Vào nội dung chính
PHÁP - ĐIỆN ẢNH - NETFLIX

Netflix ve vãn giới làm phim tại Pháp

Lúc sinh tiền, nhà tỷ phú Onassis đã từng dày công tán tỉnh thần tượng Maria Callas trong vòng nhiều tháng. Nhân vòng lưu diễn năm 1958, diva Hy Lạp xuất hiện tại bất kỳ chỗ nào, thì sân khấu đều được trang hoàng lộng lẫy với muôn đóa hoa hồng. Xiêu lòng, thần tượng Callas trở thành tình nhân của ông. Giai thoại này có thể minh họa cho trường hợp của Netflix, trong nỗ lực của tập đoàn Mỹ "ve vãn" ngành làm phim tại Pháp.   

Tập đoàn Mỹ Netflix mở một cơ sở tại quận 9, Paris, hồi đầu năm 2020 và đang gia tăng hợp tác với điện ảnh Pháp.
Tập đoàn Mỹ Netflix mở một cơ sở tại quận 9, Paris, hồi đầu năm 2020 và đang gia tăng hợp tác với điện ảnh Pháp. REUTERS - Dado Ruvic
Quảng cáo

Đầu năm 2021 đánh đấu đúng một năm ngày tập đoàn Mỹ Netflix thành lập cơ sở hoạt động tại Paris, sau Luân Đôn và Amsterdam. Được đưa vào hoạt động tại Pháp kể từ năm 2014, nhưng mãi đến thời gian gần đây, Netflix mới khai trương văn phòng đại diện tại Pháp. Mục đích của tập đoàn Mỹ là "thắt chặt" quan hệ và tăng cường hợp tác với nền điện ảnh Pháp. 

Theo luật hiện hành, kể từ đầu năm 2021 trở đi, mạng Netflix cũng như tất cả các kênh truyền thông có mặt trên thị trường Pháp đều phải chi một phần doanh thu vào việc sản xuất các "nội dung" hay chương trình tại Pháp. Khoản đầu tư này được ước tính là từ 150 triệu đến 200 triệu euro mỗi năm. Văn phòng của Netflix tại Paris tuyển dụng khoảng 40 nhân viên, làm việc trên những dự án hợp tác sản xuất điện ảnh, tài liệu hay nội dung truyền hình.  

Xây dựng quan hệ hợp tác dài lâu

Theo nhà nghiên cứu người Pháp Laurent Créton, chuyên về ngành sản xuất truyền thông, ngày càng có nhiều tập đoàn quốc tế lần lượt xuất hiện trên thị trường Pháp. Các công ty này đều cạnh tranh với nhau để giành quyền khai thác và cung cấp các dịch vụ giải trí trên mạng. Trong bối cảnh đó, tập đoàn Mỹ muốn chứng tỏ với chính phủ Pháp cũng như với giới phân phối sản xuất là Netflix không còn là một đối thủ của nền điện ảnh Pháp, mà là một đối tác đáng tin cậy và trung thành, trong một quan hệ "có qua có lại" và nhất là bền vững lâu dài.  

Theo giới chuyên ngành, để chứng minh cho điều này, Netflix đã thực hiện ba vế quan trọng : phổ biến dòng phim nghệ thuật, bảo tồn các tác phẩm kinh điển và cuối cùng hợp tác với các tài năng Pháp để hoàn tất các dự án. Đổi lại, với việc chi vốn đầu tư, mạng này hy vọng giành độc quyền phân phối trực tuyến các bộ phim điện ảnh, truyền hình hay các chương trình giải trí do Netflix hợp tác sản xuất.

Trong bước đầu tiên, kể từ tháng 03/2020, Netflix cố gắng cung cấp dòng phim mang đậm dấu ấn "tác giả và tác phẩm". Trước kia, nổi tiếng là một dịch vụ chuyên cung cấp các bộ phim thương mại và phim truyền hình nhiều tập, Netflix đã cố gắng làm giàu bộ sưu tập của mình để giới thiệu các thước phim xưa với thành phần khán giả trẻ tuổi. Chính cũng vì thế mà sau các bậc thầy điện ảnh Pháp, như François Truffaut, Jean-Luc Godard, Jacques Demy, Alain Resnais ..., nay đến lượt tủ phim của Claude Chabrol được đưa lên mạng Netflix, trong khuôn khổ hợp tác với nhà phân phối phim MK2.

Ba bước lớn để chinh phục làng phim Pháp

Kể từ ngày 15/02/2021, khán giả có thể khám phá hay xem lại bộ sưu tập gồm 8 bộ phim quan trọng nhất của đạo diễn Claude Chabrol chuyên mổ xẻ thói đạo đức giả đằng sau bức tranh gia đình hoàn hảo của giới trung lưu Pháp, trong đó có các tác phẩm từng được khen thưởng như "L'Enfer" (Địa ngục gia đình) với Émamnuelle Béart trong vai chính,  "La Cérémonie" (Tang lễ) với Sandrine Bonnaire và nhất là "Madame Bovary" với Isabelle Huppert, dựa theo tiểu thuyết nổi tiếng của Gustave Flaubert. Cả phim lẫn truyện đều được tái bản trong một phiên bản đẹp nhân 200 năm ngày sinh của văn hào người Pháp (1821-2021). 

Bước thứ nhì, Netflix hợp tác với Viện lưu trữ phim ảnh Pháp, Cinémathèque Française, tài trợ cho việc trùng tu tác phẩm điện ảnh "Napoléon" do đạo diễn Pháp Abel Gance thực hiện vào năm 1927. Qua dự án hợp tác này, Netflix đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến giới điện ảnh, truyền thông, khi đứng về phía bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật. Nếu việc trùng tu kiệt tác của đạo diễn Abel Gance thành công đúng vào năm tưởng niệm 200 năm ngày mất của hoàng đế Napoléon, tập đoàn Mỹ chắc hẳn sẽ đầu tư nhiều hơn nữa trong việc phục hồi các tác phẩm khác, kể cả phiên bản điện ảnh Pháp đầu tiên của "Ba chàng lính ngự lâm" (1921) của đạo diễn Henri Diamant-Berger, ra đời cách đây đúng một thế kỷ.  

Bước thứ ba cũng là bước quan trọng nhất chính là hợp tác sản xuất và phân phối các bộ phim mới của Pháp trong tương lai. Trong thời gian nước Pháp bị phong tỏa, nhiều bộ phim Pháp đã bị thất thu nặng nề do các rạp chiếu phim đều bị đóng cửa. Đó là trường hợp của bộ phim "Bronx" của Olivier Marchal hay "DNA" của Maïwenn, cả hai tác phẩm này đều đã tìm thấy nơi Netflix một giải pháp thay thế, được phổ biến rộng rãi trên mạng và nhờ vậy tạm thời thu hồi chi phí đầu tư.

Xa hơn nữa, Netflix đi tìm những tài năng mới, một số đang được ươm mầm tại Fémis, trường cao đẳng điện ảnh nổi tiếng nhờ đào tạo lớp đạo diễn mới và các nhà biên kịch. Bên cạnh đó, còn có đoàn thể Kourtrajmé (chữ court-métrage theo cách nói lái là "phim ngắn"), chuyên đào tạo các nhà làm phim xuất thân từ các vùng ngoại ô nghèo, nhưng lại sinh ra nhiều nhân tài điện ảnh với nhãn quan độc đáo, chẳng hạn như Ladj Ly hay là Romain Gavras.   

Sản phẩm phân phối hay là tác phẩm nghệ thuật ?

Trong thời gian tới, Netflix đã lên kế hoạch hợp tác sản xuất với nhiều tên tuổi quen thuộc của làng điện ảnh Pháp, trong đó có "Bigbug" của đạo diễn Jean-Pierre Jeunet kết hợp hai thể loại phim hài và khoa học viễn tưởng. Ngoài ra còn có dự án mới của đạo diễn kiêm diễn viên Dany Boon, kể lại thời kỳ phong tỏa qua góc nhìn của nhiều gia đình Pháp sống ở cùng một địa chỉ "8 rue de l'Humanité".

Theo giáo sư chuyên khoa điện ảnh Joëlle Farchy, nếu muốn chinh phục khán giả Pháp, Netflix cần dựa vào các tài năng đến từ Pháp, chẳng những nắm vững đường đi nước bước, mà còn am hiểu tất cả các khâu hoạt động trong ngành điện ảnh. Netflix từng đặt cược lớn vào ván bài đầu tiên qua việc hợp tác với đạo diễn Louis Leterrier và nam diễn viên Omar Sy để sản xuất bộ phim nhiều tập Assane/Arsène "Lupin" (Tên trộm hào hoa). Nhờ ván bài này, Netflix hốt bạc triệu, nhưng quan trọng hơn nữa là mở ra nhiều dự án hợp tác khác trong tương lai. Điều đó cũng thúc đẩy các đối thủ tìm kiếm thêm sự hợp tác với Pháp. Amazon Prime Video mua lại quyền khai thác tủ phim của nữ đạo diễn Agnès Varda, còn Disney + đã công bố các dự án hợp tác đầu tiên với Pháp, trong đó có nhiều bộ phim hài dành cho gia đình.

Tuy giờ đây trong giới chuyên ngành, không còn nhiều nhân vật chỉ trích thẳng thừng Netflix, nhưng vẫn còn một số tiếng nói (chẳng hạn như ông Arnaud Vialle, đại diện cho hiệp hội các nhà phân phối phim độc lập)  phản đối việc tập đoàn Mỹ tung tiền trong chiến dịch đánh bóng thương hiệu, gầy dựng uy tín, nhưng thật ra chẳng quan tâm gì nhiều đến số phận các rạp chiếu phim nhỏ ở vùng tỉnh lẻ. Cuộc tranh luận tiếp tục diễn ra trong và ngoài nước Pháp. Bằng chứng là những tuyên bố gần đây của đạo diễn kỳ cựu Martin Scorsese, cho dù Netflix từng đầu tư 160 triệu đô la để sản xuất bộ phim "The Irishman" của ông, nhưng không phải vì thế mà đạo diễn Mỹ đánh mất quyền phát biểu. 

Trong một bài tiểu luận viết về 100 năm ngày sinh của Fellini, được đăng trên tạp chí chuyên đề Harper's Magazine, đạo diễn Martin Scorsese đã miêu tả một thế giới tương lai, trong đó điện ảnh chỉ đơn thuần là một "nội dung" chứ không còn là "nghệ thuật", một thứ sản phẩm dùng để kinh doanh chuyển nhượng như bao sản phẩm khác. Có thể nói, thời kỳ đại dịch đã làm nổi bật vai trò sản xuất và phân phối của tập đoàn này, nhưng về mặt bản chất chưa thể khẳng định sự đóng góp về tính sáng tạo của Netflix. Riêng về giai thoại giữa Onassis và Callas, mối tình giữa đôi bên lại kết thúc không có hậu. Sau gần một thập niên đầy sóng gió, nhà tỷ phú này lại bỏ rơi thần tượng Callas để thành hôn với cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy. Hy vọng rằng sự hợp tác giữa Netflix và giới làm phim Pháp sẽ đem lại nhiều kết quả tốt đẹp hơn, dù rằng đó là quan hệ hôn nhân theo lý trí, chứ chưa phải là tiếng gọi của con tim.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.