Vào nội dung chính
PHÁP - PHỤ NỮ - BÌNH ĐẲNG

Ngày 08/03 : Phụ nữ Pháp xuống đường đòi bình đẳng

Nhiều cuộc tuần hành lớn trên khắp nước Pháp dự kiến diễn ra Ngày Quốc Tế Phụ nữ 08/03 theo lời kêu gọi của khoảng 60 hiệp hội và chính đảng để đòi « bình đẳng », « chống bạo lực giới ». Tại thủ đô Paris có khoảng 10.000 người tham gia tuần hành từ Ga Bắc (Gare du Nord, quận 10) đến bệnh viện Tenon (quận 20).

Tuần hành tại Paris trong ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03/2018. Người biểu tình mang biểu ngữ : "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, tại nơi làm việc cũng như trên đường".
Tuần hành tại Paris trong ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03/2018. Người biểu tình mang biểu ngữ : "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, tại nơi làm việc cũng như trên đường". GEOFFROY VAN DER HASSELT / AFP
Quảng cáo

Theo AFP, trong ngày được gọi là « đình công của phụ nữ », những lời yêu cầu còn là những lời chỉ trích chính sách của chính phủ mãn nhiệm. Giới đấu tranh cho rằng 5 năm nhiệm kỳ của tổng thống Macron là « 5 năm thất bại » trong cuộc chiến chống bất bình đẳng giới. Chính thủ tướng Jean Castex cũng thừa nhận rằng « còn rất nhiều việc phải làm » nhưng theo ông, ít nhất chính phủ đã đưa ra công luận một chủ đề vẫn bị giấu kín.

Ba ứng cử viên tổng thống Pháp, gồm ông Yannick Jadot (đảng Xanh), ông Fabien Roussel (đảng Cộng Sản) và bà Anne Hidalgo (đô trước Paris, đảng Xã Hội), tham gia đoàn tuần hành ở Paris. Cả ba chính trị gia này muốn lập riêng một bộ về quyền của phụ nữ với ngân sách khoảng 1 tỉ euro để chống tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Đảng Nước Pháp Bất Khuất cũng cử một phái đoàn, do dân biểu Clémentine Autain đứng đầu, tham gia cuộc tuần hành.

Theo thống kê ngày 08/03 của Urssaf, phụ nữ Pháp có thu nhập thấp hơn nam giới khoảng 22,3% trong lĩnh vực tư nhân (không kể nông nghiệp). Một phần ba của khoảng cách này được giải thích qua việc phụ nữ làm việc ít thời gian hơn nam giới, khoảng 57,4% phụ nữ có hợp đồng ngắn hạn và chỉ có 42,5% được ký hợp đồng vô thời hạn.

Ngoài ra, phụ nữ có thai hoặc trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản thường trở thành nạn nhân của tình trạng phân biệt tại nơi làm việc. Do đó, ngày 07/02, hội Người Bảo vệ các quyền (La Défenseure des droits) đã công bố một « bản hướng dẫn tư pháp » để giúp phụ nữ nắm được những quyền lợi và luật pháp bảo vệ họ.

Một bất cập khác, bị các nhà đấu tranh lên án, là « thiếu sót của cảnh sát trong việc bảo vệ nạn nhân bạo lực », chủ yếu là phụ nữ. Khoảng 60% phụ nữ cho biết từng bị phân biệt, qua hành động hoặc lời nói, trên đường phố hoặc trong phương tiện giao thông, 46% chịu tình trạng này ở nơi làm việc và 43% là trong gia đình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.