Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Pháp: Khu bảo tồn Ecrins, xứ sở của những người yêu đá

Đăng ngày:

Khu bảo tồn quốc gia Ecrins là một niềm tự hào của Pháp. Ecrins là xứ sở của hơn 150 đỉnh núi cao hơn 3.000 mét, của Briançon - thành phố núi cao nhất Liên Âu, của nhiều thung lũng với tiểu khí hậu khác biệt, nơi sinh sống của những loài thực vật hiếm có, trong đó có chardon bleur, được mệnh danh « nữ hoàng núi Alpes ». Khu bảo tồn Ecrins là địa điểm du lịch, thám hiểm hấp dẫn. Có nhiều nẻo đường đến với Ecrins: Tình yêu đá là một trong số đó. 

Hồ Lauvitel trong Khu bảo tồn núi Ecrins, nơi có khu rừng bảo tồn, nghiêm cấm mọi hoạt động can thiệp của con người đầu tiên tại Pháp.
Hồ Lauvitel trong Khu bảo tồn núi Ecrins, nơi có khu rừng bảo tồn, nghiêm cấm mọi hoạt động can thiệp của con người đầu tiên tại Pháp. © wikipedia
Quảng cáo

Công viên Quốc gia Ecrins là trung tâm leo núi thứ hai của nước Pháp, sau Mont Blanc. Trước khi vùng Haute-Savoie cùng đỉnh Mont Blanc nhập vào Pháp giữa thế kỷ 19, Barre des Ecrins cao 4.102 mét từng là mái nhà của Pháp. Cùng các đỉnh Pelvoux và Meije (cao lần lượt 3.946 mét và 3.983 mét), Barre des Ecrins được coi như một biểu tượng của thiên nhiên hoang dã miền nam xứ Alpes. 

Đá núi, phong cảnh thay đổi mỗi ngày

Vẻ đẹp của thiên nhiên Ecrins như biến mỗi người thành nghệ sĩ. Người tài xế xe khách, đưa chúng tôi đến cửa khu bảo tồn, giải thích vì sao ông chọn vùng núi này làm nơi sinh sống : « Tôi vốn là dân một thành phố lớn, tôi không chịu nổi bầu không khí bức bối ở đó. Ở đây ánh sáng thay đổi liên tục trong ngày. Mặt trời gần như quanh năm. Phong cảnh ở đây liên tục thay đổi sắc màu. Mỗi thung lũng một khác. Đá núi, cây cối, phong cảnh thay đổi mỗi ngày, thật là kỳ diệu: từ hè sang đông, từ xanh sang đỏ, rồi trắng. Thật là tuyệt vời ! Tôi thật khó lòng mà chia tay với vùng đất này…. ». 

Khu bảo tồn rộng nhất nước Pháp này nổi tiếng với phong cảnh hoang sơ. « Vùng lõi » của Parc national des Ecrins, rộng 925 km2, không có đường xe cơ giới, hoàn toàn không có dân cư, ngoại trừ một xóm nhỏ lịch sử, nơi ẩn náu của những người chạy trốn chiến tranh, đàn áp tôn giáo thời xưa. Parc national des Ecrins (bao gồm « các vùng giáp ranh ký giao kết tham gia » khu bảo tồn quốc gia (l’aire d’adhésion) rộng 1.784 km2) là nơi du khách có thể trải nghiệm nhiều môn thể thao của núi rừng : trượt tuyết, leo núi vào mùa đông ;  mùa hè đa dạng hơn, với xe đạp địa hình, cưỡi ngựa, dù lượn, thuyền vượt suối, chạy bộ xuyên núi, thám hiểm hang động… Đi bộ trèo núi là môn được nhiều người thuộc mọi lứa tuổi tham gia nhất. Nhiều cha mẹ dẫn cả các em nhỏ mới ba, bốn tuổi làm quen với núi cao. Có người địu cả con trên lưng trèo núi. 

Khu bảo tồn có tổng cộng khoảng 740 km đường đi bộ trèo núi được bảo trì và có biển báo, trong đó có tuyến đường chính GR 54 (tour de l’Oisans) vòng quanh khu. Những người leo núi, chinh phục các đỉnh núi, những ai muốn sống lâu hơn với núi non Ecrins, có thể trú chân, dùng bữa tại một trong khoảng 30 quán trọ, nằm rải rác trên các sườn núi cao ở « vùng lõi » khu bảo tồn.  

Du khách đến với núi lần đầu chắc không quên được những tháp đá xếp rải rác ven đường, cao thấp, to nhỏ khác nhau, hình thù đủ kiểu. Với người đi núi lâu năm, những tháp đá khá mong manh ấy như có linh hồn, như mang chứa một giao ước thầm kín giữa con người với núi non từ bao đời nay. Những tháp đá ở một khúc quanh, thường giúp du khách không bị lạc đường (thường chứ không phải luôn luôn, vì cũng có tháp đá chỉ sai đường). Ai thân thuộc với núi, trên đường đi, thường góp vài viên đá phần mình vào một tháp đá dẫn đường cho người đến sau. Trong tiếng Pháp, những tháp đá như vậy gọi là « cairn ». Từ cairn du nhập vào thời Cách mạng, trực tiếp từ tiếng Scotland, nhưng âm cairn / tháp đá cũng đã hiện diện trong nhiều địa danh xứ Bretagne, miền tây nước Pháp, xứ sở của dân Celtic thời cổ đại. Cũng có người cho rằng cairn có thể bắt nguồn từ các ngôn ngữ còn xa xưa hơn nhiều. 

« VIA FERRATA » - lơ lửng giữa không trung cùng đá 

Đến với Ecrins có nhiều con đường: Tình yêu đá là một trong số đó. Đối với những ai không đủ khả năng leo núi (Esclade hay Alpinisme) - môn thể thao mạo hiểm, đòi hỏi các kỹ thuật và thể lực của vận động viên -, thì Via ferrata là một lựa chọn an toàn, cho phép nếm trải cảm giác lơ lửng giữa trời và đất, cùng với đá. 

Via ferrata là một hoạt động giải trí với 6 cấp độ, từ rất dễ đến rất khó. Ở mức độ dễ, Via ferrata cho phép cả gia đình tham gia cuộc chơi, kể cả các em nhỏ. Người thực hành Via ferrata luôn nối mình với một dây cáp - « sợi dây bảo mạng », được gắn dọc theo những cung đường, với các mốc bám được bố trí sẵn, chân bước theo từng bậc thép, gắn chặt vào vách núi. Một khi có đủ trang bị an toàn và nắm vững các nguyên tắc bảo hiểm, người thực hành Via ferrata có thể bắt đầu cuộc chơi men theo vách đá, hay vượt những đoạn núi dốc đứng, cũng có thể vượt cầu khỉ trên dòng nước siết, hay đi thang dây qua một vực sâu, thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên trên từng bước chân, từng khoảnh khắc.

Một tháp đá (cairn) ở cao nguyên Emparis, Khu bảo tồn Ecrins.
Một tháp đá (cairn) ở cao nguyên Emparis, Khu bảo tồn Ecrins. © wikipedia

Vách đá Freissinières, ở phía đông khu bảo tồn, nổi tiếng trong giới là nơi khai sinh ra bộ môn Via ferrata ở Pháp, nơi lắp đặt tuyến Via ferrata đầu tiên vào năm 1988. Tại khu bảo tồn Ecrins hiện nay, có nhiều người hướng dẫn Via ferrata chuyên nghiệp, được các cơ quan phụ trách phát triển du lịch địa phương giới thiệu với du khách. 

Người leo núi và tình yêu đá 

Gắn bó với núi non Ecrins có lẽ ít ai hơn những người leo núi. Chúng tôi may mắn gặp được Carine, một nhà leo núi nghiệp dư. Đại dịch Covid-19 khiến cô quyết định đến ở hẳn với khu bảo tồn Ecrins, nửa năm sớm hơn dự định. Chọn làm việc trong ngành khách sạn, Carine muốn có cơ hội được sống với núi, được thường xuyên đi núi, leo núi. Vì sao Carine thích leo núi ? 

Cô tâm sự : « Khi tôi leo núi, tôi không còn cảm thấy gì khác nữa. Tôi hoàn toàn trong cung đường (cung đường hay « une voie » - theo cách gọi của giới leo núi) của mình. Tôi hoàn toàn tập trung vào các điểm bám, vào mục tiêu hướng đến. Tâm hồn tôi hoàn toàn được giải phóng, tôi thư giãn. Có thể hơi mệt mỏi, đau đớn ở chân ở tay, nhưng điều quan trọng là tôi hoàn toàn được giải phóng ». 

Tại vùng Ecrins, Carine có rất nhiều quan tâm. Khi rảnh, cô thường đi dạo trong rừng, ngắm nhìn cây cỏ, chụp ảnh các hoạt động của thú trong đêm, phát hiện các loại sinh vật lạ, trao đổi thông tin với người phụ trách khu bảo tồn, hay trò chuyện với du khách, để hướng dẫn họ khi cần thiết. Nhưng, tiếp xúc với đá vẫn là niềm đam mê sâu thẳm của Carine. Cô chia sẻ : 

« Đá ở mỗi nơi một khác. Tại khu Ailefroide (đông bắc khu bảo tồn), có một loại đá đặc biệt. Các vách đá ở đây không thật dốc. Đá ở đây có vẻ như rất nhẵn, nhưng thực ra lại dính. Khi di chuyển có lúc không cần chạm tay vào đá. Lúc đó ta như bò lên đá bằng chân, bàn tay gần như không chạm. Có cảm giác biết chắc là giày và đá gắn chặt với nhau. Leo được hay không lúc này vấn đề hoàn toàn là ở tâm trí. Tin tưởng ở bản thân, tin tưởng hoàn toàn rằng chân dính vào đá…. Cũng có những loại đá mang theo các tinh thể sắc cạnh… có loại đá thì lấm chấm những lỗ nhỏ, với cây cỏ, với hoa… Tôi sung sướng với những phát hiện… Mỗi lần tiếp xúc với một loại đá mới là một lần khám phá…. Tôi có cảm giác mình đang thực sự được sống trên mặt đất này, sống với thiên nhiên… Khi còn nhỏ, tôi cũng thường mê cầm nắm, thu lượm sỏi đá… Thật khó lòng diễn tả cái cảm giác được tiếp xúc với khoáng chất như vậy… ». 

« Mỗi cung đường » 

Leo núi là một môn thể thao khắc nghiệt, đòi hỏi nhiều tố chất, về cơ bắp, về sự mềm dẻo, dai sức, khả năng cân bằng, khả năng phối hợp đồng bộ, cảm nhận chính xác. Nhưng leo núi cũng có thể là một môn nghệ thuật, người leo núi có thể là một nghệ sĩ. Câu chuyện của Carine khiến ta nhớ đến nhà leo núi Patrick Edlinger, một trong những người tiên phong của môn leo núi không phương tiện (Free solo climbing / Escalade en solo intégral). Patrick Edlinger được công chúng biết đến nhiều qua hai bộ phim: « Opéra vertical / Vũ điệu opéra theo chiều thẳng đứng » và « La vie au bout des doigts / Sự sống trên đầu những ngón tay ». Với Carine, điều quan trọng không phải là leo được nhiều cung đường, không phải là leo đến các đỉnh núi ngày một cao hơn, mà là phát hiện và tận hưởng mỗi cung đường núi cô đi, cùng với người bạn đồng hành mà cô hiểu và rất đỗi tin tưởng. 

Kỳ quan Glacier Blanc

Ecrins là xứ sở của đá và băng. Trên các đỉnh núi, đá băng quyện vào nhau. Đến Khu bảo tồn Ecrins, khó mà bỏ qua Glacier Blanc - Băng hà Trắng. Những ai không có điều kiện lên cao, đứng ngay ở Pré de Madame Carle, cửa vào phía đông bắc khu bảo tồn, có thể nhìn thấy từ xa bằng mắt thường dòng sông băng trắng xám trên gần đỉnh núi. Băng hà Blanc được coi như một kỳ quan của vùng Ecrins.

Từ Pré de Madame Carle, ta có thể đi bộ trèo dần lên phía đỉnh núi. Đây cũng là con đường chính mà các nhà leo núi thường dùng để chinh phục những đỉnh cao huyền thoại của Ecrins. Con đường dẫn đến quán trọ đầu tiên, nằm sát Glacier Blanc, ở độ cao hơn 2.500 mét, gần như chỉ có đá và đá. Đá mênh mông, hùng vĩ, đủ hình đủ dạng. Đá lặng lẽ mà kì ảo, khắc khổ, lạnh lùng mà thi vị. Ánh sáng biến đổi khiến đá lung linh. 

Bảo tàng sống về lịch sử Trái đất

Đứng ở giữa thung lũng đá, trên đường lên « Băng hà Trắng », du khách có dịp chiêm ngưỡng sự kỳ diệu của đá, vết tích của những biến động tạo thiên lập địa vĩ đại đã làm nên chính cái môi trường sống cho nhân loại chúng ta. « Địa chất » không chỉ là tác nhân lớn nhất với lịch sử địa phương, mà đá núi vùng Ecrins còn là chứng nhân cho những biến động địa chất mang tính châu lục và toàn cầu cách nay hàng chục, hàng trăm triệu năm. 

Khu bảo tồn Ecrins là địa điểm tham quan, học tập ngoài trời quan trọng về lịch sử địa chất của Trái đất. Tổng cộng 79 địa điểm tiêu biểu được Khu bảo tồn Ecrins giới thiệu với công chúng (trang geologie.ecrins-parcnational.fr).  

Trên vách đá vôi ở độ cao khoảng 2.250 mét thuộc xã Champsaur, phía tây khu bảo tồn, du khách có thể chứng kiến các hoá thạch cua biển, với các bộ phận gần như nguyên vẹn, dấu ấn của một đại dương tại nơi hiện nay là núi non. Tại xã Champcella, phía đông nam, có nhiều vết tích của quá trình tan vỡ của khối siêu lục địa (khi lục địa Á-Âu, châu Phi, châu Mỹ sau này vẫn còn là một khối), hình thành cách nay khoảng 300 triệu năm. Nhiều dấu tích về sự hình thành của dãy núi Alpes để lại trong vùng. Đá núi là sản phẩm của các quá trình biến động địa chất dữ dội, cũng là nhân chứng của các quá trình ấy. Qua các nhà chuyên môn, những tinh thể nằm trong đá kể với chúng ta về các điều kiện nhiệt độ và khí hậu cho phép chúng ra đời. 

Khi băng hà tan chảy…

Trở lại với đường lên Băng hà Trắng, khoảng ba tiếng đồng hồ với khả năng đi lại bình thường (một tiếng rưỡi với người chuyên nghiệp), ta đến được chân dòng sông băng. Du khách trèo núi tụ tập nghỉ ngơi, dùng bữa tại khoảnh sân nhỏ trước cửa quán trọ Glacier Blanc, đối diện với băng hà. Ở đây có thể ngắm nhìn thỏa thích « băng hà vĩnh cửu », ngay dưới ánh mặt trời chói chang. Ngắm nhìn thỏa thích Glacier Blanc, mà một số người gọi là « Tháp Eiffel » của xứ Ecrins.

Tuy nhiên, ai biết rõ Glacier Blanc trong lòng không an. Nicolas, người phụ trách quán trọ, cho biết năm ngoái, lần đầu tiên quán trọ của anh bị thiếu nước, do băng hà thu hẹp. Trái đất bị hâm nóng, do các hoạt động của con người, với hậu quả nhiều mặt của nó là điều thấy ở khắp mọi nơi, nhưng ở xứ sở của băng tuyết, điều này diễn ra rõ rệt hơn rất nhiều. Nhiệt độ ở đây tăng nhanh hơn rất nhiều, băng hà thu hẹp ngay trước mắt, từ năm này qua năm khác.

Nhưng khí hậu hâm nóng khiến băng tan chảy cũng đi kèm với một hệ quả ghê gớm khác, ít được biết đến hơn: Núi lở. Năm 2005, ngọn Bonatti, một kỳ quan của dãy Alpes, đột ngột tan vỡ, 700 mét chiều cao bị cắt cụt chỉ trong ít phút, cùng với cơn thác lũ 800.000 tấn đá. Mùa thu năm ngoái 2019, một phần phía dưới của ngọn Olan (ở Ecrins) (cao 3.564 mét) cũng đột ngột sụp xuống. Các nhà khoa học lo ngại tại nhiều nơi ở dãy Alpes, trong tương lai không xa, leo núi ở nhiều nơi vào mùa hè có thể sẽ không còn an toàn (*).

Tại xứ sở của băng đá, ở Khu bảo tồn Ecrins, du khách có cơ hội trở về nguồn, chiêm nghiệm về những biến đổi dữ dội của thế giới băng đá tưởng như vĩnh cửu : những gì mà thiên nhiên phải mất hàng triệu, hàng chục triệu năm mới tạo thành, nay có thể biến đổi chỉ trong một đời người, thậm chí trong thoáng chốc. Một số nhà khoa học nói đến một kỷ địa chất mới. Họ gọi đó là kỷ Nhân Sinh (Anthropocène), khi các hoạt động của con người làm biến đổi chính cái môi trường địa chất và khí hậu tương đối ổn định và thuận lợi trước đây, đã từng cho phép nhân loại sinh sôi, phát triển. 

---

(*) Nhiều tuyến đường trong số « 100 tuyến đường đẹp nhất » dãy Alpes, do nhà leo núi Gaston Rébuffat giới thiệu nửa thế kỷ về trước, nay đã hoàn toàn biến mất do biến đổi địa chất (Gaston Rébuffat cũng là tác giả cuốn « 100 tuyến đường đẹp nhất » cho riêng vùng núi Ecrins - Les 100 plus belles courses - le massif des Écrins). 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.