Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Pháp: 170 năm thành lập tủ sách Từ điển Larousse

Nếu ra đời ở thế kỷ XXI, ông Pierre Larousse, người đã khai sinh quyển Từ điển Larousse, chắc sẽ tham gia vào cuộc phiêu lưu trên mạng của Wikipedia. Bách khoa toàn thư trực tuyến đa ngôn ngữ thực sự khai thác sáng kiến tiên phong mà Pierre Larousse đã có cách đây gần hai thế kỷ. Thật vậy, ông đã dồn mọi nỗ lực tâm huyết để thực hiện giấc mơ của một đời người : lập ra một bộ bách khoa toàn thư tiếng Pháp dễ hiểu để giải thích mọi thứ cho mọi người.

Trang bìa từ điển Le Petit Larousse, ấn bản 2022.
Trang bìa từ điển Le Petit Larousse, ấn bản 2022. © Petit Larousse
Quảng cáo

Ấn bản mới của quyển từ điển Larousse vừa được phát hành trong tuần qua (15/06/2022) gồm hơn 64.000 từ và khoảng 28.000 danh từ riêng. Năm 2022 đánh dấu đúng 170 năm ngày thành lập nhà xuất bản mà ban đầu mang tên Larousse và Boyer. Ấn bản đầu tiên của quyển từ điển Larousse, dưới dạng mà công chúng Pháp thường biết đến, xuất hiện vào năm 1906. Từ điển có bìa dày, gồm hai phân mục ngôn ngữ và tên riêng in trên trang trắng được xen kẽ ở giữa với nhiều trang màu hồng dành cho các tục ngữ Pháp và thành ngữ La Tinh. Quyển này thật ra là phiên bản bổ sung và hoàn chỉnh của quyển ''Nouveau Dictionnaire de la Langue francaise'' (Tân từ điển Pháp ngữ / Từ điển mới tiếng Pháp) phát hành vào năm 1856, vào thời bấy giờ là ấn phẩm ăn khách nhất của tủ sách Larousse.

1852-2022 : Người khai sinh tủ sách Larousse là ai ?

Thật ra tham vọng của Pierre Larousse đã có từ năm 1852, tức cách đây đúng 170 năm, khi ông quyết định cùng với một người bạn đồng hương là Pierre-Augustin Boyer thành lập Nhà sách Larousse và Boyer ở Paris, sau này trở thành Nhà xuất bản Larousse. Ngoài các quyển từ điển, nhà xuất bản còn in nhiều dòng sản phẩm khác, kể cả các tạp chí thường kỳ, các nguyệt san văn học, các tiểu luận nghiên cứu về từ vựng hay ngôn ngữ học. Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất trong đời ông Pierre Larousse vẫn là quyển ''Le Grand Dictionnaire universel du XIX siècle'' (Đại từ điển phổ quát của thế kỷ XIX) để rồi sau đó cho ra đời quyển ''Petit Larousse Illustré'' là một dạng từ điển bách khoa thu nhỏ, kèm theo nhiều hình ảnh minh họa.

Sinh trưởng tại làng Toucy, nằm gần thành phố Auxerre, cách thủ đô Paris khoảng 150 cây số về phía Nam, ông Pierre Larousse (1817-1875) xuất thân từ một gia đình khiêm tốn, bố làm nghề thợ rèn, mẹ là chủ quán trọ. Thời còn nhỏ ông rất mê đọc sách, nhưng trường làng còn nghèo cho nên không có thư viện. Cũng may cho ông là quán trọ gia đình là nơi mà giới bán hàng rong thường tạm dừng chân, cậu bé Pierre ngấu nghiến tất cả những quyển sách mà mẹ mua cho, trong đó có bản dịch tiếng Pháp của quyển tiểu thuyết ''Những chuyến phiêu lưu kỳ thú của Robinson Crusoe'' của nhà văn người Anh Daniel Defoe (xuất bản lần đầu tiên vào năm 1719). Từ đó, tương lai của ông như được định sẵn, Pierre Larousse chọn nghề dạy học, vì trong mắt ông, truyền đạt kiến thức là cái nghề ''cao quý'' nhất trong đời.

Năm 17 tuổi, Pierre Larousse nhận học bổng nhờ đậu điểm cao nhân cuộc thi tại Trường Sư phạm sơ cấp Versailles, chuyên đào tạo các giáo viên tiểu học. Bằng này do ông François Guizot, bộ trưởng ngành giáo dục công lập (dưới thời vua Louis-Philippe 1830-1848,) tạo ra để phát triển hệ thống giảng dạy vùng sâu vùng xa. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về nguyên quán làm thầy giáo trường làng. Nhưng không lâu sau đó, ông lại bỏ dạy lên Paris học tiếp, phương pháp dạy học ở trường làng quá rập khuôn luôn bắt học sinh phải thuộc lòng như con vẹt, trong khi nội dung sách giáo khoa lại lỗi thời do ít được cập nhật.

Đặt chân đến Paris năm 23 tuổi, Pierre Larousse thuê một căn hộ ở khu phố La Tinh, theo học các lớp miễn phí ở đại học Sorbonne, trường kỹ sư Arts et Métiers, hay trường cao đẳng Collège de France. Ông thu thập những bản ghi chép rồi đem về nhà nghiên cứu thêm. Theo học các lớp miễn phí như vậy, ông không được bằng cấp gì vì không qua các đợt thi cử. Pierre Larousse là người có năng khiếu tự học, tự trau giồi để tích lũy kiến thức uyên bác.

Trong vòng ba năm từ 1848 đến 1851, Pierre Larousse được nhận làm giáo viên trường nội trú Jauffret. Nhà văn Edmond About, thời bấy giờ là học trò của ông, từng mô tả  thầy Larousse là một người lầm lì ít nói, nhưng đằng sau cái dáng vẻ hơi lạnh lùng ấy lại là một con người đầy nhiệt huyết, một tâm hồn khao khát thay đổi hệ thống sư phạm. Trong một xã hội còn nhiều khuôn phép, ước mơ xuất bản một cuốn từ điển bách khoa phổ thông dành cho mọi người lại hàm chứa một ý tưởng táo bạo, khuynh đảo lối suy nghĩ của các bậc giáo sư thời bấy giờ.

''Thủ thư'' chuyên khai quật các kho sách trong thư viện

Đó là giai đoạn mà Pierre Larousse được giới học trò mệnh danh là ''thủ thư'', người coi giữ sách tại thư viện, vì mỗi lần được rãnh rỗi, ông đều vào trong các thư viện ở Paris, ngồi cả ngày để ngấu nghiến sách, xem thư mục lưu trữ để đào bới các tác phẩm cần tham khảo. Việc thu thập các tài liệu kéo dài trong nhiều năm liền, dẫn đến sau đó công trình của cả một đời người : bộ từ điển bách khoa toàn thư mang tên Larousse.

Vào năm 1849, Pierre Larousse (lúc ấy 32 tuổi) cho phát hành quyển sách giáo khoa đầu tiên do ông biên soạn với tựa đề "La Lexicologie des écoles publiques" (Quyển từ vựng dành cho trường công) với mục đích dạy học sinh chính tả, cách làm bài luận, phân biệt văn nói và văn viết. Từ năm 1852 trở đi, sau khi thành lập nhà sách Larousse và Boyer, hầu hết các sách giáo khoa của ông đều bán rất chạy, trong số này có ''Petite Encyclopédie du jeune âge'' (Tiểu Từ điển bách khoa cho tuổi thơ-1852), Sách hướng dẫn học sinh (1853) hay Sách hướng dẫn giáo viên (1854).

Dựa vào những nguyên tắc sư phạm hiện đại hơn, Pierre Larousse đã góp phần tích cực vào việc cập nhật các phương pháp giảng dạy tiếng Pháp, khuyến khích khả năng suy đoán, phán xét của học sinh, thay vì chỉ học thuộc lòng, trang bị kiến thức cho trẻ nhỏ qua những phương pháp sinh động và lôi cuốn hơn, trong đó việc minh họa các bộ từ điển là một vế quan trọng. Trong vòng một thời gian dài, ông đấu tranh bảo vệ nguyên tắc giáo dục miễn phí, các lớp học bắt buộc đối với cấp tiểu học, đeo đuổi phương châm duy nhất : tiến bộ chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó phục vụ cho đại đa số.

''Petit Larousse illustré'' biểu tượng văn hóa đại chúng

Vào năm 1856, khi xuất bản quyển ''Từ điển tiếng Pháp mới'', một ấn phẩm chỉ gồm 714 trang, nhưng lại chắt lọc thu gọn tất cả những gì mà Pierre Larousse phát huy mạnh mẽ sau đó. Quyển từ điển này đã gặt hái được nhiều thành công, là tiền thân thực sự của ''Petit Larousse illustré'' mà hầu như bao thế hệ học tiếng Pháp đều từng nhìn qua một lần. Quyển sách đi vào dòng văn hóa đại chúng, khi Larousse từ một danh từ riêng trở nên đồng nghĩa với từ điển.

Nhưng Pierre Larousse đã ấp ủ từ lâu trong tâm trí một dự án khác quan trọng và đồ sộ hơn, đó là quyển ''Grand Dictionnaire universel du XIXe siècle'' (Đại từ điển phổ quát thế kỷ XIX), một bộ bách khoa toàn thư giống như bộ toàn tập của Diderot hay của Alembert. Dự án này trở thành hiện thực vào cuối năm 1863 với việc xuất bản tập đầu tiên của bộ "Đại từ điển", một công trình của một nhà sư phạm có tư tưởng tiến bộ, đeo đuổi sự công bằng và tự do.

Bộ từ điển thường được gọi tắt là ''Larousse du XIXe'' (Larousse của thế kỷ XIX) được xuất bản từ năm 1866 đến năm 1890, gồm tổng cộng là 17 tập, mỗi tập dày hơn 1.500 trang. Tuy nhiên, do làm việc cật lực ngày đêm, Pierre Larousse dần bị kiệt sức mà vẫn không hết việc. Bị liệt bán thân sau cơn đột quỵ đầu tiên, ông Pierre Larousse sau đó đột ngột qua đời đầu tháng Giêng năm 1875, ở tuổi 57. Ông ra đi quá sớm nên không kịp chứng kiến phần cuối công trình đồ sộ của mình. Cháu ông là Jules Hollier-Larousse đã tiếp nối công trình này để hoàn thành bộ từ điển bách khoa. Vào năm 1876, đúng một năm sau khi ông qua đời, nhà xuất bản Larousse lần lượt phát hành tập thứ 15 và sau đó nữa là hai tập bổ sung cuối cùng cho bộ Đại Từ điển Larousse. Tính tổng cộng có 17 tập in trong khổ "in quarto". Pierre Larousse ra đi để lại một sự nghiệp đồ sộ gồm 524 ấn phẩm và gần 25.000 trang sách in.

Cho dù giới trẻ ở Pháp thời nay có xu hướng tìm kiếm mọi thứ trên mạng thay vì phải tra từ điển in bằng giấy, quyển Larousse vẫn tồn tại hầu như trong mỗi tủ sách gia đình, tại các thư viện trường học. Giới yêu chuộng các trò chơi ghép chữ như Scrabble hay đoán chữ như Wordle (phiên bản tiếng Pháp) đều cần có một quyển Larousse (hoặc là từ điển Petit Robert) ở bên cạnh. Mỗi lần đi tìm định nghĩa câu chữ, người Pháp bây giờ ít còn nói ''hãy tra từ điển mà xem'', mà lại thường dùng câu ''hãy xem Larousse nói gì nào''.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.