Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Quad - Bộ Tứ vac-xin : Dự án một mũi tên trúng hai đích của Ấn Độ

Trung Quốc cam kết cung cấp ít nhất 463 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 trên khắp thế giới, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á. Ấn Độ kêu gọi Bộ Tứ - Quad đoàn kết, phối hợp hành động để kìm hãm chính sách “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc, đặc biệt tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Ảnh Minh họa: Tại một phân xưởng sản xuất vac-xin AstraZeneca-Oxford, tại Ấn Độ, ngày 22/01/2021.
Ảnh Minh họa: Tại một phân xưởng sản xuất vac-xin AstraZeneca-Oxford, tại Ấn Độ, ngày 22/01/2021. AFP - PUNIT PARANJPE
Quảng cáo

Thực ra, chiến lược này từng được bốn nước thành viên Quad (Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ) nêu trong cuộc họp tháng 02/2021. Năm 2020, hội nghị của “Quad Plus” mở rộng với Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand bàn về tình hình dịch Covid-19, cũng đã đề cập đến việc phát triển vac-xin.

Ấn Độ muốn khẳng định vai trò trong Quad

New Delhi muốn biến lời nói thành hành động cụ thể, bổ trợ cho những hợp tác song phương về mặt dịch tễ của mỗi thành viên Quad với các nước trong khu vực. So với 4 nước Bộ Tứ, Ấn Độ hội tụ đủ mọi yếu tố cần thiết về khả năng và vị trí địa lý. New Delhi cũng muốn khẳng định vài trò quan trọng trong Quad.

Thứ nhất, là nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực, Ấn Độ còn phát triển được vac-xin riêng, Covaxin, và dự định bán cho 40 nước, trong đó có Brazil, Philippines và Zimbabwe, theo báo mạng Times of India (08/03/2021).

Thứ hai, Ấn Độ nổi tiếng là công xưởng bào chế dược phẩm cho thế giới và có sẵn trang thiết bị để sản xuất trên quy mô lớn. Vac-xin ngừa Covid-19 của nhiều hãng lớn như Oxford/AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson và cả Sputnik V của Nga đã và sẽ được sản xuất tại Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu của thế giới.

Sự hợp tác của Viện Huyết thanh Ấn Độ với hãng bào chế Mỹ Novavax được cho là “chìa khóa cho liên minh ngoại giao vac-xin của Quad”. Vẫn theo trang Times of India, mục tiêu đề ra là “đẩy Trung Quốc khỏi thị trường khu vực” và để “Quad bảo đảm tất cả các thị trường vac-xin trọng điểm”.

Bộ Tứ hoàn toàn có lý do để lo ngại về chiến lược “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc trên thế giới. Nhờ phòng dịch thành công, Trung Quốc không vội tiêm chủng cho dân, tặng vac-xin cho những nước cần gây ảnh hưởng hoặc ký hợp đồng thử nghiệm tại nhiều nước khác. Nhiều nước Đông Nam Á, như Miến Điện, Indonesia, Thái Lan, Philippines, có thể tiến hành tiêm chủng được là nhờ vac-xin của Trung Quốc. 

Lợi ích kinh tế

Ngoài ra, New Delhi còn có thể đạt được một lợi ích khác, đơn thuần về thương mại khi kêu gọi Bộ Tứ đầu tư mạnh cho vac-xin Covid-19, còn Ấn Độ là nhà sản xuất. Chính điểm này là cái cớ để Bắc Kinh chỉ trích “mưu đồ” của New Delhi, cho rằng Ấn Độ tính toán để thu lợi nhuận khổng lồ.

Trong bài đả kích lời kêu gọi lập liên minh Bộ Tứ vac-xin, trang Global Times của Trung Quốc còn cho rằng New Delhi tạo cơ hội cho ba nước thành viên còn lại đầu tư vào dây chuyển sản xuất vac-xin của Ấn Độ.

Ý tưởng liên minh “Bộ Tứ vac-xin” có thể sẽ được nêu trong cuộc họp thượng đỉnh của Quad ngày 12/03/2021. Bắc Kinh muốn vac-xin của Trung Quốc có mặt khắp thế giới để mở rộng ảnh hưởng, như từng làm với chiến dịch “ngoại giao khẩu trang”. Lập nhiều dây chuyền sản xuất vac-xin song song với quy mô lớn, có lẽ là giải pháp hữu hiệu để có thể kiềm chế những dụng ý chính trị của Trung Quốc ẩn sau những liều vac-xin ngừa Covid-19.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.