Vào nội dung chính
PHÁP - KINH TẾ

Năm đầu nhiệm kỳ tổng thống Pháp Hollande : Kinh tế ảm đạm

Ngay sau khi nhậm chức, cách nay đúng một năm, tổng thống Pháp François Hollande đã đặt cuộc đấu tranh chống thất nghiệp lên hàng ưu tiên. Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp vừa tăng lên đến mức kỷ lục với 3,224 triệu người không có việc làm. Một năm sau cuộc bầu cử, tổng thống Pháp vẫn cố gắng tìm cách đảo ngược xu thế này, song các số liệu đáng buồn liên tục xuất hiện.

Tổng thống Pháp F. Hollande đến thăm một chi nhánh giúp tìm việc làm ở Chelles, ngoại ô Paris, ngày 08/11/2012.
Tổng thống Pháp F. Hollande đến thăm một chi nhánh giúp tìm việc làm ở Chelles, ngoại ô Paris, ngày 08/11/2012. AFP PHOTO POOL BERTRAND LANGLOIS
Quảng cáo

Theo các cuộc thăm dò, trong nền đệ ngũ Cộng hòa, ông Hollande là vị tổng thống có tỷ lệ mất lòng dân cao nhất trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Sự thiếu hụt lòng tin của người dân xuất phát từ việc tăng trưởng hầu như không có, thất nghiệp lên rất cao, rồi các vụ đóng cửa nhà máy sản xuất thép Florange, nhà máy lọc dầuy Petroplus hoặc nhà máy chế tạo xe hơi Peugeot PSA ở Aulney. Tất cả những sự kiện này đã làm thay đổi công luận.

Tăng trưởng mà ông Hollande rất kỳ vọng để tạo thêm việc làm, lại không xuất hiện. Thậm chí, Ủy ban châu Âu còn dự báo là kinh tế Pháp có thể bị suy thoái nhẹ trong năm nay 2013. Hậu quả là các mục tiêu giảm nợ công và thâm hụt ngân sách đành phải chờ đợi cho đến khi tình hình sáng sửa hơn.

Khi lên cầm quyền, ông Hollande đã tỏ quyết tâm thực hiện kỷ cương ngân sách. Ban đầu, mục tiêu đề ra là giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% tổng sản phẩm quốc nội – PIB, ngay trong năm nay. Bất khả thi và Ủy ban châu Âu vừa mới cho nước Pháp thêm hai năm để thực hiện mục tiêu này. Một khoảng thời gian để Paris hồi sức mà Berlin không ưa thích chút nào, cho dù, theo ông Thierry Repentin, bộ trưởng Pháp phụ trách vấn đề châu Âu, thì Paris nhận được nhiều sự ủng hộ ở châu Âu.

Về tăng trưởng, Pháp phải trả giá vì chính sách này, bởi vì, lúc đầu, Paris đề ra mục tiêu tăng trưởng 0,8% trong năm nay, nhưng châu Âu dự báo là suy thoái, - 0,1%.

Trong những điều kiện như vậy, thật khó mà đạt được mục tiêu là từ nay đến cuối năm 2013, lật ngược được xu hướng thất nghiệp, hiện ở mức cao kỷ lục.

Để làm việc này, chính phủ của ông Hollande cho áp dụng các biện pháp đã được nêu ra trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống hồi năm ngoái, như lập Ngân hàng đầu tư và tuyển dụng lao động qua việc ký các « hợp đồng vì tương lai và giữa các thế hệ ».

Còn một số biện pháp khác, nhưng hiệu quả phụ thuộc vào khả năng thích ứng với tình hình, như khế ước nâng cao sức cạnh tranh, với các ưu đãi thuế khi tuyển dụng lao động.

Đồng thời, có những biện pháp liên quan đến phương pháp. Đó là thỏa thuận bảo đảm duy trì việc làm, được ký kết hồi tháng Giêng vừa qua giữa các đối tác xã hội. Thỏa thuận được giới chủ hoan nghênh, nhưng lại bị một số công đoàn cấp tiến bác bỏ. Nội dung thỏa thuận đang được chuyển hóa thành luật và để đánh giá được tác động của biện pháp này thì lại cần phải chờ đợi, kiên nhẫn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.