Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Năm cường quốc hạt nhân chống phát tán vũ khí hạt nhân, tiếng nói của kẻ mạnh

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới tiếp tục căng thẳng và còn nhiều bất trắc, năm cường quốc hạt nhân, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua, 03/01/2022, đã tìm được tiếng nói chung hiếm có trong một cam kết quyết tâm cùng ngăn ngừa ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân bởi tất cả đều nhận thấy sẽ không có ai thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. 

(Ảnh minh họa) - Quốc kỳ của Anh, Hoa Kỳ, Pháp và Nga, 4 trong số 5 nước được Hiệp ước TNP thừa nhận có quyền trang bị vũ khí hạt nhân. Ảnh chụp tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 11/01/2018.
(Ảnh minh họa) - Quốc kỳ của Anh, Hoa Kỳ, Pháp và Nga, 4 trong số 5 nước được Hiệp ước TNP thừa nhận có quyền trang bị vũ khí hạt nhân. Ảnh chụp tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 11/01/2018. REUTERS - ARND WIEGMANN
Quảng cáo

Nội dung cam kết mang tính nguyên tắc của năm nước, Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, được Hiệp ước ước không phổ biến hạt nhân (TNP) thừa nhận có quyền trang bị vũ khí hạt nhân, ít nhiều mang ý nghĩa trấn an thế giới trước viễn cảnh các cuộc đối đầu gia tăng. Khẳng định lại « chiến tranh hạt nhân không thể mang lại chiến thắng », năm cường quốc ký tuyên bố chung ý thức được « những hậu quả trên quy mô lớn của việc vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng », vì thế họ khẳng định « vũ khí hạt nhân chừng nào còn tồn tại phải để phục vụ mục đích phòng thủ, răn đe và ngăn ngừa chiến tranh… »

Tuy nhiên, cam kết của các nước lớn có quyền nắm giữ sức mạnh hạt nhân trên thế giới không có gì mới và không khỏi gây hoài nghi. Tuyên bố chung của năm cường quốc hạt nhân được đưa ra vào lúc hội nghị lần thứ 10 rà soát lại việc thực thi TNP sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 28 tháng Giêng 2021 dưới bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Đây sẽ là dịp để 191 nước ký TNP thảo luận về các nỗ lực giải trừ hạt nhân trên toàn cầu một cách minh bạch hơn, ngăn chặn các khủng hoảng hạt nhân có thể xảy ra tại Trung Đông và châu Á, thúc đẩy sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa binh …

TNP là một sáng kiến lịch sử thời kỳ thế giới phân thành hai cực Đông và Tây đối đầu và cuộc chạy đua vũ trang đang lên cao trào. Có hiệu lực từ năm 1970, TNP trao độc quyền vũ khí hạt nhân cho 5 cường quốc ký hiệp ước, còn lại các nước khác tham gia hiệp ước cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, có ba nước không ký TNP nhưng vẫn trang bị bom hạt nhân gồm Ấn Độ, Pakistan và Israel. Bắc Triều Tiên đã tham gia nhưng đến năm 2003 lại rút khỏi hiệp ước và luôn khẳng định có quyền trang bị vũ khí hạt nhân.

Đến giờ đã có một số nước chủ động từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự như Brazil, Achentina, Nam Phi, Thụy Sĩ hay Thụy Điển. Bên cạnh đó, lại nổi lên hồ sơ hạt nhân Iran. Quốc gia Hồi giáo này bị nghi ngờ phát triển vũ khí hạt nhân và đang trong cuộc đọ sức không khoan nhượng với phương Tây về quyền được tiếp cận công nghệ hạt nhân.

Trở lại với những cam kết đầy quyết tâm của 5 cường quốc được quyền sở hữu vũ khí hạt nhân, dù sao dư luận cũng có thể đánh giá đó là bước đi đúng hướng của những người có trong tay sức mạnh, ít nhiều cũng có tác dụng hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng quốc tế. Tuy nhiên, xã luận của nhật báo La Croix đã so sánh những tuyên bố của các cường quốc hạt nhân vừa rồi như hình ảnh của một hiệp hội những nhà sản xuất rượu cồn phát động chiến dịch chống nạn nghiện rượu mà thôi.

Trong khi đó, ông Marc Finaud, chuyên gia về chống phổ biến vũ khí thuộc Trung tâm Chính sách An ninh Genève (CSPG), được báo Les Echos trích dẫn, thì cho rằng trong cam kết đó « có quyết tâm trấn an để nói với thế giới rằng tất cả những lo lắng về nguy cơ chiến tranh hạt nhân là không có cơ sở ».

Thực tế gần đây là trước những bất ổn khó lường về căng thẳng địa chính trị trên thế giới như căng thẳng Trung- Mỹ về vấn đề Đài Loan hay sự tranh giành ảnh hưởng vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, hay gần đây biên giới Nga - Ukraina ngột ngạt không khí chiến tranh, không ít các cuộc khủng hoảng ở vùng Trung Đông luôn thường trực khả năng bùng nổ bất cứ lúc nào, có không ít những tuyên bố kêu gọi tương tự đã được đưa ra từ các nước lớn.  Một thế giới không vũ khí hạt nhân sẽ vẫn chỉ là không tưởng khi các nước có trong tay sức mạnh vũ khí hạt nhân vẫn ý thức rằng đó là công cụ để răn đe nước khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.