Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Khi giới trẻ Pháp thử kiêng rượu nhân chiến dịch Dry January

Sau chiến dịch một Tháng không thuốc lá (Le mois sans Tabac) được tổ chức tại Pháp hàng năm vào tháng 11, năm 2022 bắt đầu với một thách thức mới cho khá nhiều bạn trẻ ở Pháp. Chương trình ''Dry January'' hiểu theo nghĩa bóng là ''Tháng Giêng không một giọt rượu'' đặt mục tiêu khuyến khích thanh niên nói riêng, người tiêu dùng nói chung, thử kiêng rượu trong vòng một tháng, sau nhiều ngày tiệc tùng nhân dịp lễ cuối năm.

Dân Pháp uống rượu trên đường phố Strasbourg ngày 17/12/2021.
Dân Pháp uống rượu trên đường phố Strasbourg ngày 17/12/2021. AP - Jean-Francois Badias
Quảng cáo

Theo khảo sát gần đây nhất của cơ quan Y tế Công cộng Pháp Santé Publique France (SPF), tại Pháp cứ trên 4 người ở độ tuổi 18-75 là có một người (24,7%) thường xuyên vượt quá mức quy định khi uống rượu. Khi nhìn kỹ lại, nam giới uống nhiều hơn nữ giới (33% so với 18%), còn giới trẻ ở độ tuổi 18-39 tuy không uống thường xuyên vào mỗi bữa ăn, nhưng lại uống nhiều hơn so với giới trung niên và cao niên ở độ tuổi 40-75. 

Theo khuyến cáo của cơ quan y tế SPF, mỗi ngày người tiêu dùng chỉ nên uống hai ly rượu vang : 20cl rượu vang với độ cồn 12° tương đương với 50cl bia (cồn 5°) và 6cl rượu mạnh whisky (cồn 37°). Nếu phải lái xe trong ngày thì càng không nên uống rượu : theo luật hiện hành tại châu Âu, chỉ uống một cốc bia khi bụng trống có thể làm cho tỷ lệ rượu trong máu vượt quá mức cho phép là 0,2g/lít. 

Tháng Giêng là tháng ''bớt ăn chơi'' ? 

Dù gì đi nữa, đây là lần thứ ba, các cơ quan y tế tại Pháp phát động chiến dịch ''Dry January'' qua truyền thông báo chí, hay trên các mạng xã hội, chủ yếu nhằm thông tin về các lợi ích của việc bớt uống rượu đầu năm hoặc thử kiêng rượu trong vòng một tháng.

Dựa vào các cuộc khảo sát từng được tiến hành tại Pháp từ đầu năm 2020, năm tổ chức phiên bản đầu tiên của chương trình ''Dry January'', đã có thêm nhiều thanh niên Pháp tham gia chiến dịch này, họ xem đó như là một thử nghiệm, tìm hiểu về thói quen uống rượu của mình, mỗi cá nhân có ý thức hay không và nếu không tự kiểm soát được thì các bạn trẻ vượt quá giới hạn tới mức nào. Sau tháng 12 ăn tiệc thịnh soạn, tháng Giêng ở Âu Mỹ giờ đây đang trở thành ''tháng bớt ăn chơi''. 

Dù có thói quen gì đi nữa, chỉ thỉnh thoảng uống rượu hay thường xuyên dùng các thức uống có cồn, đa số các bạn trẻ tham gia cuộc khảo sát của cơ quan SPF đều ngạc nhiên khám phá rằng, họ thường uống nhiều hơn mức quy định, tuy không uống mỗi ngày. Điều này chủ yếu liên quan đến ''văn hóa'' dùng rượu khai vị của người Pháp, bất cứ cuộc họp mặt nào cũng có thể là dịp để chung vui, để khui rượu cụng ly. 

Đồng thời, rất có thể là do văn hóa lâu đời của một xứ sản xuất rượu vang, người tiêu dùng thường uống theo kiểu nhâm nhi, chứ không uống nhanh và uống nhiều như một số quốc gia Tây Âu khác. Có lẽ cũng chính cái nét đặc thù văn hóa ấy mà nhiều thanh niên ở Pháp sau một thời gian ''quá chén'' nhân các buổi tiệc tùng cuối năm với gia đình hay bạn hữu, đã khá ngạc nhiên khi họ bớt cụng ly, hay kiêng hẳn rượu một cách khá dễ dàng trong vòng một tháng. 

Dry January, nét văn hóa du nhập từ Anh Mỹ 

Theo khảo sát của Santé Publique France, hai phần ba người tham gia cho biết việc kiêng rượu có tác động tích cực đến giấc ngủ, cũng như hệ thống tiêu hóa. Họ cảm thấy bớt nhức đầu mệt mỏi vào buổi sáng, còn đối với những người thích tập thể dục trong phòng gym hay ngoài trời, thì họ cảm thấy có thêm sinh lực và ít bị hụt hơi hơn. Cũng theo cuộc nghiên cứu, 70% người tham gia vẫn giữ thói quen uống rượu trong cả năm, nhưng họ uống một cách điều độ hơn, liều lượng của thức uống với nhiều độ cồn cũng giảm hẳn trong 6 tháng tính từ tháng Giêng trở đi. 

Việc kiêng rượu trong tháng đầu năm, xuất phát từ vương quốc Anh. Được khai sinh vào năm 2013, Dry January ban đầu là chiến dịch quyên góp của tổ chức từ thiện Alcohol Concern (sau đó trở thành Alcohol Change). Sở dĩ nước Anh phát động chiến dịch này, vì lượng tiêu thụ cồn tăng vọt trong hai tuần lễ cuối năm. Từ mùa lễ Giáng Sinh cho đến đêm Giao thừa đón Tết tây, các hàng quán chật kín thực khách nâng cốc cạn ly, họ chung vui tiễn năm cũ đón năm mới. Nhưng cũng chính vào thời điểm này mà các xe cứu thương và các khoa cấp cứu trong bệnh viện tại Anh cũng chật kín, đa số các bệnh nhân gặp tai nạn hay bị tổn thương sau khi quá chén. 

Với thời gian, chiến dịch thông tin Dry January trở nên phổ biến và từ năm 2019 trở thành một phong trào lan rộng sang khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Thông qua các mạng xã hội, việc kiêng rượu đầu năm tạo thêm tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm của công chúng và sự tham gia của nhiều bạn trẻ, vào lúc người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe của mình. Dry January lúc đầu chỉ có khoảng vài ngàn người tham gia, nhưng kể từ năm 2019 trở đi, phong trào này đã thu hút được hàng chục triệu người. 

Tại Hoa Kỳ và Canada giờ đây, chiến dịch Dry January mỗi năm đều thu hút thêm người tham gia. Theo số liệu của cơ quan thăm dò Nielsen, 25% người tiêu dùng ở Bắc Mỹ đều hưởng ứng chương trình này. Điều đó dường như không ảnh hưởng gì cho lắm đến các công ty sản xuất bia. Các hãng bia như Budweiser, Heineken hay BrewDog đều quảng cáo rất nhiều trong tháng này về các loại bia không có độ cồn, chủ yếu nhắm vào thành phần thực khách có thói quen uống bia, nhưng giờ đây lại muốn giảm các thức uống có cồn. 

Các hãng bia bội thu ngay trong tháng kiêng rượu 

Có ý kiến cho rằng nếu phải uống rượu bia mà không có độ cồn, thì chẳng thà uống thức khác để giải khát còn hơn. Tuy nhiên, theo cơ quan thăm dò thị trường Nielsen, các tập đoàn sản xuất thức uống đã nghiên cứu điều này từ trước khi có chiến dịch ''Dry January'', các khoản đầu tư gần đây cho thấy ngành sản xuất bia đang đi trước một bước. Điều đó giải thích vì sao các hãng bia Anh Mỹ vẫn bội thu ngay cả trong tháng gọi là kiêng rượu. Theo dự đoán, doanh thu thị trường bia không cồn sẽ vượt mức 25 tỷ đô la từ đây cho đến hai năm tới. 

Cho dù thói quen của người Pháp đã có dấu hiệu thay đổi, vấn đề sức khỏe khiến cho nhiều thành phần người tiêu dùng, nhất là giới trẻ bớt uống rượu và chuộng các loại rượu pha hơn là các loại rượu mạnh nguyên chất, nhưng nhìn chung Dry January (tương tự như Halloween) vẫn còn là một nét văn hóa Anh Mỹ, chưa thật sự bám rễ vào xã hội Pháp. Dù vậy, các hiệp hội ở Pháp chuyên về sức khỏe của người tiêu dùng, trong đó có liên đoàn France Assos Santé, vẫn hưởng ứng chiến dịch ''Dry January'', đặt vấn đề y tế cộng đồng lên hàng đầu. 

Các hiệp hội này lấy làm tiếc là chiến dịch ''Tháng không thuốc lá'' luôn nhận được nhiều sự hỗ trợ về mặt tài chính cũng như phương tiện thông tin từ phía chính phủ, và nhờ vậy mà số người bỏ hẳn hút thuốc rất đáng ghi nhận trong một thập niên gần đây. Trong khi đó vẫn chưa có một chương trình nào thật sự có tầm cỡ tại Pháp tương tự như ''Dry January''. Phải chăng đó là nghịch lý của người Pháp : sự chừng mực điều độ dường như có hiệu quả hơn cả một tháng không bia rượu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.