Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Áp lực quốc tế chưa đủ để ngăn chận bạo lực của tập đoàn quân sự Miến Điện

Một năm sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, quốc tế gia tăng áp lực với chính quyền quân sự Rangun. Nhưng áp lực đó sẽ vẫn không đủ để buộc được các tướng lãnh đang cầm quyền chấm dứt bạo lực đối với thường dân.

Một năm sau đảo chính, chính quyền quân sự Miến Điện bất chấp trừng phạt quốc tế tiếp tục dùng vũ lực trấn áp trong nước. Ảnh: Tướng đảo chính Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền Miến Điện phát biểu trước chính phủ, ngày 1/02/2022.
Một năm sau đảo chính, chính quyền quân sự Miến Điện bất chấp trừng phạt quốc tế tiếp tục dùng vũ lực trấn áp trong nước. Ảnh: Tướng đảo chính Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền Miến Điện phát biểu trước chính phủ, ngày 1/02/2022. AP
Quảng cáo

Theo hãng tin AFP, Hoa Kỳ, phối hợp với Anh Quốc và Canada, hôm qua đã ban hành các trừng phạt tài chính đối với 7 nhân vật và 2 thực thể “ có liên hệ với chế độ quân sự Miến Điện”. Theo thông cáo của bộ Tài Chính Mỹ, trong số những nhân vật này có các quan chức cao cấp nhất của ngành tư pháp Miến Điện, như chưởng lý Thida Oo, chánh án Tòa án Tối cao Tun Tun Oo và người đứng đầu ủy ban chống tham nhũng Tin Oo.  

Trong một thông cáo khác, tổng thống Joe Biden đã mạnh mẽ tuyên bố: “ Khi nào mà chế độ vẫn còn tước bỏ tiếng nói dân chủ của người dân, chúng tôi sẽ còn buộc phe quân sự và những người ủng hộ họ phải trả giá đắt”.   

Về phần mình, trong một thông cáo, ngoại trưởng Anh Quốc Liz Truss cũng cam kết Luân Đôn “ sẽ luôn bảo vệ quyền được tự do, dân chủ và Nhà nước pháp quyền. Cũng như những quốc gia khác chia sẻ các giá trị đó, chúng tôi sẽ buộc chế độ tàn bạo, áp bức này phải trả giá đắt”. 

Bên cạnh các trừng phạt của Hoa Kỳ và Anh Quốc, Liên Hiệp Quốc cũng gia tăng áp lực lên tập đoàn quân sự qua bản thông cáo của ông Nicholas Koumjian, người đứng đầu Cơ chế Liên Hiệp Quốc điều tra độc lập về Miến Điện. Trong thông cáo được hãng tin AFP trích dẫn, ông Koumjian khẳng định: “ Những thông tin nhận được vào năm ngoái cho thấy hơn 1.000 người đã bị giết trong những hoàn cảnh có thể được xem là tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh”. 

Cơ chế điều tra độc lập về Miến Điện đã được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lập ra vào tháng 09/2018, với nhiệm vụ lập các hồ sơ để tạo điều kiện dễ dàng cho việc tiến hành các thủ tục truy tố hình sự những kẻ gây các tội ác nói trên. Trong bản thông cáo, ông Koumjian cảnh cáo tập đoàn quân sự Miến Điện: “ Tư pháp quốc tế rất khó quên và một ngày nào đó, các thủ phạm của những tội ác quốc tế trầm trọng nhất ở Miến Điện sẽ phải trả lời trước pháp luật”.

Nhưng những trừng phạt mới, cũng như những tuyên bố của các lãnh đạo phương Tây hay của các quan chức Liên Hiệp Quốc không chắc là sẽ buộc được tập đoàn quân sự ngưng đàn áp dã man những người phản đối đảo chính. Lý do đơn giản chỉ là vì giới tướng lãnh cầm quyền tại Miến Điện đã quá quen với các trừng phạt của quốc tế, cho nên quân đội vẫn cảm thấy họ có thể phạm bất cứ tội ác nào mà không sợ bị đưa ra pháp luật. 

Những trừng phạt, những tuyên bố nói trên của phương Tây và của Liên Hiệp Quốc không che lấp được sự bất lực, hay nói đúng hơn là sự thụ động của cộng đồng quốc tế trước khủng hoảng Miến Điện.

Một năm sau cuộc đảo chính quân sự, những lời kêu gọi hành động của quốc tế ngày càng khẩn thiết, đặc biệt là từ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, tập hợp các chính khách của chính quyền bị các tướng lãnh lật đổ. Tuyên bố với đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera hôm nay, ngoại trưởng của chính phủ này, ông Zin Mar Aung, tỏ vẻ bất bình: “ Thế giới chẳng làm gì cả ngoài việc ngồi và nhìn” Theo lời ông Zin Mar Aung, bạo lực ngày nay ở Miến Điện còn kinh khủng hơn cả những thập niên đen tối dưới các chế độ quân sự thời những năm 1980 và 1990.

Ông tố cáo: “ Sự tàn ác không giảm đi, mà lại gia tăng. Bây giờ họ không còn làm lén lút nữa, mà làm công khai. Nếu không có một sự can thiệp thực tiễn và hiệu quả của cộng đồng quốc tế, bạo lực sẽ tiếp diễn.” 

Ngay chính Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet hôm qua cũng đã chỉ trích phản ứng của quốc tế là “không hiệu quả”, "không mang tính chất khẩn cấp tương ứng với tầm mức của khủng hoảng”. Theo bà Bachelet, đã đến lúc thế giới “phải cấp tốc có nỗ lực mới để tái lập nhân quyền và dân chủ ở Miến Điện và đưa ra xét xử những kẻ vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống.”

Theo đài Al Jazeera, Fortify Rights, một tổ chức hoạt động ở Miến Điện từ năm 2013, đã kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành lệnh cấm vận vũ khí đối với Miến Điện, nhưng giám đốc khu vực của tổ chức này Ismail Wolff cho rằng rất khó mà có sự đồng thuận của Hội Đồng Bảo An, do Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực, chắc chắn sẽ sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ một nghị quyết như vậy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.