp chúng ta chiến thắng trong thử thách giành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 2024. » 

Việc Paris lao vào cuộc chạy đua giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè Olympic 2024 mới chỉ « gần như » chính thức. Dù Tổng thống François Hollande, Chủ tịch vùng Ile de France (Paris và vùng phụ cận) rồi Bộ trưởng Thể thao đã ủng hộ Paris dự tuyển, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về bà thị trưởng Anne Hidalgo và quyết định đó sẽ phải có trước ngày 15/09 tới. Sự kiện chưa có gì chính thức này đã ngay lập tức mở ra cuộc tranh luận trong dư luận.

Nếu như theo một cuộc thăm dò dư luận do viện Ipsos và tờ báo thể thao l’Equipe thực hiện thì có tới 61% dân Pháp ủng hộ việc thành phố dự tuyển đăng cai Olympic 2024 thì báo chí lại đặt câu hỏi vè khả năng Paris thắng trong cuộc đua này.

Kỳ Thế vận hội 1992, 2008 và nhất là 2012, ba lần thất bại trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai Olympic vẫn còn nguyên ám ảnh với Paris. Ngoài ra còn có thể thêm những thất bại của Lille năm 2004 và của Annecy cho Olympic mùa đông năm 2018.

Như vậy nếu tính cả cuộc chạy đua cho Paris 2024 thì trong vòng 20 năm qua nước Pháp đã 6 lần xin tiếp đón sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này. Viễn ảnh về một thất bại nữa lại ám ảnh người Pháp. Các đối thủ cạnh tranh với Paris cho Olympic 2024 là rất mạnh trong đó đặc biệt có thành phố Mỹ Boston.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu Paris quyết định một lần nữa lao vào cuộc cạnh tranh thì cần phải rút ra bài học từ thất bại trong lần cạnh tranh với Luân Đôn cho kỳ Olympic 2012. Lần đó hồ sơ và cách vận động của Pháp được đánh giá là quá nặng về chính trị và hơi chút ngạo mạn. 

Ngày càng có nhiều môn thể thao muốn vào chương trình thi đấu Olympic 

Được khích lệ bởi các cuộc cải cách của Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach, rất nhiều môn thể thao như squash, leo tường hay võ Wushu đang mơ được xếp trong chương trình thi đấu của Thế vận hội Olympic, hay có cả những môn muốn quay trở lại như môn bóng chày, bóng mềm (softball).

Thàng 8 năm 2016, Ủy ban Olympic Quốc tế CIO sẽ có cuộc họp quan trọng quyết định có đưa thêm hay không vào chương trình thi đấu của Thế vận hội Tokyo 2020, theo đề xuất của nước chủ nhà. Trước đó, Ủy ban tổ chức Thế vận hội Nhật Bản được phép từ nay đến tháng 9 tới đề xuất các môn thể thao mới họ muốn đưa vào Olympic 2020.

Những môn thể thao được đề cử gồm môn võ Karaté, Squash hay Surf, rồi những môn đã từng bị loại khỏi chương trình thi đấu Olympic như bóng chày và bóng mềm đang lao vào cuộc vận động, cạnh tranh quyết liệt. Đơn giản bởi nếu được chọn vào trong chương trình thi đấu Olympic, thì môn thi đấu đo sẽ trở thành thương hiệu lớn và xa hơn còn là vấn đề tiền bạc. Nên biết là 1/3 tiền thu được từ bản quyền truyền hình Thế vận hội được chia cho 28 các liên đoàn quốc tế của các môn thể thao Olympic mùa hè và 7 liên đoàn ở các môn Olympic mùa đông.

Sau thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008, CIO đã chi 295 triệu đô la Mỹ , ở Luân Đôn 2012 chi 515 triệu cho các khoản như vậy. Ông Callum Murray, một chuyên gia về tiếp thị thể thao khẳng định, với các môn thể thao gọi là nhỏ, được có mặt trong danh sách thi đấu Olympic mang lại lợi ích tài chính không hề nhỏ.

Tại nhiều nước một khi môn thể thao được khoác chiếc áo Olympic thì cũng có nghĩ là môn đó sẽ nhận được tài trợ rất lớn. Với ông, Tom Dièle, Tổng thư ký liên đoàn bắn cung thế giới thì vấn đề tài chính chưa hẳn đã là quan trọng. Ông cho biết, từ sau Luân Đôn 2012, nơi mà nhiều môn thi đấu đã được hiện đại hóa, « số lượng người chơi môn bắn cung đã tăng lên 25%. Nhờ khán giả theo dõi qua truyền hình tăng, thu nhập của liên đoàn bắn cung thế giới cũng tăng rõ rệt, liên đoàn bớt phụ thuộc vào tài trợ của Ủy ban Olymic Quốc tế ».

Nếu như chương trình thi đấu của Thế vận hội mùa hè bao gồm 25 môn thể thao chính với 306 nội dung thi đấu, thì chỉ có thể cho thêm vào đó tối đa 3 môn. Ủy ban Olympic Quốc tế đã ấn định giới hạn ở Thế vận hội mùa hè chỉ có 310 nội dung thi đấu và 10.50 vận động viên. Với Thế vận hội mùa đông là 100 môn thi đấu và 2.900 vận động viên.

Trở lại với các ứng cử viên đang ngấp nghé bước vào sân đấu của Olympic mùa hè tại Tokyo 2020. Bóng chày, môn thể thao rất phổ biến ở Nhật Bản cũng như môn bóng mềm đang có nhiều triển vọng được chọn vào Tokyo 2020.

Tuy nhiên một loạt các môn khác cũng đang đẩy mạnh vận động hành lang, như môn squash, leo tường, bia snocker và võ wushu. Phó chủ tịch Liên đoàn võ wushu quốc tế Anthony Goh tuyên bố : « Chúng tôi quyết tâm phải vào được chương trình của Thế vận hội Olympic và hy vọng các cải cách trong chương trình nghị sự 2020 sẽ đem lại cơ hội tốt nhất cho môn thể thao của chúng tôi đươc có mặt tai Thế vận hội mùa hè 2024 ». Ở Thế vận hội mùa đông cũng có một số nội dung thi đấu muốn được đưa thêm vào chương trình.

Như vậy chắc chắn CIO sẽ phải bỏ bớt một số nội dung thi đấu ở cả Olympic mùa hè cũng như mùa đông. Thậm chí, việc xóa bỏ một số nội dung của môn điền kinh như chạy 10.000 mét hay nhảy 3 bước, cũng đã được gợi ý, hay như một số nội dung ở môn bơi lội cũng được đề nghị cắt bớt nội dung vì lý do có ý kiến nói hệ thống nội dung thi đấu hiện tại ở môn bơi chỉ tạo điều kiện tập trung quá nhiều huy chương vào một vài vận động viên.

Thế nhưng, ở Thế vận hội Luân Đôn, các môn thi đấu bơi lội đã thu hút được lượng khán giả truyền hình rất đông. Đó là lý do vững chắc khiến các nhà tổ chức khó có thể rút gọn các môn bơi lội mà còn phải tính chuyện mở rộng thêm. Mục tiêu của Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach muốn có một chương trình thi đấu thế vận hội linh hoạt hơn nhưng không phình to có vẻ như khó đạt được.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.