Vào nội dung chính
PHÁP - KINH TẾ - XÃ HỘI

Cải cách hưu trí Pháp : Biểu tình tác động mạnh đến ngành khách sạn nhà hàng

Ngày  28/03/2023 tại Pháp là ngày hành động thứ 10 chống cải tổ hưu trí, theo kêu gọi của giới công đoàn. Ngành dịch vụ khách sạn nhà hàng Pháp vẫn chưa phục hồi 100% trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. Các đợt biểu tình kéo dài cũng làm dấy lên nhiều nỗi lo ngại trước nguy cơ tái diễn kịch bản khủng hoảng liên quan đến phong trào áo vàng, bùng phát cách đây bốn năm (2019).

Cuộc biểu tình của sinh viên phản đối cải cách hưu trí của chính phủ Pháp, nhìn từ bên trong một quán ăn tại Paris, ngày 09/03/2023.
Cuộc biểu tình của sinh viên phản đối cải cách hưu trí của chính phủ Pháp, nhìn từ bên trong một quán ăn tại Paris, ngày 09/03/2023. AP - Christophe Ena
Quảng cáo

Trong những lần vừa qua có kêu gọi đình công và biểu tình, nhiều hàng quán tại Paris cũng như tại các thành phố khác đã buộc phải đóng cửa. Thành phần du khách nước ngoài có kế hoạch ghé thăm Pháp lần lượt hủy bỏ việc đặt phòng. Theo tuần báo Capital, trong bối cảnh đó, giới chủ nhà hàng cũng như chủ khách sạn đang lên tiếng báo động, do ngành dịch vụ này đang hứng chịu nhiều thiệt hại về mặt doanh thu.

Khách sạn nhà hàng thất thu từ 25%- 50%

Ngày 23/03 vừa qua, vào lúc đang diễn ra ngày hành động thứ 9 chống cải tổ hưu trí, tổ chức GHR (tập hợp các đại diện ngành khách sạn và nhà hàng) đã gửi thư đề nghị phủ thủ tướng Pháp thông qua các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, tránh cho các cơ sở kinh doanh bị thiệt hại vật chất. Đồng thời, bức thư cũng báo động về tình trạng mất vệ sinh công cộng, khi giới nhân viên dọn rác tiếp tục bãi việc, khiến hàng tấn rác thải tràn ngập các vỉa hè. Các vấn đề này theo ông Pascal Mousset, chủ tịch tổ chức GHR, đã khiến cho hoạt động của ngành khách sạn nhà hàng ở Paris giảm ít nhất 25%.

Theo nhà kinh tế học Marc Touati được tuần báo Capital trích dẫn, tính trung bình mỗi ngày các cuộc biểu tình, đình công làm giảm từ 10% đến 15% các hoạt động kinh tế ở cấp quốc gia. Ông Marc Touati từng sáng lập văn phòng tư vấn tài chính ACDEFI và theo ông mức thiệt hại đối với các ngành dịch vụ và các cửa hàng kinh doanh có nguy cơ cao hơn nhiều so với các lãnh vực khác.

Nói một cách nôm na, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Pháp hiện là khoảng 2.650 tỷ euro hàng năm. Khi trừ đi những ngày nghỉ cuối tuần, mỗi ngày làm việc trong năm tương đương với khoảng 10 tỷ euro. Trong bối cảnh đó, một ''ngày hành động'' có kêu gọi đình công và biểu tình làm giảm từ 10% đến 15% các hoạt động trên toàn quốc nói chung. Trong ngành kinh doanh thương mại, thất thu có thể đạt tới mức -50%. Theo dự phóng của ông Marc Touati, nền kinh tế Pháp có nguy cơ bị thiệt hại tổng cộng khoảng 15 tỷ euro sau ngày hành động thứ 10 (thiệt hại mỗi ngày trung bình là khoảng 1,5 tỷ euro).

Cũng phải thừa nhận rằng, thời kỳ đại dịch Covid-19 đã tạo nên sự phát triển của các giải pháp làm việc từ xa cũng như các phương tiện vận chuyển cá nhân (xe đạp hay trottinette) có thể thay thế cho giao thông công cộng. Về mặt lý thuyết, các biện pháp này giúp hạn chế thiệt hại khi có biểu tình và đình công. Tuy nhiên, có khá nhiều ngành nghề không thể làm việc "từ xa", đặc biệt là trong các ngành công nghiệp sản xuất hoặc các công ty chuyên phục vụ khách hàng.

Theo ông Franck Trouet, đại diện của tổ chức các ngành kinh doanh tự do ở Pháp GNI, sự kiện các nhân viên làm vệ sinh đường phố bãi công ảnh hưởng đầu tiên hết đến người dân tại chỗ. Đa số người dân Paris ít còn lui tới các quá cà phê vỉa hè hoặc đi ăn nhà hàng, ngay tại những nơi rác thải đang chồng chất trên đường phố, chưa kể tới mùi hôi bắt đầu lan rộng nhiều nơi. Tại những hàng quán này, hoạt động kinh doanh đã giảm khoảng 50%. Tỷ lệ này còn cao hơn nữa lên tới 80%, đối với các khách sạn, tiệm bánh, quán bar hoặc nhà hàng nằm ngay trên tuyến đường của các cuộc biểu tình. Đa số các chủ tiệm đều phải đóng cửa với tâm lý : thà mất doanh thu còn hơn là mở cửa buôn bán để rồi lâm vào nguy cơ cửa hàng bị đập phá.

Du khách nước ngoài hoãn các chuyến đi Pháp

Tỷ lệ đặt phòng khách sạn bị hủy bỏ cũng phản ánh cuộc khủng hoảng tại Pháp trước làn sóng phản đối cải tổ hưu trí. Theo cô Fabienne Ardouin, trưởng ban điều hành mảng khách sạn thuộc tổ chức GHR, tỷ lệ đặt phòng tại Paris và các vùng phụ cận đang trên đà giảm sút, giảm xuống 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi cuối tháng Ba đầu tháng Tư là mùa của các hội nghị và triển lãm quốc tế. Trường hợp điển hình là hội chợ triển lãm nghệ thuật thiết kế ''Paris Art Design'' tập hợp từ 29/03 đến 02/04 hơn 85 nhà thiết kế tại công viên Tuileries, ở trung tâm thủ đô Paris.

 

Nếu như các công ty design vẫn duy trì sự kiện này, thì ngược lại trong thành phần khách hàng ngoại quốc đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhiều người đã hủy bỏ chuyến đi Paris trong thời gian tới. Dù đến Pháp với mục đích công việc hay du lịch, đa số khách đều lo lắng về mặt lưu trú cũng như về phương tiện di chuyển, cho dù đình công tại Pháp trong tuần này không mạnh bằng đợt đình công tại Đức, khiến cho hầu hết các sân bay ở Đức đều đóng cửa, ngưng hoạt động.

 

Hàng quán vắng khách vì người tiêu dùng ngại đi lại

Làn sóng biểu tình phản đối chống cải tổ hưu trí gây ra xáo trộn xã hội trên nhiều phương diện. Về mặt văn hóa, các cơ sở lớn như lâu đài Versailles hay viện vảo tàng Louvres đã đóng cửa trọn ngày  23/03 vừa qua. Tại các công sở, thành phần nhân viên ở xa tới văn phòng bằng xe hơi cũng phải chuẩn bị tinh thần, đối phó với trường hợp các trạm xăng bị cạn nhiên liệu (do không được tiếp tế kịp thời). Riêng trong ngày hành động 23/03 vừa qua, có khoảng 20% các trạm xăng tại Pháp bị thiếu hụt nhiên liệu. 

 

Tình trạng khan hiếm xăng dầu lại càng nặng nề hơn (lên tới 40%) ở các tỉnh miền tây nước Pháp như hai vùng Bretagne và vùng Pays de la Loire. Nguy cơ thiếu nhiên liệu khiến cho người tiêu dùng có tâm lý mua xăng dự trữ. Tại các tỉnh thành, nỗi sợ xe đang chạy lại hết xăng thúc đẩy nhiều hộ gia đình hạn chế việc đi lại bằng xe hơi. Họ chỉ dùng xe khi cần thiết, các siêu thị ít bị ảnh hưởng trong khi các rạp chiếu phim hay quán ăn lại dễ bị mất khách.

 

Tại các thành phố như Le Havre, Nantes, Rennes, Angoulême ….. khá nhiều vùng đô thị đều phải đối mặt với tình huống này. Các hàng quán không nằm trong khu vực trung tâm thành phố trở thành những nạn nhân đầu tiên khi khách hàng bắt đầu lo ngại chuyện đi lại. Ngay cả khi không có biểu tình, các hàng quán cũng bị mất khách, hoạt động kinh doanh giảm hẳn vào giờ ăn trưa chỉ vì khách hàng có tâm lý hạn chế việc dùng xe cộ, tiết kiệm xăng dầu.

 

Xáo trộn về mặt giao thông, rác thải ngổn ngang trên đường phố không được dọn dẹp, dân Pháp hạn chế việc di chuyển trong khi khách nước ngoài hoãn lại các kế hoạch tham quan. Viễn cảnh đối vói ngành khách sạn nhà hàng, thật sự không được sáng sủa, nhất là khi chỉ còn 10 ngày nữa là đến kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, một trong những mùa kinh doanh khấm khá của ngành du lịch tại Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.