Vào nội dung chính
PHÁP - AN NINH MẠNG

Pháp triển khai hệ thống cảnh báo mới chống tội phạm mạng

Pháp muốn bảo vệ các công ty vừa và nhỏ trước nguy cơ tin tặc ngày càng gia tăng trên thế giới. Ngày 20/07/2021, quốc vụ khanh Cédric O đặc trách Chuyển đổi Công nghệ số đã khởi động một hệ thống cảnh báo mới trong trường hợp xảy ra sự cố mạng lớn.

Quốc vụ khanh Pháp về Chuyển đổi Công nghệ số Cedric O trong một cuộc họp báo tại Paris, ngày 22/10/2020.
Quốc vụ khanh Pháp về Chuyển đổi Công nghệ số Cedric O trong một cuộc họp báo tại Paris, ngày 22/10/2020. AP - Ludovic Marin
Quảng cáo

Theo chính phủ Pháp, biện pháp được đưa ra nhằm tránh để các doanh nghiệp phải « đơn thương độc mã » đối phó với tin tặc. Cụ thể, khi phát hiện ra một lỗ hổng bảo mật hay một mối đe dọa tin tặc, hệ thống cảnh báo quốc gia  (do Cybermalveillance.gouv.fr và Anssi quản lý) sẽ ra thông báo « ngắn gọn và dễ hiểu » miêu tả những nguy cơ được phát hiện, danh sách các hệ thống liên quan và những biện pháp cần áp dụng.

Thông báo sẽ được gửi đến các tổ chức, ngành nghề liên quan nhanh nhất có thể nhằm giúp các lãnh đạo doanh nghiệp đề cao cảnh giác và tăng cường biện pháp phòng chống.

Biện pháp mới này được đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp Pháp thường xuyên bị tin tặc trong thời gian vừa qua, mà một trong những nguyên nhân là cuộc khủng hoảng dịch tễ. Theo ông Christian Poyau, đồng chủ tịch Ủy Ban Chuyển đổi Công nghệ của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp MEDEF, gần một nửa doanh nghiệp Pháp từng là nạn nhân của tin tặc, « ở quy mô doanh nghiệp lớn, đã có hơn 2.000 vụ tấn công ».

Còn theo Anssi (Cơ quan An ninh Hệ thống Thông tin Quốc gia Pháp), số vụ tấn công tin học năm 2020 tăng gấp 4 lần so với năm 2019 và buộc chính phủ Pháp phải triển khai kế hoạch trị giá 1 tỉ euro để đối phó với vấn nạn này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.