Vào nội dung chính
PHÁP - XUẤT KHẨU VŨ KHÍ

Pháp cố minh bạch về xuất khẩu vũ khí

Tổng giá trị đơn đặt hàng vũ khí của Pháp trong năm 2020 giảm 41% so với năm 2019, chỉ đạt 4,9 tỉ euro so với 8,3 tỉ. Ả Rập Xê Út (703,9 triệu euro), Hoa Kỳ (433,6 triệu euro) và Maroc 425,9 triệu euro) là ba khách hàng lớn nhất của Pháp. Nguyên nhân chính là dịch Covid-19 toàn cầu đã làm trì hoãn nhiều dự án vì phải ngừng đàm phán hoặc các quyết định đầu tư và không có các hợp đồng lớn trên 500 triệu euro trong năm 2020.

Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly (T) và phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal thăm căn cứ quân sự Satory ở Versailles, Pháp, ngày 07/05/2021.
Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly (T) và phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal thăm căn cứ quân sự Satory ở Versailles, Pháp, ngày 07/05/2021. AP - Martin Bureau
Quảng cáo

Theo “Báo cáo lên Nghị Viện về xuất khẩu vũ khí của Pháp năm 2021” dài 125 trang được bộ Quân Lực Pháp công bố ngày 02/06/2021, châu Âu là khu vực nhập khẩu nhiều vũ khí của Pháp nhất trong năm thứ hai liên tiếp, chiếm 25% (15% thuộc các nước trong Liên Hiệp Châu Âu và 10% thuộc các nước ngoài khối). Tiếp theo là khu vực Trung-Cận Đông, chiếm 24%. Châu Á và châu Đại Dương chiếm 22%, “tăng hơn một chút so trong ba năm gần đây”. Châu Phi chiếm 16%. Dịch Covid-19 cũng khiến Pháp giao vũ khí ít hơn một nửa : 4,3 tỉ euro năm 2020 so với 9,9 tỉ euro trị giá vũ khí được giao trong năm 2019.

Từ khoảng năm 2017, bộ Quân Lực Pháp cố thể hiện minh bạch về tình hình xuất khẩu vũ khí, đặc biệt sau nhiều phát giác vũ khí của Pháp được sử dụng trong cuộc nội chiến ở Yemen. Trong lời mở đầu, bộ trưởng Quân Lực Florence Parly khẳng định nỗ lực từ năm này sang năm khác để bản báo cáo được “cụ thể hơn, dễ truy cập hơn và minh bạch hơn”.

Bộ Quân Lực Pháp có thực hiện được cam kết trên không ? RFI Tiếng Việt giải thích theo dạng câu hỏi.

1. “Báo cáo lên Nghị Viện về xuất khẩu vũ khí của Pháp năm 2021” có những điểm gì khác sau khi Nghị Viện yêu cầu được tăng quyền kiểm soát xuất khẩu vũ khí ?

Điểm đặc biệt là lần đầu tiên đưa thêm vào báo cáo “những quyết định từ chối xuất khẩu vũ khí, cũng như quy trình kiểm soát đối với những sản phẩm có chức năng kép” (thiết bị bay không người lái, hệ thống theo dõi…). Theo đó, Pháp đã từ chối cấp 47 giấy phép xuất khẩu trong năm 2020, chủ yếu là đến các nước châu Á. Từ năm 2022, điểm này có thể được phát triển thành một báo cáo chuyên biệt để khẳng định Pháp nghiên cứu kỹ lưỡng từng yêu cầu xuất khẩu.

Đây là hai trong số những khuyến nghị được hai nghị sĩ Jacques Maire (thuộc đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước, LREM) và Michèle Tabarot (đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, LR) nêu trong báo cáo của ủy ban thông tin Nghị Viện vào tháng 11/2020. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu được biết về danh tính của bên được giao hàng và lập một danh sách khách hàng bị cấm bán cho một số công nghệ.

Một đề xuất khác là thành lập một ủy ban Nghị Viện để kiểm soát vũ khí, theo mô hình ủy ban về hoạt động tình báo. Điều này hoàn toàn phù hợp với điều 24 của Hiến Pháp Đệ Ngũ Cộng Hòa, theo đó Nghị Viện có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động của chính phủ. Hai nghị sĩ Jacques Maire và Michèle Tabarot nhấn mạnh đến “một điểm mù” trong hệ thống xét đơn xin phép xuất khẩu “không hề rõ ràng vì Nhà nước vừa phán xét vừa tham gia”. Tại Pháp, xuất khẩu hay không là do thủ tướng quyết định dựa trên ý kiến của Ủy ban liên bộ về Nghiên cứu Xuất khẩu Vật liệu Chiến tranh (Commission interministérielle pour l’étude des exportations des matériels de guerre, CIEEMG), theo một trình tự bí mật.

2. Những phát hiện của truyền thông về việc vũ khí Pháp được sử dụng trong cuộc nội chiến ở Yemen đã khiến người dân Pháp ý thức hơn về tính minh bạch của chính phủ trong việc xuất khẩu vũ khí ?

Theo một nghiên cứu được tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đăng ngày 31/05, có đến gần 3/4 người dân Pháp muốn chính quyền minh bạch hơn và kiểm soát nhiều hơn việc xuất khẩu vũ khí. Thậm chí có đến 72% trên khoảng 2.000 người được Harris Interactie thăm dò ý kiến từ ngày 13-17/05 đánh giá việc Pháp bán vũ khí đi ngược với những giá trị mà nước này thể hiện (nhân quyền, các giá trị dân chủ…). Tương tự hơn 3/4 người dân nghĩ là Pháp nên đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang những nước can dự vào các cuộc nội chiến, như trong trường hợp Yemen.

Trả lời đài France 24, ông Aymeric Elluin, phụ trách vận động tại tổ chức Ân Xá Quốc Tế, nhận định việc người dân Pháp nhận thức được và quan tâm hơn đến vấn đề bán vũ khí đã cho phép “cải thiện nhẹ” về minh bạch. “Tuy nhiên, theo ông, vẫn còn nhiều vùng xám. Nếu muốn đánh giá được những nguy cơ của việc bán vũ khí, người ta phải có một tầm nhìn toàn diện về số hàng xuất khẩu. Nhưng hiện giờ vẫn còn thiếu rất nhiều yếu tố”.

Dù tên các nước nhập khẩu được nêu trong những tài liệu chính thức gần đây nhưng bên thụ hưởng thực sự, có nghĩa là bên sử dụng những loại vũ khí đó, lại không bị nêu. Ví dụ, bản báo cáo năm 2020 nêu Pháp bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út, nhưng lại không biết là dành cho lực lượng nào. “Trong khi đó, bán vũ khí cho lực lượng vệ binh quốc gia lại khác với bán cho không quân Ả Rập Xê Út”, theo giải thích của ông Aymeric Elluin, “nhất là khi người ta biết rằng liên quân (trong đó có Ả Rập Xê Út) tham chiến ở Yemen lại oanh tạc là chủ yếu”.

Tổng thống Emmanuel Macron bảo đảm rằng vũ khí Pháp không được sử dụng trong cuộc xung đột nhưng Amnesty International muốn có được những bằng chứng rõ ràng, cụ thể để chắc chắn rằng “việc chuyển vũ khí phải phù hợp với các cam kết quốc tế của Pháp và vũ khí Pháp sẽ không bị dùng để phạm tội ác”. Đây là “những vấn đề khẩn cấp và quan trọng”.

3. Chính phủ Pháp có thật sự muốn minh bạch về việc bán vũ khí không ?

Trước tiên, nếu so sánh với các nước láng giềng châu Âu, Pháp thiếu minh bạch hơn trong vấn đề này. Các nghị sĩ ở Anh, Đức và Hà Lan có quyền kiểm soát việc bán vũ khí. Nhiều nước khác, như Mỹ, có cả một hệ thống truy xuất nguồn gốc về các vũ khí được bán. Ngược lại, theo nghị sĩ Sébastien Nadot của tỉnh Haute-Garonne, “Pháp cố để lờ mờ theo nhiều cách khác nhau. Lúc thì không cung cấp hết thông tin. Lúc thì sử dụng các bên thứ ba qua việc xuất khẩu linh kiện cho một nước khác lắp ráp và bán cho bên họ muốn”.

Vào năm 2017, sau một số thông tin phát hiện vũ khí Pháp được sử dụng ở Yemen, ông Sébastien Nadot đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra nghị viện về vấn đề này. Ông cho biết đã huy động được “70 chữ ký của nghị sĩ ủng hộ. Nhưng do chính phủ gây sức ép quá lớn nên một số nghị sĩ đã rút lại chữ ký”. Thay vì điều tra thì chỉ thành lập một ủy ban thông tin Nghị Viện, không được phép kiểm soát. Chính ủy ban này, vào tháng 11/2020 đã nêu một số khuyến nghị về minh bạch và đã “được tiếp thu” trong báo cáo công bố ngày 02/06/2021, theo khẳng định trong lời nói đầu của bộ trưởng Quân Lực Florence Parly.

Tuy nhiên, theo ông Hervé Grandjean, phát ngôn viên bộ Quân Lực, được France 24 trích dẫn, phải chấp nhận rằng một số điểm mù tiếp tục tồn tại vì “trước hết, nhiều khách hàng từ chối công bố giao dịch. Tiếp theo là còn có bí mật kinh doanh. Cuối cùng phải kể đến thực tế an ninh : Pháp có thể bán vũ khí cho một số nước, như Ai Cập, để bảo đảm cho chính an ninh của Pháp hoặc để chống khủng bố”.

Dù chính phủ tỏ ra minh bạch hơn, nhưng “mức độ vẫn chỉ tương đối”. Nghị sĩ đối lập Bastien Lachaud thuộc đảng Nước Pháp bất khuất (La France insoumise) nhận xét : “Đúng là báo cáo lên Nghị Viện có thêm bản phụ lục, nhưng những thông tin đó đã được biết vì đã được bộ Ngoại Giao (Pháp) chuyển lên Liên Hiệp Quốc trong khuôn khổ Hiệp ước Thương mại Vũ khí (TCA)” mà Pháp phê chuẩn. Ông Lachaud cho rằng chính phủ đang “chuyển từ chiến lược che giấu sang chiến lược bình thường hóa” việc mua bán vũ khí : “Ăn mừng những hợp đồng có trị giá lớn nhưng im lặng về những hợp đồng với các nước phi dân chủ”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.