Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Liên Âu nới lỏng quy định về công nghiệp Xanh để cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ

Ngày 06/02/2024, Nghị Viện Châu Âu và các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã thông qua các quy định được nới lỏng nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghệ Xanh châu Âu với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

European Commissioner for European Green Deal Frans Timmermans, left, and European Union foreign policy chief Josep Borrell participate in a media conference on threats of climate change and environme
Ông Frans Timmermans (T), phụ trách Thỏa thuận Xanh của Liên Âu, và lãnh đạo ngoại giao của Liên Âu Josep Borrell họp báo về các đe dọa của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, Bruxelles, Bỉ, ngày 28/06/2023. AP - Virginia Mayo
Quảng cáo

Phải đối mặt cùng lúc ba nguy cơ – giá năng lượng tăng vọt, cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc và trợ cấp của Mỹ – ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp Xanh của châu Âu, cách đây một năm Ủy Ban Châu Âu đã đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Bản kế hoạch mang tên “Kế hoạch công nghiệp cho Thỏa thuận Xanh trong kỷ nguyên trung hòa carbon” đặt trọng tâm vào việc nới lỏng hơn các quy định tài trợ nhà nước cho các dự án Xanh, cũng như giảm bớt các ràng buộc pháp lý.

Từ đó đến nay, Bruxelles đã nhiều lần đề xuất các quy định mới nhằm tạo động lực cho ngành công nghiêp Xanh của châu Âu phát triển. Lần này các quy định nới lỏng vẫn tiếp tục theo hướng đó.

Pin mặt trời, tua bin gió, bình điện, máy bơm nhiệt,  hydro tái tạo... là những lĩnh vực công nghệ được Liên Âu ưu tiên cho mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2050 đạt trung hòa carbon, tạo lập khả năng tự chủ năng lượng và thoát khỏi phụ thuộc vào dầu khí của Nga. 

Bruxelles chủ trương ủng hộ các lĩnh vực trên để đẩy mạnh sản xuất hơn nữa tại Châu Âu và để chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường năng lượng sạch, mà theo ước tính từ nay đến năm 2030 sẽ tăng gấp 3, lên 600 tỷ euro/năm.

Quy định dành cho công nghiệp không phát thải” khí gây hiệu ứng nhà kính đưa ra các thủ tục đơn giản hóa và rút ngắn thời hạn cấp phép thành lập các nhà máy sản xuất linh kiện trong những lĩnh vực được coi là chiến lược. Thời hạn tối đa được ấn định là 18 tháng đối với các dự án lớn nhất và 12 tháng đối với các dự án nhỏ hơn.

Khác với đề xuất trước đây của Ủy Ban Châu Âu, văn kiện mới thông qua đưa toàn bộ lĩnh vực hạt nhân vào danh sách các công nghệ chiến lược, một chiến thắng quan trọng đối với Pháp và khoảng 10 quốc gia khác, như Thụy Điển hay Ba Lan, hiện đang nghiên cứu phát triển năng lượng nguyên tử nhằm bảo đảm cung cấp nguồn điện phi carbon. Tuy nhiên, mỗi quốc gia thành viên vẫn được tự do loại trừ năng lượng hạt nhân hoặc bất kỳ công nghệ nào khác khỏi các biện pháp hỗ trợ mới.

Quả thực, trong vài năm trở lại đây, cuộc đua giành vị trí thống trị trong các ngành công nghiệp Xanh đã tăng tốc trên toàn thế giới. Trung Quốc là nước khởi đầu sớm, đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong kế hoạch 5 năm vừa qua, trong đó đáng chú ý là nước này đã tạo ra bước đột phá trong thị trường ô tô điện. Những nước khác theo sau, như Canada, Nhật Bản và đặc biệt là Hoa Kỳ, đã đầu tư hàng trăm tỷ vào công nghệ Xanh, khiến các nước Liên Âu không khỏi lo ngại. Khối 27 nước châu Âu đã ý thức được là phải hành động, nếu không muốn phải hứng chịu đợt di dời sản xuất mới và bị tụt lại phía sau cuộc đua công nghiệp Xanh.

Nghị sĩ Châu Âu Christophe Grudler thừa nhận « ngày nay, đa  số các sản phẩm công nghệ sạch được chế tạo bên ngoài EU, dẫn đến sự lệ thuộc chiến lược vào những nước thứ ba ». Hơn 90% các tấm pin mặt trời lắp đặt ở Châu Âu hiện nay đều được sản xuất ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó kế hoạch của Châu Âu cũng là để đối phó với chính sách trợ giá của nhà nước cho công nghiệp Xanh ở Trung Quốc cũng như Mỹ (với bộ luật Giảm lạm phát- Infaltion Reducjtion Act). 

Liên Âu ấn định mục tiêu bảo đảm 40% nhu cầu về công nghệ Xanh bằng các sản phẩm từ những nhà máy riêng của mình từ nay đến năm 2030.

Tuy nhiên, về phương diện tài chính, các tham vọng của EU vẫn còn khá yếu và các nước thành viên vẫn không thực sự đoàn kết với nhau. Chương trình này chỉ dự trù 1,5 tỷ euro từ nguồn tiền có sẵn, như ngân quỹ đã dành cho nghiên cứu và phát triển. Đức và một vài nước đóng góp chính khác cho ngân sách EU đã bác bỏ ý tưởng về  một "Quỹ tự chủ châu Âu” để thúc đẩy nền công nghiệp châu Âu, cũng như tăng tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Đây là ý tưởng đã được Pháp ủng hộ và thúc đẩy tích cực.

Ngày 06/02, Ủy Ban Châu Âu đã đề xuất các mục tiêu từ nay đến 2040 giảm 90% lượng khí phát thải carbon so với năm 1990 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Những tham vọng đòi hỏi EU phải hành động nhanh và nhiều hơn nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.