Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH - TRUNG QUỐC - HỒNG KÔNG

Vì sao Trung Quốc muốn áp đặt luật an ninh với Hồng Kông ?

Thứ Năm ngày 28/05/2020, Quốc Hội Trung Quốc cho biết sẽ thông qua dự luật nhằm « bảo vệ an ninh quốc gia tại vùng đặc khu hành chính Hồng Kông ». Ý định này của Bắc Kinh đã làm hàng ngàn người dân Hồng Kông phẫn nộ, xuống đường phản đối, bất chấp các biện pháp nghiêm cấm tụ tập để chống dịch Covid-19. Câu hỏi đặt ra : « Vì sao Trung Quốc lại muốn áp đặt luật an ninh với Hồng Kông » vào lúc này ?

Cờ của đặc khu hành chính Hồng Kông và quốc kỳ Trung Quốc tại Văn phòng Đặc khu hành chính Hồng Kông tại Bắc Kinh, ngày 25/05/2020.
Cờ của đặc khu hành chính Hồng Kông và quốc kỳ Trung Quốc tại Văn phòng Đặc khu hành chính Hồng Kông tại Bắc Kinh, ngày 25/05/2020. REUTERS - TINGSHU WANG
Quảng cáo

Theo giải thích của báo Le Monde trên trang mạng ngày 25/05/2020, đạo luật mà Quốc Hội Trung Quốc sắp thông qua bao gồm 7 điều khoản, trong đó có ba điều quan trọng. Thứ nhất, điều số 2 nêu rõ Trung Quốc « phản đối mạnh mẽ » mọi hành động can thiệp từ các thế lực bên ngoài vào Hồng Kông. Thứ hai là điều số 4, cho phép các cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia được thiết lập ở Hồng Kông và mở rộng các hoạt động tại đặc khu. Đây được xem là một trong những « lằn ranh đỏ » cuối cùng cho đến lúc này.

Sau cùng là điều số 6, điều khoản quan trọng nhất. Theo đó, Bắc Kinh được quyền triển khai các điều luật nhằm bảo vệ an ninh quốc gia ở Hồng Kông và « nhằm dự phòng, ngăn chận hay trừng phạt mọi hành vi gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia như ly khai, lật đổ chế độ, hay tổ chức hoặc thực hiện các hoạt động khủng bố cũng như là các hoạt động của các thế lực nước ngoài và tiến hành từ bên ngoài nhằm can thiệp vào chuyện nội bộ của Hồng Kông ».

Theo Le Monde, đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh muốn thông qua đạo luật này. Từ năm 2003, chính quyền trung ương Trung Quốc tìm mọi cách muốn Hồng Kông thông qua và thực thi điều luật số 23 trong Luật Cơ Bản - một dạng Hiến Pháp của Hồng Kông - nghiêm cấm « mọi hành động phản bội, ly khai, phản loạn và lật đổ », nhưng ý định của Trung Quốc bất thành vì luôn gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Hồng Kông.

Đỉnh điểm là các cuộc biểu tình phản đối có quy mô lớn chưa từng có trong hai ngày 9 và 16/06/20219 đã gây bất ngờ cho Bắc Kinh. Làn sóng bất bình kéo dài cho đến khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 mới được tạm ngưng do các biện pháp phong tỏa.

Theo Bắc Kinh, chính sự bất ổn kéo dài tại Hồng Kông từ mùa hè năm 2019 - chứ không phải là những cuộc trấn áp, đã gây thiệt hại cho nền kinh tế đặc khu. Chính quyền Trung Quốc tỏ ra kín tiếng trước thắng lợi của phe ủng hộ dân chủ trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 11/2019 và cảm thấy bất an trước việc phe đối lập thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây. Chủ Nhật 24/5, ngoại trưởng Vương Nghị nhắc lại rằng « không can thiệp là một nguyên tắc cơ bản trong các mối quan hệ quốc tế ».

Tuy nhiên, với nhà nghiên cứu Nadege Rolland, thuộc National Bureau of Asian Research (NBR), các sự kiện ở Hồng Kông và những phản ứng của Bắc Kinh cho thấy rõ sự khác biệt trong quan niệm giữa phương Tây và Trung Quốc về quyền lực và đối lập : « Phương Tây nghĩ rằng khuyến khích dân chủ tự do có thể góp phần kiến tạo hòa bình và thịnh vượng, nhưng đảng Cộng sản Trung Quốc quy cho việc quảng bá trên thế giới cái gọi là "những giá trị phổ quát" là nguồn cội của mọi xung đột và bất ổn trên thế giới ».

Vì thế, ông Vương Nghị khẳng định hôm Chủ Nhật 24/05 : « Trung Quốc và Hoa Kỳ có hai hệ thống xã hội khác nhau và đó là kết quả lựa chọn khác nhau của mỗi dân tộc và chúng phải được tôn trọng ».

Trước những chỉ trích của phương Tây cho rằng Bắc Kinh đã không tôn trọng tuyên bố chung Anh Quốc - Trung Quốc năm 1984 theo đó Bắc Kinh cam kết để Hồng Kông được hưởng một « mức độ tự trị cao » trong vòng 50 năm, bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần trong quá khứ xem văn bản này như là « một tài liệu lịch sử không còn có giá trị thực tế nữa ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.