Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Pháp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Molière

Tuy không hẹn, nhưng vào hôm thứ Bảy 15/01/2022, hàng trăm rạp chiếu phim trên khắp nước Pháp đồng loạt trình chiếu trên màn ảnh lớn vở kịch ''Le Tartuffe'' vào lúc 8 giờ tối (giờ Paris). Đây là một trong những sự kiện nổi bật hàng đầu, khai mạc chương trình kỷ niệm 400 năm ngày sinh của kịch tác gia Jean-Baptiste Poquelin (1622-1673), nổi tiếng trên khắp thế giới với nghệ danh Molière.

Ảnh tư liệu: Tượng bán thân kịch tác gia Molière tại nhà hát quốc gia Comédie Française ở Paris (Pháp). Ảnh chụp ngày 14/12/2021.
Ảnh tư liệu: Tượng bán thân kịch tác gia Molière tại nhà hát quốc gia Comédie Française ở Paris (Pháp). Ảnh chụp ngày 14/12/2021. BERTRAND GUAY AFP/File
Quảng cáo

Vở hài kịch ''Le Tartuffe'' còn có tiểu tựa là ''L'Imposteur'' (Kẻ mạo danh) là một trong những sáng tác thành công nhất của Molière. Tác phẩm này nay được diễn bởi đoàn kịch quốc gia tại nhà hát Comédie Française vào buổi tối 15/01, nhưng không phải ai cũng có may mắn được đến trung tâm thủ đô Paris để xem kịch trực tiếp. Tranh thủ cơ hội này, 200 rạp chiếu phim trên toàn nước Pháp trong đó có các chuỗi rạp hát Pathé, Gaumont, Kinepolis, Megarama, Cinéville cùng với một số nhà phân phối độc lập đều dành riêng suất phim 8 giờ tối để công chiếu trực tiếp vở kịch được diễn tại nhà hát quốc gia. 

Tái tạo trên sân khấu các tác phẩm của Molière 

Đây là một phiên bản chưa từng được phổ biến với giới yêu kịch nói riêng, công chúng Pháp nói chung. Sở dĩ khán giả thời nay chưa được xem phiên bản này là vì tác phẩm ''Le Tartuffe'' đã bị kiểm duyệt vào năm 1664, ngay sau buổi biểu diễn đầu tiên cho nhà vua Louis XIV. Nội dung tác phẩm chạm vào một chủ đề nhạy cảm, Tartuffe đả kích thói đạo đức giả của một số ''thầy tu'' (theo học thuyết jansénisme thịnh hành vào thế kỷ XVII tại Pháp), đằng sau dáng vẻ nhân từ hiền hậu, họ lại chuyên lạm dụng lòng tin của những kẻ sùng đạo. Ngôn từ trào phúng của Molière khiến các chức sắc tôn giáo phẫn nộ, cho rằng tác phẩm này chỉ trích toàn bộ Giáo Hội. 

Kết quả là vở kịch này đã bị cấm diễn trong vòng 5 năm. Kịch tác gia buộc phải chỉnh sửa và viết lại ''Le Tartuffe'' đến ba lần, cho tới mùa xuân năm 1669, tác phẩm của ông mới thành công trên sân khấu của nhà hát Palais-Royal. Gần 4 thế kỷ sau, vở kịch được tái tạo trên sân khấu nhờ vào công nghiên cứu của học giả Georges Forestier (71 tuổi), giáo sư đại học Sorbonne và cũng là chuyên gia Pháp nổi tiếng nhất hiện thời về kịch Molière nói riêng và trường phái kịch thoại thế kỷ XVII của Pháp nói chung, thay đổi cách tiếp cận với các tác phẩm kinh điển thuộc dạng chính kịch và bi kịch của Corneille (1606-1684) và Racine (1639-1699). 

Nói cách khác, ''Le Tartuffe'' đã được biểu diễn hàng ngàn lần, nhưng đây lại là lần đầu tiên, vào hôm 15/01/2022, khán giả mới được dịp xem phiên bản gốc (trước khi có cắt xén chỉnh sửa). Bản gốc tương đối ngắn hơn, bao gồm ba chương thay vì năm chương. Về mặt thực hiện, đạo diễn người Bỉ Ivo van Hove đã triệu tập trên cùng một sân khấu các diễn viên Pháp nổi tiếng như Dominique Blanc, Marina Hands, Denis Podalydès, Christophe Montenez… điểm chung vẫn là trước khi trở thành những diễn viên điện ảnh nổi tiếng, họ đều từng được đào tạo tại đoàn kịch quốc gia Comédie-Française. Bản gốc của "Le Tartuffe'' được diễn liên tục tại Paris trong hơn ba tháng từ ngày 15/01 cho đến 24/04/2022. Nhiều tác phẩm khác của Molière sẽ lần lượt được giới thiệu trong năm nay trong khuôn khổ chương trình hợp tác ''La Comédie Française au Cinéma'' nhằm giới thiệu rộng rãi các vở kịch thông qua các rạp chiếu phim. 

Tiếng Pháp đồng nghĩa với ngôn ngữ của Molière 

400 năm ngày sinh của Molière cũng là dịp để cho khán giả Pháp xem lại các vở kịch nổi tiếng của tác giả này, trong đó có "Don Juan'', ''Le Misanthrope'' (Kẻ ghét đời), ''Les Femmes savantes'' (Những phụ nữ thông thái)… ngoài ra còn có các tác phẩm thường xuyên được đưa vào trong chương trình giảng dạy tại Pháp, từng được học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) dịch sang tiếng Việt như ''L'Avare'' (Lão hà tiện), ''Le Bourgeois gentilhomme'' (Trưởng giả học làm sang), ''Le Malade Imaginaire'' (Kẻ mắc bệnh tưởng tượng)… Hầu hết các vở kịch ở đây đều được đưa vào chương trình biểu diễn của các liên hoan nói riêng các nhà hát lớn nói chung.

Chương trình kỷ niệm ''Molière 400'' tạo thêm cơ hội giới nghệ sĩ thời nay gợi hứng sáng tác từ bậc tiền nhân, đó là trường hợp của tác phẩm đối chiếu sự nghiệp sáng tác kịch của Molière với dòng nhạc của Lully, do cả hai tên tuổi này đều từng thành công sáng tác dưới triều vua Louis XIV. Bên cạnh đó còn có tác phẩm mới của Julie Deliquet, gợi hứng từ tác phẩm ''L'École des Femmes'' để tạo ra những khúc biến tấu với nội dung trớ trêu, bi hài lồng vào bối cảnh xã hội thời đại.

Song song với màn diễn kịch, năm 2022 cũng là năm của nhiều cuộc triển lãm lớn. Đại sảnh Richelieu tại Nhà hát quốc gia sẽ trưng bày gần hai trăm bức tranh chân dung của Molière. Nhiều cuộc triển lãm khác với sự hợp tác của nhà hát Opéra de Paris và Thư viện quốc gia Pháp sẽ trưng bày nhiều tài liệu (1922) từ bản thảo, tranh phác họa bút chì, tranh màu nước cho tới các bức nhiếp ảnh gần đây hơn để cho thấy quá trình dàn dựng các hoạt cảnh và sự hình thành các tác phẩm Molière trên sân khấu. Ngoài ra, còn có triển lãm về trang phục, âm thanh và hình ảnh, các tài liệu video hiện đang được lưu trữ tại trung tâm quốc gia nghệ thuật biểu diễn (CNCS) tại Moulins. 

Molière : tác phẩm quen thuộc, con người bí ẩn 

Bốn thế kỷ sau ngày ra đời, các tác phẩm của Molière đã trở nên quen thuộc với công chúng Pháp, nhưng cuộc đời của nhân vật này vẫn còn khá nhiều nét bí ẩn, phần lớn cũng vì ông đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, nhưng lại có ít văn bản xác thực liên quan tới đời tư của ông. Xuất thân từ một gia đình trung lưu khá giả, Molière mồ côi mẹ từ năm lên 10. Bản thân ông đến khi lập gia đình, có 4 người con nhưng đa số đều chết yểu. Đứa con gái duy nhất còn sống Esprit-Madeleine, sau đó lại đánh mất hầu hết các bản thảo của thân phụ cũng như quyển tiểu sử đầu tiên về Molière được xuất bản vào năm 1705, tức khoảng ba thập niên sau ngày ông mất. Nói tóm lại, khi ông qua đời, Molière ngoài các vở kịch của mình đã không để lại bất cứ một văn bản nào khác, kể cả thư từ, nhật ký hay sổ tay cá nhân ghi nhớ những điều cần phải làm trong ngày. 

Lúc sinh tiền, trước khi trở thành một tác giả được vua Louis XIV yêu thích, ban thưởng nhiều ân huệ, Molière từng là một diễn viên bị sạt nghiệp, nợ nần chồng chất đến nổi phải ngồi tù. Sau khi ký bản hợp đồng có công chứng vào năm 1643 nhằm thành lập đoàn kịch đầu tiên, Molière đã mất hơn 15 năm để đạt thành công rồi sau đó trở thành ''Đoàn kịch của nhà Vua'' nhờ tác phẩm ''Les Précieuses Ridicules'' (1659). 

Màn bí ẩn bao trùm nhân vật này từ lúc ngày ông được khai sinh. Nước Pháp đã chọn ngày 15/01 làm ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 400, nhưng thật ra không ai biết rõ Molière đã chào đời vào ngày nào. Dựa vào văn bản, người ta có giấy chứng nhận là vào ngày 15/01/1622, Molière đã được rửa tội tại nhà thờ Saint-Eustache ở Paris, điều này có nghĩa là ông đã được sinh ra một vài ngày hay có thể là cả tuần trước đó. Giai thoại kể rằng ông ho ra máu để rồi đột ngột qua đời sau khi diễn xong vở kịch ''La Malade Imaginaire'', nhân vật trong tác phẩm cứ tưởng mình sắp chết dù bệnh giả (do trí tưởng tượng), Molière rốt cuộc lại không qua khỏi vì lâm bệnh thật. 

Trong văn hóa Pháp, Molière có một vị trí và tầm ảnh hưởng quan trọng. Ông là tác giả tiên phong trong việc dùng tiếng cười để sửa các thói hư tật xấu, để vạch trần các mặt trái của thành phần trưởng giả, sự ''lố bịch'' của giai cấp thượng lưu. 400 năm sau ngày ra đời, Molière đã trở thành giải thưởng kịch nghệ cao quý nhất được trao tặng hàng năm cho các diễn viên sân khấu. Bức tượng của Molière ngự trị trong đại sảnh nhà hát Comédie-Française, nơi các tác phẩm của ông liên tục được biểu diễn từ nhiều thế kỷ qua. Molière cũng là kịch tác gia Pháp được dịch sang nhiều ngoại ngữ.

Molière đã để lại một di sản đáng kể gồm hơn 30 vở kịch. Do lúc còn sống, ông phản ánh khá nhiều vấn đề của đời sống (gia đình, giáo dục, hôn nhân, đạo đức xã hội...) cũng như quan hệ giữa người với người, cho nên gần 4 thế kỷ sau, tác phẩm của Molière vẫn chưa lỗi thời. Nếu như tiếng Anh thường được gọi là ''ngôn ngữ của Shakespeare'', thì một cách tương tự, tiếng Pháp thường được gọi là "ngôn ngữ của Molière''. Điều đó đủ cho thấy tầm ảnh hưởng của ông lớn tới chừng nào. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.