Vào nội dung chính
HỘI CHƠ RƯỢU VANG PHÁP

Pháp : Hội chợ Rượu Vinexpo mở lại sau hai năm ngưng hoạt động

Sau hai năm bị hủy bỏ do đại dịch Covid-19, cuối cùng Hội chợ quốc tế Rượu vang Vinexpo Paris đón khách trở lại tại Cung triển lãm Porte de Versailles trong ba ngày kể từ 14/02 đến 16/02/2022. Năm nay, hội chợ đổi tên thành ''Paris Wine & Vinexpo'' cũng như hội chợ Vinexpo ở Bordeaux trở thành Tuần lễ rượu vang ''Bordeaux Wine Week''. Tên gọi của các sự kiện này được Anh hóa chủ yếu nhằm thu hút thêm các đối tác và khách hàng quốc tế.

Gia, hàng rượu vang Bourgogne tại hội chợ Vinexpo,  Paris  ngày 10/02/2020.
Gia, hàng rượu vang Bourgogne tại hội chợ Vinexpo, Paris ngày 10/02/2020. AP - Michel Euler
Quảng cáo

Sự kiện Paris Wine & Vinexpo được mở lại là một tin vui đối với ngành sản xuất và phân phối trong bối cảnh lượng xuất khẩu rượu đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Tuy số ca nhiễm biến thể Omicron vẫn còn cao tại Paris và các vùng phụ cận, nhưng theo ông Rodolphe Lameyse, giám đốc công ty Vinexposium (chuyên tổ chức các hội chợ rượu vang trên toàn nước Pháp) mọi nỗ lực sẽ được thực hiện nhằm đảm bảo sự an toàn của khách tham quan và các nhà triển lãm.

Theo dự đoán của ban tổ chức, Paris Wine & Vinexpo trong ba ngày sẽ tiếp đón 20.000 lượt khách tham dự trong ba ngày. Hội chợ rượu Paris cũng hy vọng thu hút được thêm nhiều bạn hàng quốc tế trong bối cảnh Hội chợ rượu vang ProWein của Đức dự trù diễn ra vào tháng 03/2022 tại thành phố Düsseldorf đã bị dời sang trung tuần tháng 05/2022 (từ 15 đến 17/05). Quyết định này cũng tác động dây chuyền đến Hội chợ rượu vang Luân Đôn. Ban đầu được dự trù sớm hơn nhưng rốt cuộc London Wine Fair cũng bị lùi lại cho đến đầu tháng 06/2022 (từ ngày 07 đến 09/06).

Paris Wine & Vinexpo mở lại trong bối cảnh thuận lợi hơn

Kể từ khi mở dịch vụ trực tuyến cách đây một tháng, ban tổ chức Paris Wine & Vinexpo đã nhận được khá nhiều đơn đăng ký từ khắp châu Âu gửi về. Hẳn chắc phiên bản 2022 của hội chợ quốc tế rượu vang tại Paris vẫn còn thiếu vắng một số khách hàng quan trọng đến từ châu Á, các công ty phân phối cho thị trường khổng lồ này cũng đã hạn chế việc cử đại diện sang Paris, vào lúc Trung Quốc, Hồng Kông hay Singapore vẫn còn hạn chế xuất nhập cảnh. Mặc dù còn bị ràng buộc, nhưng Paris Wine & Vinexpo 2022 vẫn có nhiều triển vọng thành công. Hiện giờ, 95% các quầy triển lãm dành cho các nhà sản xuất hay phân phối rượu vang đã có chủ.

Nhìn vào danh sách những người tham gia hội chợ năm nay, có hơn 2.800 nhà triển lãm đến từ 25 quốc gia. Dĩ nhiên nước Pháp năm nay sẽ có khá nhiều công ty đại diện phần lớn, nhưng một số quốc gia châu Âu khác nổi tiếng nhờ xuất khẩu rượu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng sẽ hiện diện đông đảo. Nước Ý năm nay cũng có một đội ngũ hùng hậu với sự tham gia của nhiều nhà triển lãm, ngoài các vùng truyền thống, còn có một số đại diện mới cho các khu vực sản xuất  (Cesari, Capineto, Tenuto Casenuove ..... ) muốn chen chân vào thị trường xuất khẩu rượu vang.

Về phía các nhà sản xuất và phân phối rượu mạnh, các công ty này củng cố vị trí quan trọng trên thị trường với hơn 120 nhà triển lãm, trong đó có hơn một phần ba là các công ty đến từ nước ngoài, chủ yếu là Anh, Ailen và Hoa Kỳ. Hội chợ Paris Wine & Vinexpo năm nay cũng mở thêm một số sinh hoạt mới. Ban tổ chức đã bắt tay hợp tác với hàng trăm nhà hàng và quán bar ở Paris, để mở thêm vào buổi tối nhiều sự kiện ẩm thực ''accords mets & vins'' (tiếng Anh là wine pairing) dùng rượu sao cho hợp với món ăn. Sau giờ đóng cửa, hội chợ vẫn được duy trì thông qua các sự kiện này mang tính liên hoan lễ hội vào buổi tối, nhiều thực đơn và rượu pha cocktail sẽ được giới thiệu nhân dịp này và nhất là đêm sinh hoạt đầu tiên của Paris Wine & Vinexpo lại rơi đúng vào mùa lễ tình yêu 14/02/2022 Saint Valentin (Valentine's Day).

Có thể nói là sau hai năm bị gián đoạn, Paris Wine & Vinexpo mở cửa đón khách trở lại trong một bối cảnh kinh tế thuận lợi hơn. Có nhiều dấu hiệu cho thấy điều này. Hồi đầu tháng 02/2022, ngành sản xuất rượu Champagne (sâm banh) cũng như liên đoàn ngành chế biến rươu mạnh Cognac đều cho biết lượng xuất khẩu trong năm 2021 đã tìm lại mức kỷ lục của năm 2019, trước khi có đại dịch Covid-19.

5,5 tỷ euro : Ngành Champagne tìm lại doanh thu kỷ lục

Thật vậy trong năm vừa qua, ngành sản xuất Champagne tính tổng cộng đã xuất khẩu được 322 triệu chai, tăng 32% so với năm 2020. Theo ông Jean-Marie Barillère, đồng chủ tịch Ủy ban các nhà sản xuất Champagne, nếu như năm 2020 là một năm đại họa đối với ngành này, thì năm 2021 có vẻ tươi sáng hơn nhiều. Doanh thu xuất khẩu trong năm 2021 đạt tới mức kỷ lục là 5 tỷ rưỡi euro, bù đắp lại phần nào cho các khoản thất thu của năm 2020. Nhờ vào thành công này, mức xuất khẩu dần dần tìm lại đà tăng trưởng của thời kỳ trước khi có đại dịch, với doanh thu thường niên dao động ở mức 5 tỷ euro mỗi năm, tương đương với 300 triệu chai Champagne được bán ra nước ngoài.

Đà hồi phục này một phần cũng nhờ mức tiêu thụ gia tăng trên thị trường nội địa của Pháp. Theo ông Maxime Toubart, chủ tịch Liên đoàn các nhà trồng nho vùng Champagne, trong năm 2020, việc đóng cửa nhiều hàng quán tại Pháp cộng thêm việc hủy bỏ hàng loạt sự kiện, triển lãm hay hội chợ quốc tế đã ảnh hưởng mạnh đến lượng tiêu thụ. Doanh thu ngành Champagne vì thế đã giảm gần một phần năm (-18%).

Nhờ vào nhiều đợt khuyến mại cũng như dịch vụ bán và giao hàng trực tuyến, ngành Champagne gỡ gạc được phần nào số doanh thu. Sức mua của người tiêu dùng giúp cho thị trường Pháp tăng 25% trong năm qua với gần 142 triệu chai và nhờ vậy tìm lại được mức tiêu thụ ''bình thường'' của năm 2019, cho dù việc tổ chức các liên hoan hay sự kiện lớn còn vướng phải nhiều điều kiện ràng buộc, hạn chế.

Một cách tương tự, ngành chế biến Cognac trong năm qua chẳng những được phục hồi mà còn có doanh thu xuất khẩu vượt trội. Trong năm 2021, doanh thu ngành Cognac đã thực hiện một bước nhảy vọt, tăng gần 31% về mặt kim ngạch xuất khẩu (tăng gần 17% tính theo thể tích). Theo ông Christophe Veral, trưởng văn phòng các nghiệp đoàn Cognac (gọi tắt là BNIC), ngành này bội thu là nhờ vào xuất khẩu mạnh mẽ và chưa bao giờ nhu cầu tiêu thụ Cognac lại nhiều như bây giờ. Trong năm 2021, Pháp đã bán hơn 223 triệu chai Cognac ra toàn thế giới, thu về hơn 3,6 tỷ euro, tức đã tăng thêm 2% so với năm 2019, trước khi có cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Trong khi vào năm 2020, mức xuất khẩu của Pháp đã giảm gần một phần tư (24%).

Cognac : Thị trường đầy tiềm năng nằm ngay trước mắt

Trong số các quốc gia chuyên nhập khẩu Cognac của Pháp, Hoa Kỳ vẫn đứng đầu với 115 triệu chai được mua vào năm ngoái, tức tăng thêm 11,1% so với năm 2020. Mức tiêu thụ tại Trung Quốc, thị trường xuất khẩu thứ nhì của Pháp cũng rất cao, tăng gần 56%, tương đương với 34 triệu chai Cognac được bán trong một năm. Tại một số quốc gia khác, doanh thu ngành Cognac phát triển mạnh hơn 20% trên các "thị trường mới" chẳng hạn như Nam Phi và Nigeria, trong khi mức tăng này là khoảng 8% tại các nước châu Âu vốn có truyền thống nhập khẩu Cognac từ lâu cũng như các loại rượu mạnh của Pháp.

Song song với việc xuất khẩu, ngành Cognac còn bội thu nhờ vào sự quan tâm của người tiêu dùng nội địa. Trên thị trường Pháp, trong vòng nhiều thập niên, giới trẻ không màng đến các loại rượu mạnh còn được gọi là digestif, uống sau bữa ăn để dễ tiêu hóa. Những trong thời gian gần đây, người tiêu dùng Pháp lại quan tâm nhiều hơn đến Cognac, Whisky, Bourbon hay Calva chủ yếu cũng vì các loại rượu này được dùng để pha chế cocktail.

Điều đó giải thích vì sao tại Pháp, ngành Cognac đã tăng thêm 24,4% trong năm qua và đã đến lúc giới chuyên ngành tính đến chuyện khai thác thêm thị trường nội địa, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu như trước kia (97% Cognac của Pháp dành để bán ra nước ngoài). Trước hiện tượng này, nhiều ý kiến cho rằng ''vùng đất màu mỡ'' của ngành sản xuất Cognac tại Pháp không ở đâu xa mà lại nằm ngay trước mắt. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.