Vào nội dung chính
PHÁP - Ý - VĂN HOÁ

Rượu Ý Prosecco lấn sân Champagne của Pháp

Việc mở lại các quán vỉa hè tại Pháp là một tin vui đối với giới sản xuất loại ruợu sủi bọt Prosecco của Ý, bởi vì đó là thành phần chủ yếu để chế biến kiểu rượu pha Spritz. Xuất phát ban đầu từ thành phố Venise với tên gọi là Spritz Veneziano, loại cocktail màu cam này do rất dễ pha chế, nên đã được đưa vào thực đơn của hầu hết các hàng quán tại Pháp.

Quang cảnh sân trước một quán cà phê ở Paris, Pháp, ngày 05/06/2021.
Quang cảnh sân trước một quán cà phê ở Paris, Pháp, ngày 05/06/2021. AP - Lewis Joly
Quảng cáo

Nhờ vào sự thành công rực rỡ của loại cocktail Spritz, mà rượu vang trắng sủi bọt của Ý đã trở thành một trong những xu hướng ẩm thực thời thượng tại châu Âu trong những năm gần đây. Một cách chậm mà chắc, rượu vang sủi bọt Prosecconhờ vào một chiến lược tiếp thị tài tình đã từng bước chinh phục thị trường cũng như cảm tình của thực khách Pháp, phần lớn cũng vì Prosecco dễ uống, độ cồn cũng không nhiều chỉ ở mức 10,5 tức thấp hơn rượu rosé và rượu vang đỏ (13 độ). Yếu tố quan trọng đầy sức thuyết phục nhất vẫn là ''giá mềm'' : Prosecco được bán với giá rẻ hơn một nửa so với Champagne của Pháp, nhưng được quảng cáo chất lượng không kém gì ''sâm banh'', cho dù thực tế không hẳn là như vậy.

Prosecco sản xuất 600 triệu chai, 70% dành để xuất khẩu

Dù gì đi nữa, trong các đợt phong tỏa năm 2020, các nhà sản xuất Prosecco đã tranh thủ thời cơ để tăng các chiến dịch tiếp thị, quảng bá thương hiệu trên các mạng xã xội. Kết quả là vào lúc tất cả các hiệu rượu vang ở Pháp (kể cả loại bình thường hay là có sủi bọt) đều giậm chân tại chỗ, doanh thu của Prosecco đã tăng thêm khoảng 20%, cả về mặt khối lượng tiêu thụ lẫn giá trị xuất khẩu. Hiện giờ, cứ trên 10 chai rượu Prosecco sản xuất tại Ý, có đến 7 chai được dành cho xuất khẩu. Thị trường quan trọng nhất đối với Ý vẫn là Anh quốc, rồi sau đó là Hà Lan và Đức.

Hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng nhập khẩu Prosecco nhưng ít hơn, do hai quốc gia này đều có truyền thống lâu đời sản xuất loại rượu trắng sủi bọt là Cava và Espumante. Riêng tại Pháp, Prosecco ngày càng giành được thêm thị phần, từng bước lên hạng trên danh sách các loại thức uống thịnh hành nhất. Hiện giờ, theo số liệu của giới chuyên ngành trên mạng thông tin The Drinks Business, Prosecco đứng hạng ba trong các loại rượu sủi bọt tại Pháp sau Champagne và các loại rượu vang trắng Crémant, đặc sản của vùng Alsace.

Theo ông Tony Verbicaro, cựu giám đốc của Viện nghiên cứu Georges Chappaz, chuyên tổ chức các khóa đào tạo thực tập trong lãnh vực rượu vang với Đại học Reims ở vùng Champagne, doanh thu của các loại rượu sủi bọt của Pháp bắt đầu sút giảm kể từ năm 2010, khi giới sản xuất Prosecco của Ý có chiến lược phát triển nghiêm túc, thành lập thương hiệu cầu chứng để chinh phục thị trường quốc tế.

Cách đây 5 năm, rượu sủi bọt nhập từ nước ngoài chiếm 8,7% khối lượng tiêu thụ tại Pháp, giờ đây con số này đã tăng đến mức 16,1% tức cao gần gấp đôi. Theo cơ quan FranceAgrimer, trực thuộc Bộ Nông nghiệp Pháp, vào lúc các loại rượu vang của Pháp đều ở mức bão hòa, thì các loại rượu vang nhập từ nước ngoài lại tăng chậm mà đều đặn trong vòng một thập niên qua, như thể người tiêu dùng ở Pháp khao khát khám phá những sản phẩm ''khác lạ''.Trong số này, rượu Prosecco của Ý chiếm đến hơn một phần ba số lượng nhập khẩu.

Tiền nào của nấy hay ''rượu ngon giá mềm''

Cũng theo chuyên gia Tony Verbicaro, thành công của Prosecco phần lớn dựa vào chiến dịch quảng bá thương hiệu cầu chứng, bảo đảm xuất xứ của sản phẩm. Các nhà sản xuất Ý đã xây dựng một hình ảnh rượu vang sủi bọt có chất lượng, nhưng được bán với ''giá mềm''. Tuy nhiên, theo lời chuyên gia Éric Marzec, thuộc công ty nghiên cứu thị trường IRI, ngành khai thác Prosecco sản xuất 600 triệu chai mỗi năm (so với 310 triệu chai rượu sâm banh). Mức sản xuất Prosecco đã tăng 75% trong 15 năm qua, dẫn đến tình trạng khai thác quá mức đất canh tác. Việc thiết lập nhãn hiệu có thể chứng minh cho nguồn gốc sản phẩm, nhưng chưa chắc gì bảo đảm được chất lượng khi sản xuất ''đại trà''.

Theo cô Tania Marini, giám đốc điều hành kho rượu của ngôi chợ Eataly Paris, chuyên cung cấp các đặc sản từ Ý, cũng như sâm banh của Pháp, các loại Prosecco rẻ nhất chưa chắc gì đã ngon, thành ra khách hàng nên chọn mua hạng trung bình (từ 11 euro trở lên). Còn loại Prosecco thượng hạng, thường có giá đắt hơn vì khối lượng sản xuất có giới hạn và đồng thời tuân thủ thêm nhiều quy định khắt khe, giá bán ở đây gần giống với các chai Champagne cỡ ngon của Pháp (trên 25 euro một chai).

Đó là đối với những người muốn uống rượu Prosecco nguyên chất. Cũng như rượu whisky thượng hạng, loại thật ngon nên để nguyên mà uống, chứ không nên pha loãng kể cả việc cho thêm một chút nước đá. Để chế biến rượu pha Spritz thì nên dùng loại Prosecco giá rẻ, bởi vì khi pha trộn với các loại rượu mùi Campari hoặc là Aperol, thì rượu Prosecco dù có ngon cách mấy vẫn bị át hẳn mùi vị. Về điểm này, báo Le Figarro từng tổ chức các buổi pha chế và nếm thử. Kết quả là để pha loại cocktail Spritz, bạn có thể thay thế Prosecco bằng các loại rượu trắng sủi bọt như Bugey, Vouvray, hay là Montlouis (sur Loire), đều được xếp vào hạng crémant : cách làm rượu không công phu cầu kỳ như Champagne, sản phẩm uống ngon và có chất lượng.

Trước thành công của Prosecco, ngành Champagne đổi cách tiếp thị

Theo ông Jérôme Perichet, chủ tịch Liên đoàn Pháp sản xuất các loại rượu khai vị, ban đầu định nghĩa của chữ Spritz khá rộng, được dùng cho các loại rượu mùi có độ cồn khá mạnh cần được pha loãng. Chỉ trong những thập niên gần đây, người ta mới dùng rượu vang sủi bọt trong công thức pha chế cocktail này. Nhưng các nhà sản xuất rượu vang Pháp vẫn gắn bó với truyền thống: rượu ngon nên uống nguyên chất chứ đừng đem đi pha thành một ly cocktail. Tình hình bắt đầu có một số dấu hiệu thay đổi, như hiệu Chandon của tập đoàn Pháp LVMH đã tung ra kiểu chai cocktail pha sẵn ''Garden Spritz'' đầu tiên. Điều đó cho thấy là dù có thích hay không, trước các xu hướng tiêu dùng thịnh hành hiện thời tại Pháp, rượu Prosecco đã giành được bàn thắng đầu tiên trong cuộc tranh tài giữa các loại rượu khai vị.

Trước đà phổ biến của cocktail Spritz và nhờ vậy mà rượu Prosecco đã mạnh mẽ trỗi dậy, rượu Champagne của Pháp vẫn kháng cự lại và chưa chịu bỏ cuộc chạy đua. Doanh thu ngành Champagne lên tới 4,9 tỷ euro, trong đó có 2,8 tỷ nhờ xuất khẩu (54%). Tuy mức sản xuất của Champagne chỉ bằng một nửa khối lượng Prosrecco nhưng doanh thu Champagne lại cao gấp đôi so với ngành Prosecco (2,5 tỷ euro hàng năm).Theo mạng The Drinks Business, sự khác biệt giữa hai loại rượu này vẫn là Champagne của Pháp thiên về hướng truyền thống và chất lượng, còn Prosecco của Ý thiên về sáng tạo và khối lượng.

Giá trung bình của một chai Champagne là 25 euro (cao gấp đôi so với Prosecco) do vậy được dành cho một phân khúc thị trường cũng như đối tượng khách hàng khác nhau. Trong thời gian gần đây, Champagne cố gắng trẻ hóa hình ảnh và thậm chí thay đổi cách đóng chai (nhỏ hơn và nhiều màu sắc pop hơn) hầu thu hút khách hàng trẻ tuổi. Nếu bị lấn sân trên phương diện ''rượu pha'' ở các hàng quán, thì ngược lại vẫn Champagne dành ưu thế tại các khách sạn hay nhà hàng sang trọng. Theo chuyên gia Éric Marzec, đó là về đẳng cấp và uy tín : nếu Prosecco về đầu trong cuộc đua của các thức uống khai vị, thì khi một đôi tình nhân trẻ làm lễ cầu hôn hay tổ chức tiệc cưới, người ta vẫn chọn Champagne chứ không ai dùng Prosecco. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.