Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ thăm Đài Loan: "Lợi bất cập hại" cho quan hệ Mỹ - Trung ?

Đang công du châu Á với chặng thứ hai là Malaysia, chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi cho đến giờ vẫn tỏ ra mập mờ về ý định thăm Đài Loan như nhiều tờ báo quốc tế loan tin. Một số nhà phân tích cảnh báo, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, nếu diễn ra, chỉ có thể làm cho quan hệ Mỹ - Trung thêm xấu đi và đe dọa an ninh Đài Loan.  

Báo Trung Quốc đưa tin về chuyến công du châu Á của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. Ảnh chụp tại một quầy báo ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 31/07/2022.
Báo Trung Quốc đưa tin về chuyến công du châu Á của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. Ảnh chụp tại một quầy báo ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 31/07/2022. © AP - Andy Wong
Quảng cáo

Nếu chuyến đi diễn ra, bà Nancy Pelosi sẽ là nhân vật quan trọng thứ ba trong chính phủ Mỹ đến thăm hòn đảo lần đầu tiên kể từ năm 1997. Và chuyến thăm này có nguy cơ phá vỡ điều mà nhiều quan chức chính quyền Mỹ gọi là « chốt chặn an toàn » trong hồ sơ Đài Loan.

Nhật báo Anh Quốc The Guardian hôm qua, 01/08/2022, trước hết ghi nhận, ý định này của bà chủ tịch Hạ Viện Mỹ đã làm Bắc Kinh chao đảo trong một năm chính trị đầy nhậy cảm cho đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, trong bối cảnh đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra vào mùa thu năm nay, cho phép ông Tập Cận Bình nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Và năm nay Trung Quốc cũng  tổ chức mừng 95 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân.  

Đương nhiên, đây không phải lần đầu tiên một chủ tịch Hạ Viện Mỹ đến thăm Đài Bắc. Cách nay một phần tư thế kỷ, ông New Gingrich, thuộc đảng Cộng Hòa, cũng đã từng đến thăm hòn đảo. Sự việc cũng khiến Bắc Kinh bực bội có những lời phàn nàn. Tuy căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung lúc đó cũng đã kéo dài trong vòng vài tháng, nhưng lần đó Bắc Kinh cũng đành nuốt giận.  

Chỉ có điều chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc bây giờ không như cách đây 25 năm. Dù ngân sách dành cho quốc phòng vẫn còn kém xa Mỹ (738 tỷ đô la/năm), nhưng Trung Quốc cũng là cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới (193,3 tỷ đô la), theo như số liệu từ Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược ( IISS ) cho năm 2020. Cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga tiến hành khiến phương Tây lo ngại Trung Quốc có những hành động quân sự nhắm vào Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh vẫn xem là một phần lãnh thổ cần phải được thống nhất với Hoa Lục.

Từ những quan sát này, chuyên gia Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ, Trung tâm Woodrow Wilson tại Washington, nhận định với tờ The Guardian rằng chuyến thăm Đài Bắc của bà Pelosi sẽ không làm dịu được mối quan hệ Mỹ - Trung, cũng như không phục vụ các lợi ích của Mỹ, và cũng không giúp tăng cường an ninh cho Đài Loan. 

Washington sợ rằng nếu bà Pelosi không « quá cảnh » đến Đài Bắc, điều đó chẳng khác gì đưa ra một tín hiệu mềm yếu của Mỹ và có có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đài Loan, nhưng cuộc viếng thăm này cũng có nguy cơ nuôi dưỡng luận điệu của « phe diều hâu » ở Bắc Kinh, theo đó, Hoa Kỳ và các đồng minh đang hậu thuẫn chính quyền Thái Anh Văn tìm kiếm một nền độc lập. Mối ngờ vực này càng được củng cố khi một thông tin hôm thứ Hai (01/8) cho biết một phái đoàn nghị sĩ cấp cao Anh Quốc cũng dự kiến đến thăm Đài Loan vào khoảng cuối năm nay. 

Đương nhiên, ý định này của bà Pelosi khiến Bắc Kinh nổi dóa và không ngừng đe dọa có hành động đáp trả mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Bonnie Glaser, giám đốc Trung tâm Châu Á, thuộc cơ quan tư vấn German Marshall Fund, trụ sở tại Washington, mặc dù nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang là rất thấp, « xác suất Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực hiện một loạt hành động quân sự, kinh tế và ngoại giao để phô trương sức mạnh và thể hiện quyết tâm của họ là khá lớn. Có khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách trừng phạt Đài Loan bằng nhiều cách ». 

Về phần mình, nhà nghiên cứu Daly cảnh báo, cuộc khủng hoảng lần này rất có thể là một cơ hội cho Bắc Kinh tạo ra một tiền lệ mới : Hoặc để hộ tống các chuyến thăm Đài Loan của quan chức Mỹ bằng máy bay quân sự, hoặc bay gần hơn, hay thường xuyên hơn về phía không phận Đài Loan. 

Cũng theo nhà nghiên cứu này, mỗi cuộc leo thang sẽ dẫn đến một nguyên trạng mới, và điều đó chỉ làm mối quan hệ Mỹ-Trung càng trở nên nguy hiểm. Do vậy, theo ông, tốt hơn hết là Washington và Bắc Kinh « dồn hết mọi nỗ lực cho các cuộc đàm phán bình ổn chiến lược thay vì chơi trò leo thang căng thẳng ».  

Từ toàn cảnh này, tờ Journal de Montreal của Canada cho rằng thời gian "quá cảnh" Đài Loan của bà Nancy Pelosi nên ngắn và kín đáo, chỉ nên dừng chân vài giờ để qua đêm trước khi tiếp tục hành trình đến các nước châu Á khác. Có như thế thì mới cứu vãn được sỉ diện cho cả Bắc Kinh và Washington.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.