Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Khủng hoảng Ukraina : Đông Âu, nỗi lo bị đặt vào thỏa hiệp giữa Nga - phương Tây

Trong cuộc đối đầu căng thẳng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh lạnh giữa Nga và các nước phương Tây, những nước Đông Âu thuộc phe Cộng sản cũ, giờ không khỏi lo lắng sẽ trở thành lá bài trong các thỏa hiệp với Matxcơva.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) và tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong cuộc họp báo chung, tại Berlin, Đức, ngày 08/02/2022.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) và tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong cuộc họp báo chung, tại Berlin, Đức, ngày 08/02/2022. REUTERS - POOL
Quảng cáo

Những ngày qua đã có liên tiếp các nỗ lực ngoại giao qua mọi hướng có thể, nhưng cuộc đọ sức giữa Nga với Mỹ, NATO và châu Âu vẫn trong chiều hướng căng thẳng. Tổng thống Vladimir Putin để ngỏ khả năng thỏa hiệp sau cuộc gặp tay đôi với tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Luận điểm của Paris cho rằng mối quan ngại về an ninh của Nga là « chính đáng » cùng với những ràng buộc lợi ích chồng chéo xung quanh vấn đề cung cấp khí đốt giữa Nga và Đức cũng như với Liên Hiệp Châu Âu nói chung, đang khiến cho các nước Đông Âu, nay đã đứng về phía phương Tây, như Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic cảm thấy hoài nghi về chiến dịch ngoại giao của những nước lớn.

Hôm nay, lãnh đạo các nước Litva, Latvia và Estonia thân chinh đến Berlin gặp thủ tướng Đức. Những quốc gia vùng Baltic thuộc Liên Xô cũ, đã gia nhập NATO, đến Đức với mối lo ngại riêng của họ về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina hiện nay.  Chuyến đi của các lãnh đạo các nước này được giới quan sát đánh giá mang tính chiến lược đặc biệt khi mà cam kết của NATO tại Ba Lan và những nước Baltic, ở sườn đông của Liên Minh, đang là một trong những bất đồng chủ chốt và khó gỡ nhất với nước Nga.

Ba Lan, quốc gia lớn của Liên Âu, luôn tỏ lập trường kiên quyết và cứng rắn nhất đối với Nga, như ông Pawel Soloch, lãnh đạo Cơ quan An ninh Quốc gia Ba Lan đã nhấn mạnh trong tuần. Phát biểu của quan chức an ninh Ba Lan này đưa ra sau cuộc gặp hôm 08/02 tại Berlin giữa lãnh đạo ba nước Pháp, Đức và Ba Lan, nhằm tìm ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina.

Trước mối đe dọa về một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina, cuộc gặp là dịp để lãnh đạo ba nước thể hiện sự đoàn kết giữ gìn nền hòa bình ở châu Âu « qua con đường ngoại giao và qua các thông điệp rõ ràng cũng như quyết tâm cùng chung hành động », theo như tuyên bố của thủ tướng Đức Olaff Scholz.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhấn mạnh sự cấp thiết phương Tây phải « siết chặt đội ngũ ». Những tuyên bố như hô khẩu hiệu của lãnh đạo Ba Lan không giấu được lo lắng về hệ lụy an ninh do những nhượng bộ phương Tây có thể đưa ra với Nga.

Trong khi đó, hôm thứ Tư (09/02) thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas đã lên tiếng tỏ lập trường cứng rắn rằng « Chúng tôi sẽ không có bất cứ thỏa hiệp nào về các nguyên tắc căn bản, kể cả quyền mỗi quốc gia được lựa chọn đường đi riêng của mình… Chúng ta phải kiên quyết và đoàn kết ».

Trong cuộc đối đầu với phương Tây lần này, Kremlin đặt điều kiện tiên quyết đòi NATO từ bỏ vĩnh viễn ý đồ kết nạp Ukraina, đồng thời hy vọng Liên Minh giảm sự hiện diện quân sự trong các nước Đông Âu thuộc phe Cộng sản cũ. Để hạ nhiệt căng thẳng hiện nay, các hoạt động ngoại giao cấp tập những ngày qua không ngoài mục tiêu tìm một thỏa hiệp nào đó để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay với Nga. Trong một chừng mực nào đó, mối lo ngại của các nước Đông Âu kể trên cũng có thể gọi là chính đáng, như phân tích của nhiều chuyên gia.

Theo Marcin Zaborowski, chuyên gia chính trị tại Vacxava, không có gì khó hiểu khi Ba Lan có cách tiếp cận cấn đề khác với Đức và Pháp trong khủng hoảng Ukraina.

« Ba Lan là nước ủng hộ Ukraina nhiệt tình nhất ở châu Âu. Chúng tôi có đường biên giới dài nhất với nước này và có đông kiều dân nhất ở Ukraina », chuyên gia này phân tích và sợ rằng « nếu Ukraina bị rơi vào trường ảnh hưởng của Nga thì điều đó sẽ gây những hệ quả tiêu cực trực tiếp đến an ninh của Ba Lan ». Tương tự đối với các nước vùng Baltic, những nước rất năng nổ trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraina hơn cả Ba Lan.

Là những nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, ba quốc gia vùng Baltic cũng lo sợ sẽ rơi vào tầm ngắm của Nga. Wojciech Przybylski, lãnh đạo nhóm tư vấn Visegrad Insight nhận định : « Các nước Trung và Đông Âu đầu đã nếm trải sự chiếm đóng của Nga và đã thấy nước Nga ngăn cản họ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu » thế nào rồi.

Trong cuộc gặp trực diện với tổng thống Emmanuel Macron đầu tuần này, ông Putin đã phản bác những lo ngại của các nước vùng Baltic bị Nga đe dọa an ninh là không có cơ sở và cho rằng đó chỉ là « cái cớ đề xây dựng chính sách thù địch với nước Nga ».

Theo ông Przybylski, trong khi Vladimir Putin đang muốn thấy một châu Âu chia rẽ, thì đoàn kết là điều rất cần thiết để đối mặt với Nga và không có lý do gì để châu Âu có thể bán đứng các đồng minh Trung Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.