Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Cấp tên lửa Patriot cho Ukraina : Mỹ leo thang quân sự chống Nga và Iran ?

Sau nhiều tháng do dự, chính quyền Biden cuối cùng sẽ cho phép cấp hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraina. Một thông điệp hậu thuẫn mạnh mẽ của Washington dành cho Kiev. Một lằn ranh đỏ không nên vượt qua theo như cảnh cáo từ Matxcơva. Nếu như hiệu quả của hệ thống tên lửa này trong việc ngăn chặn các cuộc không kích của Nga đang là một câu hỏi lớn, thì theo nhiều nhà quan sát, đây còn là một quyết định leo thang quân sự của Mỹ chống Nga và Iran. 

Ảnh minh họa : Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của NATO đặt tại Chania, Hy Lạp, ngày 08/11/2017.
Ảnh minh họa : Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của NATO đặt tại Chania, Hy Lạp, ngày 08/11/2017. AP - Sebastian Apel
Quảng cáo

Trước hết, giới phân tích đều có một chung một nhận định: Hệ thống tên lửa Patriot « còn xa mới là một giải pháp mầu nhiệm » để ngăn chặn các loại tên lửa bay ở tầm thấp và bom đạn được thả từ các loại drone do Nga sử dụng để bắn phá một cách có hệ thống những cơ sở hạ tầng của Ukraina. 

Patriot và những hạn chế cho Ukraina

Theo giải thích từ chuyên gia Raytheon trên trang mạng Responsible Statecraft, Global Patriot Solutions là một hệ thống phòng thủ tên lửa bao gồm radar, công nghệ chỉ huy và kiểm soát cùng với nhiều loại thiết bị đánh chặn. Hệ thống tích hợp này cho phép phát hiện, xác định và đánh bại tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái… Tất cả những chức năng đó đều được lắp đặt trên một loại xe tải. Hệ thống tên lửa này đang được sử dụng tại 17 quốc gia. 

Hoa Kỳ từ lâu do dự trước những yêu cầu từ Ukraina do hai yếu tố : Chi phí sản xuất và tính chất phức tạp trong điều khiển. Thứ nhất, mỗi một hệ thống tốn khoảng một tỷ đô la, chưa bao gồm tên lửa. Khi Hoa Kỳ gởi hệ thống tên lửa này đến Bahrain năm 2019, quốc gia vùng Vịnh này đã phải trả đến 2,5 tỷ đô la. Tương tự, Ba Lan cũng đã chi ra hơn 4,75 tỷ đô la cho hệ thống Patriot đầu tiên.  

Thứ hai, việc huấn luyện sử dụng Patriot phải mất đến 6 tháng. Quân đội Hoa Kỳ phải điều động một « tiểu đội » gồm 90 người để kiểm soát và điều khiển liên tục hệ thống này. Do vậy, theo quan điểm của ông Mark Cancian, cựu sĩ quan quân đội Mỹ, hiện là nhà phân tích cho CSIS, được Responsible Statecraft trích dẫn, việc thông báo gởi Patriot đến Ukraina là một quyết định lớn cho Washington. Chính vì điểm thứ hai này mà hôm qua, Lầu Năm Góc thông báo mở rộng chương trình huấn luyện binh sĩ cho Kiev kể từ tháng Giêng năm 2023. 

Một điểm khác đáng lưu ý: « Patriot là một hệ thống phòng thủ điểm, nghĩa là một khẩu đội duy nhất chỉ có thể bảo vệ một khu vực rộng 68 km, gồm vài dãy nhà chứ không phải toàn bộ thành phố. Bộ pin cũng phải được định hướng theo hướng thích hợp vì hệ thống radar là tĩnh. Patriot chỉ hoạt động tốt khi mục tiêu tiếp cận nằm trong phạm vi tìm kiếm. Do vậy, để thiết lập một hệ thống phòng thủ toàn diện hiệu quả cho toàn khu vực cụ thể, Ukraina sẽ cần nhiều hệ thống Patriot để có được một phạm vi bao quát cần thiết cho việc phát hiện mọi ngả tiếp cận »

Tăng cường phòng thủ cho Kiev hay cuộc chiến của Mỹ chống Iran ?

Trong trường hợp này, ông Doug Macgregor, một đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, nhận định, hệ thống tên lửa NASAM hiện nay Mỹ cấp cho Ukraina là phù hợp nhất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là nếu như Nga sử dụng tên lửa đạn đạo từ Iran, thì quả thật Patriot là một giải pháp hiệu quả nhất cho Ukraina. Hệ thống tên lửa này đã được sử dụng tại nhiều nước Trung Đông, đặc biệt là tại Ả Rập Xê Út, để chống lại các mối đe dọa đến từ Iran trong khu vực. 

Theo Washington, từ nhiều tháng qua, Matxcơva dường như tìm kiếm một nguồn hậu thuẫn « lớn chưa từng có » từ Iran về kỹ thuật và quân sự, qua việc yêu cầu Teheran cung cấp cho Nga các loại tên lửa và drone tự sát. Iran còn giúp Nga oanh kích Kiev bằng nhiều loại pháo, tên lửa mà Nga không thể sản xuất được nữa. 

Trang mạng CNN của Mỹ còn tiết lộ rằng Matxcơva còn tìm cách mua một lượng lớn đáng kể tên lửa đạn đạo của Iran, đặc biệt là loại Fateh-10 để có thể tiếp tục chiến dịch tàn phá có hệ thống nước láng giềng của mình. Đây có lẽ chính là điều khiến Kiev và người dân Ukraina lo sợ, cho dù tầm bắn các tên lửa của Iran là có giới hạn. 

Khả năng Patriot được gởi đến Ukraina tuy muộn màng, nhưng còn có thể hỗ trợ Ukraina và người dân qua được một mùa đông lạnh giá gay gắt, và nhất là tránh xảy ra những làn sóng di dân ồ ạt như mong muốn của điện Kremlin hòng gây bất ổn Tây Âu. Việc Mỹ quyết định cấp Patriot cho Ukraina sẽ là một bước ngoặt rõ nét trong cuộc chiến. Matxcơva thông qua lời phát ngôn viên điện Kremlin cảnh cáo « đây là một động thái khiêu khích của Mỹ », xem « Hoa Kỳ là một bên tham chiến thực sự » trong cuộc xung đột Ukraina và như vậy thúc đẩy Matxcơva có một phản ứng hợp pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.