Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Tại Pháp, nghèo đói, bị phân biệt đối xử, giới trẻ vùng ngoại ô thách thức thể chế

Sau cái chết của Nahel M, bị cảnh sát bắn vì không tuân lệnh dừng xe, các cuộc bạo động nổ ra tại nhiều đô thị ở Pháp, chủ yếu là vùng ngoại ô. Nhà xã hội học François Dubet phân tích tâm lý của những người tham gia bạo động, cướp phá, chủ yếu là những người trẻ tuổi, hoặc trẻ vị thành niên, thường là đến từ những khu phố nghèo. Họ bị bỏ rơi, bị cô lập ngoài xã hội, bị phân biệt đối xử vì xuất thân, vì văn hoá hay tôn giáo.  

Những thanh niên tham gia bạo động, tấn công lực lượng an ninh ở Nanterre, ngoại ô Paris, Pháp, 29/06/2023.
Những thanh niên tham gia bạo động, tấn công lực lượng an ninh ở Nanterre, ngoại ô Paris, Pháp, 29/06/2023. AP - Michel Euler
Quảng cáo

Ông François Dubet là giáo sư danh dự tại trường đại học Bordeaux. Ông đã có nhiều nghiên cứu về mặt xã hội học trong giáo dục, hay những bất bình đẳng xã hội và cảm giác bất công. Ông là tác giả của nhiều đầu sách về xã hội học như “ La Préférence pour l’inégalité. Comprendre la crise des solidarités (Seuil, 2014), Le Temps des passions tristes. Inégalités et populisme (Seuil, 2019), Tous inégaux, tous singuliers. Repenser la solidarité (Seuil, 2022). RFI xin trích dịch bài phỏng vấn đăng trên báo Le Monde, ngày 02/07/2023 


Ông đánh giá như thế nào về vụ bạo động nổ ra tại nhiều thành phố ngoại ô ở Pháp, sau cái chết của Nanhel M. ở Nanterre, bị cảnh sát bắn vì không tuân lệnh dừng xe ?      

Mỗi một sai lầm của cảnh sát, mỗi cuộc nổi dậy tại các vùng ngoại ô đều đặc biệt, nhưng điều khiến chúng ta quan tâm đó những sự kiện này lặp đi lặp lại.     

Từ những năm 1980, khi các vụ bạo loạn xảy ra ở vùng ngoại ô Lyon, chúng ta đã biết thêm hàng chục vụ nổi loạn khác... Mỗi lần như vậy, là một hay nhiều người trẻ bị giết chết hoặc bị thương bởi cảnh sát. Mỗi lần như vậy, những thanh niên phá hoại các cơ sở công cộng trong khu phố của họ, tòa thị chính, các trung tâm văn hóa xã hội, trường học, … Mỗi lần, bạo lực tràn ngập các khu phố đó, các vụ cướp phá xảy ra cùng lúc với cuộc nổi dậy. Trong mọi trường hợp, các phụ huynh đều hiểu rằng những thanh niên phá hoại này là con cái họ. Các phụ huynh lên án bạo lực đã phá hủy khu phố của họ.     

Mỗi lần như vậy, người thì lên án bạo lực cảnh sát, sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc, lên án cái nghèo đói, người thì lên án những kẻ nhập cư và các hành động phá hoại trong xã hội. Sự bất lực của các chính trị gia cũng lặp đi lặp lại. Vào năm 2005, sự cứng rắn của ông Nicolas Sarkozy, lúc đó là bộ trưởng Nội Vụ, hay thái độ « thấu hiểu của Macron » ngày nay cũng không dập được những ngọn lửa. Điều mới mẻ duy nhất trong cuộc bạo động lần này, xảy ra ở Nanterre và những khu vực khác, đó là vai trò của mạng xã hội, và có vẻ như là một giới trẻ cực đoan.     

Những thanh niên tham gia bạo động có cảm giác là chính quyền không hoặc gần như là không có hành động nào để thay đổi khu phố nghèo kể từ đầu những năm 1980. Điều này có đúng hay không ?     

Chúng ta không thể nói rằng chính quyền không làm gì. Tại nhiều khu phố, nhà ở, cơ sở vật chất đã được cải thiện. Chính phủ đã xây dựng lại các căn hộ, phá bỏ những tòa nhà cũ kĩ, bẩn thỉu nhất, mở trường học và các cơ sở xã hội, mở thêm nhiều tuyến xe buýt… Dĩ nhiên, những điều này là chưa đủ, nhưng cũng đã góp phần cải thiện cuộc sống của người dân (…) Các chính sách của thành phố thay đổi cảnh quan nhưng không làm giảm tình trạng phân biệt sắc tộc và xã hội. Cư dân tại các khu phố gọi là « ưu tiên », hay những khu « khó khăn » thường là những người nghèo nhất, có cuộc sống bấp bênh, họ thường là những người nhập cư hoặc có nguồn gốc nhập cư. Và thông thường, các đặc điểm này được thể hiện rõ hơn theo năm tháng, tức là những người thành công nhờ có công ăn việc làm hay học hành đều rời khỏi khu phố đó, nhường chỗ cho các gia đình nghèo hơn, nhập cư, đến định cư.        

Chúng ta thường không thích nói về khu ổ chuột nhưng đó đúng là một hiện tượng « ổ chuột hóa ». Tức là, những người nghèo, những người nhập cư buộc phải sống cùng nhau, dần dần, khu ổ chuột được hình thành bên trong khu phố đó. Tại khu phố này, những cậu con trai thường học kém hơn ở trường, hơn là con gái, không có việc gì làm, tập trung ở ngoài đường. Các gia đình trở nên khép kín. Trường học và các cơ sở xã hội bị xem là những « yếu tố nước ngoài » trong khu phố đó. Bất chấp các chính sách của địa phương, hay cam kết của các nhân viên xã hội, giáo viên, các cư dân tại các khu phố nghèo này vẫn cảm thấy bị bỏ rơi, vì nguồn gốc của họ, vì văn hóa, tôn giáo, vì địa chỉ nơi sinh sống của họ. Khu phố ổ chuột đã khiến họ bị đào thải, bị giam cầm, nhưng đồng thời cũng bảo vệ họ.        

Những thanh niên tại các khu phố nghèo nói rằng mình là nạn nhân, bị phân biệt đối xử tại các cơ sở giáo dục cũng như trong việc làm. Các nhà nghiên cứu có đưa ra cùng kết luận như vậy hay không ?     

Sự phân biệt đối xử không phải là điều viển vông và có thể đo lường được. Chúng tôi biết rằng một người trẻ có xuất thân từ nước ngoài, sống trong một khu phố có tiếng là khó khăn, thì có ít cơ hội hơn khi tìm việc so với một người khác có cùng năng lực. Một cách khách quan, chúng tôi biết rằng khả năng một người tại khu phố này bị câu lưu cao hơn nhiều so với một người da trắng, thuộc tầng lớp trung lưu. Cơ hội thành công của những người này thấp hơn rất nhiều so với những người học tại các cơ sở giáo dục mà về mặt xã hội và văn hóa đa dạng hơn. Họ ít thi đua hơn, ít mối quan hệ hay ít có ủng hộ có hiệu quả từ gia đình (…)     

Liệu ngày nay chúng ta phân biệt đối xử nhiều hơn trước kia, khó có thể trả lời câu hỏi này, bởi vì trước kia, việc phân biệt đối xử được coi là hiển nhiên... Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử đã trở nên không thể dung thứ được vì quyền bình đẳng đã được củng cố, chúng ta tin rằng tất cả đều có cơ hội như nhau, vì chúng ta muốn công nhận sự bình đẳng giữa các bản sắc và các nền văn hóa. Từ quan điểm này, nam cũng như nữ trong các khu phố này, hay số ít những người có xu hướng tình dục khác,.. những người đã bị phân biệt đối xử quá lâu và không thể chịu đựng được nữa: tất cả đều nghe theo một lời hứa dân chủ không được thực hiện.        

Nếu như các cuộc bạo động này lặp đi lặp lại, liệu có phải là vì họ không tìm được lối thoát chính trị nào ?    

Chỉ riêng cuộc bạo loạn Minguettes, tại khu vực ngoại ô Lyon, đã tạo ra một phong trào phản kháng lớn, đó là cuộc tuần hành vì bình đẳng và chống phân biệt chủng tộc vào năm 1983.  Kể từ đó, không có cuộc bạo loạn nào thực sự có thể thay đổi về mặt chính trị. Mọi chuyện diễn ra như thể là các khu phố ngoại ô nằm trong một khoảng trống chính trị (…)    

Trong các nền dân chủ, các phong trào xã hội và các đảng phái chính trị có một vai trò thiết yếu: đó là chuyển hóa cảm xúc thành hành động có tổ chức, thành các yêu cầu, các dự án. Các vụ bạo loạn của giới lao động đã dẫn đến sự ra đời của các tổ chức công đoàn các đảng cánh tả.   

Các cuộc bạo loạn ở vùng ngoại ô là một vấn đề xã hội, nhưng không tạo ra thay đổi nào. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi chúng được lặp lại ít theo cách giống nhau. Khoảng trống chính trị này không chỉ liên quan đến các vùng ngoại ô. Sự tức giận của những người "Áo Vàng", rất khác so với sự tức giận của những thanh niên ở ngoại ô, họ không thể tự tạo cho mình một hình thức chính trị…    

Tại các khu phố nghèo, các dân biểu địa phương, các hiệp hội, nhân viên xã hội, hay công đoàn có tồn tại hay không ? Tại sao họ không thể chính trị hoá cơn tức giận của những cư dân này ?      

Các thị trưởng, nhà hoạt động cộng đồng, giáo viên, nhân viên xã hội hay cả các lãnh đạo Hồi giáo đã kêu gọi bình tình, chấm dứt bạo động, nhưng họ không được lắng nghe. Tất cả đều thú nhận bất lực.     

Các dân biểu không được lắng nghe và các cư dân, chủ yếu là những người trẻ, lại nghĩ rằng chính họ mới không được lắng nghe. Trải nghiệm này đã khiến những người trẻ phá huỷ tất cả những gì kết nối họ với xã hội, như thư viện, trường học, trung tâm văn hoá xã hội… Chúng ta đi từ một xã hội mà những cá nhân được xác định bởi công việc của họ, sang một xã hội mà các cá nhân bị xác định bởi cấp độ “bị bỏ rơi”. Những thanh niên này tấn công vào các biểu tượng, như biểu tượng của Nhà nước kìm kẹp họ, hay biểu tượng của một xã hội tiêu thụ, khiến họ bị nản lòng. Họ tức giận vì những bất công, trong mắt họ, không gì khác ngoài hệ thống mà cảnh sát hoá thân.      

Theo ông, những hậu quả chính trị của cuộc khủng hoảng này là gì ?      

Sự bất lực trong việc xây dựng các nhân vật chủ chốt chính trị tạo ra một cuộc khủng hoảng dân chủ. Tôi không muốn nói quá lên rằng đây là một tình huống nguy hiểm, bởi nếu các cá nhân này có cảm giác bị coi thường, không được xem trọng, thì tất cả những gì còn lại đối với họ đó là bạo lực hoặc phải tuân theo một chính quyền chuyên chế, hứa hẹn sẽ giải quyết tấn cả bằng sự cứng rắn, nghĩa là bằng bạo lực.      

Không ai "chơi trò" của ai cả, nhưng làm sao để không thấy cảnh cực hữu và một phần cánh hữu tạo dựng những luận điểm phân biệt chủng tộc, mà trong đó, vấn đề ở vùng ngoại ô trên hết là vấn đề văn hoá và quốc gia, và việc duy trì trật tự là mục đích của mọi chính sách ? Khi những hình ảnh bạo lực được loan truyền trên mạng xã hội, trên truyền hình, điều đáng lo ngại là phe cực hữu sẽ có lợi mà không cần nói quá, hoặc không làm gì.   

Làm sao để không phải chứng kiến cảnh khi cánh tả lên án phân biệt chủng tộc, bạo lực của cảnh sát, họ đề xuất cải cách hệ thống cảnh sát - điều này là quan trọng, nhưng họ lại không có sáng tạo lắm trong vấn đề ngoại ô ?  

Khi mà những vấn đề đó vẫn tồn tại, thì giới trẻ về nguyên tắc sẽ đối đầu với cảnh sát, khi xảy ra những sai lầm tiếp theo và các cuộc bạo loạn tiếp theo.    

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.