Vào nội dung chính
PHÁP - NHẬP CƯ

Dự luật nhập cư ở Pháp: Cấp giấy tờ cho người lao động hay trục xuất « những kẻ khủng bố » ?

Kể từ hôm qua, 06/11/2023, Thượng Viện Pháp thảo luận về dự luật nhập cư hiện đang gây chia rẽ chính trường nước Pháp. Chính phủ Pháp phải cân đong đo đếm cái được và cái mất giữa việc trục xuất những người bị gắn mác « nguy cơ khủng bố » và cấp giấy tờ cư trú hợp pháp cho những lao động trong các ngành nghề đang thiếu hụt nhân công trầm trọng. 

Người nhập cư tại trung tâm tiếp nhận tị nạn Jules Ferry, thị trấn Calais, miền bắc nước Pháp, ngày 4/5/2015.
Người nhập cư tại trung tâm tiếp nhận tị nạn Jules Ferry, thị trấn Calais, miền bắc nước Pháp, ngày 4/5/2015. AFP PHOTO PHILIPPE HUGUEN
Quảng cáo

Dự luật nhập cư do bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin và bộ trưởng Lao Động Olivier Dussopt đệ trình vào năm 2022 với nội dung được tóm gọn là “tử tế với những người đàng hoàng và xử tệ với những kẻ xấu”. Theo nhật báo kinh tế Les Echosdự luật được giới thiệu là “cân bằng”, tức là vừa cứng rắn - dễ dàng trục xuất những người nước ngoài phạm pháp, vừa nhân đạo - hợp pháp hóa các lao động không có giấy tờ trong các lĩnh vực thiếu hụt nhân công. “Cứng rắn” là để được ủng hộ từ cánh hữu, còn “nhân đạo” để thể hiện cam kết với cánh tả. Ngoài ra, dự luật cũng tính đến việc hạn chế các hỗ trợ y tế đối với người nước ngoài không có giấy tờ ở Pháp, cũng như hạn chế việc đoàn tụ gia đình và hạn chế quyền được nhập quốc tịch Pháp đối với con em của những người nhập cư. 

Được đệ trình cách nay một năm, dự luật đã nhiều lần bị trì hoãn, nhằm kiểm soát nhập cư tốt hơn, trong bầu không khí bị đè nặng bởi các cuộc tấn công Hồi Giáo cực đoan liên tiếp xảy ra, cũng như sự phát triển của phe cựu hữu bảo thủ, phản đối nhập cư, trước một cánh tả bất lực.  

Điều 3 của dự luật là một trong những điểm gây tranh cãi chủ yếu, dự trù lập ra một loại giấy cư trú có thời hạn một năm và có thể được gia hạn, dành cho những lao động người nước ngoài trong các lĩnh vực thiếu hụt nhân công : nông nghiệp, nhà hàng, khách sạn, y tế, xây dựng …, những ngành mà bộ Lao Động đã liệt kê ra 60 nghề cụ thể. Theo số liệu từ Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia ( INSEE ) vào năm 2019, tại Pháp, trong số 26,5 triệu người có việc làm, có đến 3 triệu là người nhập cư. Trang mạng Ouest France chỉ ra rằng, nếu xét chi tiết trong từng lĩnh vực, các số liệu cho thấy lao động nhập cư chủ yếu làm những công việc tay nghề thấp. 

Những người nhập cư từ châu Phi chủ yếu làm việc trong các ngành giao thông, vận chuyển, hay du lịch. Người nhập cư từ châu Á thì làm việc trong ngành khách sạn nhà hàng, chiếm 30 % trong tổng số lao động nhập cư trong ngành này. Những người nhập cư từ châu Âu thì chiếm ưu thế trong ngành nông nghiệp, hàng hải và đánh bắt cá. Những người từ châu Mỹ, châu Đại Dương chủ yếu làm việc trong lĩnh vực truyền thông, thông tin, nghệ thuật và giải trí.   

Cho đến nay, các yêu cầu hợp pháp hóa giấy tờ phải thông qua giới chủ, người sử dụng lao động. Do vậy chính phủ đề xuất cho phép người lao động có thể tự xin giấy tờ. Bộ trưởng Lao động Olivier Dussopt giải thích hôm 2/11 trên đài France Info rằng “điều này sẽ giúp đảo ngược cán cân quyền lực với những người sử dụng lao động, những người muốn trục lợi nhờ sử dụng lao động bất hợp pháp”. Bộ Nội Vụ dự trù có thể cấp giấy tờ cho 7 hoặc 8.000 người mỗi năm.   

Dự luật gây bất đồng tả - hữu

Theo nhật báo Le Monde, dự luật này được coi là một văn bản tập hợp tất cả những điều đối lập với quan điểm của cánh hữu. Ông Bruno Retailleau, chủ tịch khối nghị sĩ thuộc đảng cánh hữu Những người Cộng Hòa (LR) tại Thượng Viện, tuyên bố: “Chúng ta không thể vừa muốn trục xuất nhiều hơn vừa hợp pháp hóa ồ ạt những người nhập cư bất hợp pháp”.    

Bài phát biểu bị xem là “mang tính xúc phạm” của bộ trưởng Nội Vụ, một ngày sau vụ khủng bố ở Arras ( một thanh niên nhập cư gốc từ vùng Kavkaz đâm chết một thầy giáo ), đã khiến các chính khách cánh tả cho rằng lời hứa hẹn ban đầu về một văn bản luật cân bằng chỉ là mồi nhử. Thượng nghị sĩ của một đảng cánh tả, Marie-Pierre de La Gontrie, cho rằng “kể từ sau vụ Arras, ông Darmanin coi luật nhập cư là một công cụ, tuyên bố rằng nếu luật được thông qua thì vụ tấn công đã không xảy ra. Bộ trưởng Nội Vụ muốn tự bảo vệ để trốn tránh trách nhiệm của mình…”  

Cụ thể, dự luật nêu ra trường hợp người nhập cư bị xem là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự công cộng hoặc an ninh quốc gia”, dự trù giảm các “biện pháp bảo vệ”, cản trở việc trục xuất đối với một số người nhập cư, đặc biệt là những người đến Pháp trước 13 tuổi (như trường hợp của kẻ khủng bố ở Arras). Trong điều khoản này, bộ trưởng Nội Vụ muốn bổ sung việc rút giấy phép cư trú của những người “có tư tưởng thánh chiến cực đoan”. Dự luật cũng đề xuất gia hạn thời gian tạm giam đối với những người nằm trong danh sách “hồ sơ S” (Sureté de l’Etat), những người bị xem là có thể gây nguy hại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia .    

Chính phủ Pháp cũng muốn cải cách cơ chế nhận người tị nạn, với mục tiêu rút ngắn thời gian xét đơn, trục xuất nhanh hơn, tức là Pháp sẽ có thể đưa ra lệnh rời khỏi lãnh thổ Pháp (OQTF) ngay sau khi đơn xin tị nạn bị bác mà không cần chờ đương sự kháng cáo.  

Điều này đã bị các tổ chức phi chính phủ mạnh mẽ lên án. Lãnh đạo tổ chức France Terre d’Asile, Delphine Rouilleault, trả lời Libération, cho rằng, “nếu những điều khoản này được thông qua, nhiều người nước ngoài sẽ không có quyền được xin tị nạn theo những điều kiện được quy định trong công ước quốc tế…Bối cảnh chính trị hiện nay không có lợi cho sự hội nhập của người nước ngoài, nhất là sự đánh đồng người nước ngoài với những kẻ tội phạm ngày càng gia tăng trong các cuộc tranh luận.”  

Theo nhật báo Les Echos, hôm qua, các cuộc tranh luận sôi nổi đã nổ ra tại Thượng Viện, thể hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa hai bên tả hữu tại Pháp. Thượng nghị sĩ Muriel Jourda, báo cáo viên của dự luật nhập cư, cho rằng “chúng ta không thể nói nhập cư là một cơ hội cho nước Pháp”. Chủ tịch của nhóm nghị sĩ Những Người Cộng Hòa Bruno Retailleau thì lên án “những hỗn loạn về tình trạng di cư chỉ là khởi đầu”. Ông Retailleau cũng nêu ra tình hình tại láng giềng Đức, nơi mà thủ tướng Olaf Scholz muốn trục xuất trên diện rộng. Trong nội bộ đảng LR cũng cho thấy nhiều rạn nứt, vì nhiều nghị sĩ không về phe của ông Retailleau. Các thượng nghị sĩ cánh tả thì chỉ trích một dự luật “chưa hoàn chỉnh”, kỳ thị người nhập cư, đàn áp quá mức. 

40 năm cải cách chính sách nhập cư

Về vấn đề nhập cư, một câu hỏi hóc búa được đặt ra: nhập cư sẽ khiến Pháp được hay mất, nhất là về kinh tế ? Hồi cuối tháng 8, nhiều phương tiện truyền thông của Pháp đã đưa tin về một báo cáo của tổ chức Les Études de Contribuables associées, ước tính rằng Pháp phải chi khoảng 54 tỷ euro mỗi năm cho nhập cư. Tuy nhiên, các phương pháp thực hiện báo cáo này đã nhanh chóng bị chỉ trích vì còn quá nhiều hạn chế. Đây không phải là một nghiên cứu khoa học và chủ nhân của báo cáo cũng không phải là nhà thống kê hay nhà kinh tế, mà chỉ là nhà tư vấn về châu Phi, ủng hộ thuyết “grand remplacement” tức là người Pháp bị thay thế bởi người nhập cư. Theo đài France Info, rất khó có thể đánh giá những lợi ích hay tổn thất tài chính (do các hỗ trợ của chính phủ) từ nhập cư, ngay cả trong những báo cáo được các chuyên gia công nhận, vì không có đủ dữ liệu xác đáng.

Theo Le Point, đây không phải là lần đầu tiên mà Pháp đề xuất cải cách về luật nhập cư. Từ Đệ Nhị Thế Chiến, trung bình Pháp đưa ra cải cách để kiểm soát nhập cư hai năm một lần. Nếu tính từ năm 1980 thì đây là lần cải cách thứ 30 về vấn đề này. Nhập cư cũng là đề tài gây tranh cãi qua các kỳ tổng thống. Nicolas Sarkozy đã kêu gọi “nhập cư có chọn lọc” trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007. François Hollande thì ủng hộ “nhập cư thông minh” vào năm 2012. Cựu tổng thống François Mitterrand cũng đưa ra mục tiêu “giảm số lượng” người nhập cư ở Pháp trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 1988. Le Point liệt kê lại những nghị định, văn bản luật từ 40 năm qua, nhưng tất cả đều không thể đưa ra bất cứ giải pháp nào để kiểm soát nhập cư, khi mà số lượng giấy phép cư trú được cấp đạt mức kỉ lục, lên đến 3,7 triệu vào năm 2022. Con số này cao hơn 25 % so với năm 2017, và tăng 227 % so với năm 2009.  

Xã luận của Le Monde số ra hôm nay cho rằng chính phủ cần phải xóa bỏ hình ảnh bất lực đối với hồ sơ nhập cư, ngay cả khi tổng thống Emmanuel Macron có đề xuất mở cuộc trưng cầu dân ý về các vấn đề xã hội. Để làm được điều này thì phải xây dựng một kế hoạch có sự tham gia của tất cả các cơ quan liên quan, không chỉ riêng bộ Nội Vụ, cho phép các lao động nhập cư có thể hội nhập, đồng thời trục xuất những người nước ngoài “nguy hiểm”. Thay vì các cuộc tranh luận “không có tầm nhìn” giữa một cách hữu cuồng loạn và một cánh tả không có tiếng nói, nước Pháp cần có đường lối rõ ràng, nếu không thì sự im lặng từ phe cực hữu của Marine Le Pen có nguy cơ là bên thắng cuộc. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.