Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Ukraina khẳng định mục tiêu “ưu tiên” là “phòng thủ”: Thêm một thắng lợi đối với Nga

Việc tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy trong phát biểu hàng ngày vào tối Chủ Nhật 12/11/2023 mạnh mẽ khuyến cáo nên “tập trung vào vế phòng thủ” và không đề cập đến những tiến triển của chiến dịch “phản công” cho thấy, dường như phần thắng đang tạm thời nghiêng về phía tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine chuẩn bị chống trả quân Nga ở thị trấn tiền tuyến Avdiivka, khu vực Donetsk, ngày 08/11/2023.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine chuẩn bị chống trả quân Nga ở thị trấn tiền tuyến Avdiivka, khu vực Donetsk, ngày 08/11/2023. REUTERS - RFE/RL/SERHII NUZHNENKO
Quảng cáo

Theo giới chuyên gia, chiến dịch “phản công bị sa lầy” và thậm chí là “thất bại”, bởi 6 tháng sau khi được khởi động, các chiến tuyến trên các mặt trận “miền đông và miền nam gần như không hề suy suyển”. Một năm sau khi lực lượng Ukraina “giải phóng” thành phố Kherson, sông Dniepr vẫn là đường “biên giới” : hữu ngạn do lính Ukraina chiếm đóng, bên tả ngạn vẫn trong tay quân đội Nga. Trong vùng Zaporijjia cũng vậy, hai tháng từ khi giành lại được ngôi làng Robotyne, mục tiêu vươn ra đến tận biển Azov vẫn ngoài tầm của quân đội Ukraina.

Mục đích chận đường quân Nga ở các khu vực miền nam Ukraina và nhất là giành lại Melitopol cửa ngõ mở ra bán đảo Crimée vẫn còn rất xa vời vào lúc mà mùa đông đến gần, hơn 40 triệu dân Ukraina lại chuẩn bị đối mặt với giá rét.

Chiến tranh “sa lầy và những cơ hội đối với Kiev đang bị thu hẹp lại”. Giới quan sát tổng kết như trên sau hơn 150 ngày “phản công”, phía Ukraina chịu nhiều tổn thất nặng nề chỉ để “giải phóng được 14 ngôi làng và giành lại được vài cây số vuông” từ trong tay quân Nga.

Vậy làm thế nào để giải thích “thất bại" đó ? 

Nhiều chuyên gia, được đài RTS của Thụy Sĩ trích dẫn, giải thích có thể là phía Ukraina đã chủ quan về thực lực chiến đấu của mình. Nhưng bên cạnh đó, như một cựu sĩ quan của quân đội Pháp, ông Guillame Ancel ghi nhận: khác với tổng thống Putin, ông Zelesnky không chấp nhận mở một chiến dịch “tấn công ồ ạt” như từng được nhiều cố vấn quân sự của phương Tây đề nghị. Kiev muốn tránh phải hy sinh quá nhiều lính, bởi biết rằng nguồn nhân lực của Ukraina chỉ có hạn so với Nga.

Nhìn từ phía nhà nghiên cứu Dara Massicot, thuộc trung tâm Carnegie Russia Eurasia được tạp chí Foreign Policy của Mỹ trích dẫn, bên cạnh những “thất bại” như vừa nói, Ukraina đã “sử dụng một cách bài bản và hiệu quả” trong việc dùng thiết bị phòng thủ hiện đại được phương Tây cung cấp để “vô hiệu hóa các hệ thống pháo binh của đối phương”. Nhưng điều này thì ít người biết đến, bởi công luận và truyền thông chỉ chú ý nhiều đến những “bước đột phá ngoạn mục”.

Mọi chú ý hướng về tuyên bố của tổng thống Zelensky tối qua, báo động trước nguy cơ Nga sẽ lại dồn dập tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu của Ukraina như là các nhà máy điện, Kiev cũng thẩm định là các chiến dịch tấn công của Nga năm này sẽ “tàn khốc hơn năm ngoái” bởi các loại drone quân sự của Nga giờ đây phong phú hơn nhiều so với hồi 2022. Dù vậy theo báo Le Monde hồi tháng trước, Kiev cũng đã ưu tiên “tăng cường hệ thống phòng không” đặc biệt là tại những khu vực có các “cơ sở hạ tầng thiết yếu” như các nhà máy điện, các nhà máy nước ... Đó cũng là lý do vì sao một số nguồn tin thông thạo được hãng tin Pháp AFP trích dẫn giải thích rằng Kiev liên tục đòi phương Tây cung cấp thêm các hệ thống chống tên lửa hiện đại. 

Như vậy, cùng một lúc, ông Zelensky có hai ưu tiên : Vừa đẩy lui quân Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraina, vừa bảo vệ những cơ sở thiết yếu để bảo đảm điện nước tối thiểu cho người dân Ukraina.

Vẫn theo các nguồn tin nói trên, vào lúc cộng đồng quốc tế tập trung nhiều vào cuộc xung đột tại Cận Đông giữa Isael và phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas, các cố vấn của tổng thống Zekensky lo rằng Kiev và các nước đồng minh không hoàn tất kịp kế hoạch “Lá chắn cho mùa đông” và rồi dân Ukraina sẽ lại không có điện nước, để sưởi trong mùa đông này. 

Tuy nhiên có một thực tế không thể chối cãi, đó là Nga đông dân hơn Ukraina gần gấp ba lần, có khả năng huy động binh lính áp đảo hẳn đối phương. Cỗ máy công nghiệp phục vụ chiến tranh của Nga cũng lợi hại hơn những gì Ukraina đang có. Chỉ nội việc Kiev nhìn nhận “đổi chiến thuật” chuyển từ thế “phản công” sang “phòng thủ” để trụ được qua mùa đông, là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy Ukraina không có nhiều khả năng chọn lựa.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.