Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Trung Quốc gia tăng áp lực với Đài Loan để trắc nghiệm phản ứng của quốc tế

Căng thẳng tại vùng eo biển Đài Loan tăng thêm một nấc: Hôm qua, 19/09/2023, Đài Bắc thông báo trong vòng 24 tiếng đồng hồ đã phát hiện 55 chiến đấu cơ Trung Quốc bay chung quanh lãnh thổ Đài Loan. Trước đó, cũng trong vòng 24 tiếng đồng hồ từ tối Chủ nhật đến sáng thứ Hai, 19/09, Bắc Kinh đã điều tổng cộng 103 phi cơ đến vùng biển chung quanh hòn đảo, một con số kỷ lục trong những năm gần đây. 

(Ảnh của Tân Hoa Xã) - Một chiến đấu cơ Trung Quốc tham gia tuần tra sẵn sàng chiến đấu và tập trận quanh đảo Đài Loan, ngày 09/04/2023.
(Ảnh của Tân Hoa Xã) - Một chiến đấu cơ Trung Quốc tham gia tuần tra sẵn sàng chiến đấu và tập trận quanh đảo Đài Loan, ngày 09/04/2023. AP - Mei Shaoquan
Quảng cáo

Trong số 55 phi cơ Trung Quốc bị phát hiện từ thứ Hai đến sáng hôm qua, khoảng phân nửa đã vượt qua “đường trung tuyến” trên eo biển Đài Loan, được coi như là ranh giới không chính thức giữa hòn đảo với Hoa lục. Theo Đài Bắc, các chiến đấu cơ này cũng đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực phía tây nam và đông nam của Đài Loan. 

Trên nguyên tắc, bất cứ máy bay của nước nào khi vào vùng nhận dạng phòng không của một nước khác thì phải thông báo cho cơ quan hàng không của nước đó. Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan chồng lấn một phần lên vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc và một phần lãnh thổ Hoa lục. Nhưng ADIZ không có giá trị như không phận của một quốc gia, vì có phạm vi nhỏ hơn. 

Khi đưa các chiến đấu cơ ồ ạt xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, Bắc Kinh gia tăng áp lực với Đài Bắc, nhưng vẫn không chính thức vi phạm luật quốc tế, bởi vì các máy bay này chưa xâm phạm không phận của Đài Loan. Nhưng với việc các phi cơ Trung Quốc kể từ nay thường xuyên xâm nhập ADIZ và vượt qua đường trung tuyến, phải chăng giai đoạn kế tiếp sẽ là xâm phạm luôn cả không phận của hòn đảo, tức là tiến vào khu vực chưa tới 12 hải lý (22 km) tính từ các bờ biển Đài Loan. Phản ứng của Đài Bắc lúc đó sẽ như thế nào? 

Theo nhận định của chuyên gia về chiến lược hàng hải Alessio Patalano của trường King’s College ở Luân Đôn, được đài France 24 trích dẫn, có thể là Đài Loan sẽ lại phản ứng giống như hiện nay, đó là kích hoạt hệ thống phòng không, điều máy bay tiêm kích bay lên chặn các phi cơ Trung Quốc và đưa các máy bay này ra khỏi không phận Đài Loan. Với vị thế quân sự yếu hơn nhiều so với Trung Quốc, Đài Bắc khó mà làm khác hơn được. Cho nên, nếu quốc tế cũng không có phản ứng thì coi như mặc nhiên chấp nhận là Đài Loan không còn chủ quyền trên các vùng biển của họ.

Về mặt chính trị, rõ ràng đưa các chiến đấu cơ và chiến hạm Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến là một cách để Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan. Sau khi Đài Bắc yêu cầu Bắc Kinh “chấm dứt ngay lập tức những hành động đơn phương này”, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh là Đài Loan thuộc về Trung Quốc và “cái gọi là đường trung tuyến không hề tồn tại”. Nói cách khác, theo chuyên gia Alessio Patalano, Bắc Kinh kể từ nay “bình thường hóa” việc không còn tuân thủ thông lệ đối với Đài Loan, vốn đã được xác định từ thập niên 1960.

Về mặt quân sự, các vụ xâm nhập thường xuyên đang làm “hao mòn” lực lượng phòng không của Đài Loan mà Trung Quốc không cần bắn một viên đạn nào. Việc các máy bay tiêm kích F-16 của Đài Loan phải cất cánh thường xuyên hơn để chặn các phi cơ Trung Quốc gây tổn phí rất lớn cho Đài Bắc.

Ngoài việc đưa ngày càng nhiều chiến hạm và chiến đấu cơ xâm nhập vùng trời và vùng biển của Đài Loan, trong thời gian gần đây Trung Quốc còn đã gia tăng các cuộc tập trận mô phỏng một cuộc bao vây hòn đảo. Theo hãng tin AFP, hôm qua, các quan chức Lầu Năm Góc đã lên tiếng cảnh cáo rằng một mưu toan phong tỏa Đài Loan “sẽ thất bại” và sẽ tạo ra “một nguy cơ leo thang rất lớn” đối với Trung Quốc, vì lúc đó cộng đồng quốc tế sẽ buộc phải có phản ứng, điều mà Bắc Kinh muốn tránh.

Dẫu sao thì trước mắt, lực lượng Trung Quốc được huy động trong những lần xâm nhập gần đây còn quá ít để tính đến chuyện tấn công trực diện Đài Loan, vì theo các chuyên gia quân sự, để vượt qua eo biển Đài Loan, Bắc Kinh cần phải tập trung một lực lượng mạnh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chuyên gia Alessio Patalano lưu ý, nếu số phi cơ vượt qua đường trung tuyến cứ tiếp tục gia tăng, chúng ta sẽ khó mà xác định ý đồ của Trung Quốc: Đây vẫn chỉ là hành động hù dọa hay là nhằm mở màn cho một cuộc tấn công thật sự vào Đài Loan?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.