Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp xử hai đường dây cựu nhân viên Hermès làm túi giả "Birkin"

Đăng ngày:

Khoảng 4 triệu euro thu được trong ba năm, từ 2011 đến 2014, từ việc bán 150 chiếc túi giả thương hiệu cao cấp Hermès, trong đó có túi “Birkin” nổi tiếng. Vụ xét xử (ngày 24/06/2020) mười thành viên của “doanh nghiệp” hàng nhái đầy lợi nhuận khiến những tín đồ của Hermès xôn xao. Giới nghệ sĩ, người nổi tiếng ở Việt Nam cũng hoang mang. Một nhân vật “cầm đầu” mạng lưới đang ở Việt Nam.

Túi Birkin – Hermes tại buổi giới thiệu thời trang xuân-hạ 2012, Paris, Pháp, ngày 25/06/2011.
Túi Birkin – Hermes tại buổi giới thiệu thời trang xuân-hạ 2012, Paris, Pháp, ngày 25/06/2011. AP - Jacques Brinon
Quảng cáo

Tuy nhiên, đây chỉ là mạng lưới làm hàng giả đầu tiên được đưa ra xét xử. Mạng lưới thứ hai, có quy mô gần gấp 10 lần, bị phát hiện vào năm 2012 và vẫn đang được điều tra. Theo nhà báo điều tra Nicolas Jacquard của nhật báo Le Parisien, mạng lưới này đã thu về vài chục triệu euro chỉ trong vòng hai năm.

Điều đặc biệt là chính khách hàng cũng bị lừa vì tưởng rằng “nhờ quen biết” nên mua được sớm. Tất cả đều giống sản phẩm của Hermès, từ chi tiết, chất liệu da đến số hiệu năm sản xuất… vì có cùng nguồn cung cấp và được chính những người thợ từng làm trong Hermès làm ra. Mỗi chiếc túi “Birkin” được bán từ 23.000 đến 30.000 euro, bằng một nửa so với giá của chiếc túi thật.

Nicolas Jacquard, nhà báo điều tra của Le Parisien, đã dành cho RFI Tiếng Việt buổi phỏng vấn về chủ đề này.

*****

RFI : Nicolas Jacquard, ông là nhà báo của Le Parisien. Từ lâu ông theo dõi về mạng lưới hàng nhái thương hiệu cao cấp Hermès, đặc biệt là túi “Birkin” và đã viết nhiều bài về chủ đề này. Trước hết, xin ông giải thích một chút về huyền thoại túi “Birkin” !

Nicolas Jacquard : Túi “Birkin”, theo lời kể lại thì cựu chủ tịch kiêm giám đốc sáng tạo của nhà Hermès, ông Jean Louis Dumas, vô tình gặp Jane Birkin trên một chuyến bay. Lúc đó nữ ca sĩ là một bà mẹ trẻ, lỉnh kỉnh bình sữa và đồ dùng cho con. Bà nói là không có chiếc túi nào có kích cỡ phù hợp. Ông Dumas hỏi lại : Bà cần kiểu túi như thế nào, tôi sẽ thiết kế cho bà một chiếc túi lý tưởng đựng được hết đồ dùng. Và từ đó, chiếc túi ra đời, mang tên nữ ca sĩ Jane Birkin.

RFI : Ngày 24/06/2020, một đường dây gồm 10 người, trong đó có 7 cựu nhân viên của Hermès, đã bị xử với bản án lên tới 4 năm tù và 200.000 euro tiền phạt. Họ bị kết tội gì ?

Nicolas Jacquard : Họ bị kết tội làm giả túi “Birkin”. Ở đây chúng ta nói đến những chiếc “túi giả-thật” vì trong quá khứ từng có nhiều đường dây làm giả các thương hiệu lớn, trong đó có Hermès. Nhưng điểm đặc biệt trong vụ này là chính nhân viên hoặc cựu nhân viên của Hermès, có nghĩa là những người nắm rất rõ quá trình sản xuất, đã mua được vật liệu, thiết bị từ chính nhà cung cấp da cá sấu cho Hermès. Họ làm túi giả nhưng giống như sản phẩm chính hãng.

RFI : Trong rất nhiều bài báo, ông mô tả rõ cách tổ chức mạng lưới làm túi giả. Mạng lưới này được hình thành như thế nào ? Dường như mạng lưới này hoạt động rất bài bản ?

Nicolas Jacquard : Đúng như thế. Ở đây cần phải giải thích là có hai mạng lưới làm túi giả Hermès. Mạng lưới đầu tiên đã bị xét xử vào tháng 06/2020 như nêu ở trên. Mạng lưới thứ hai có quy mô lớn hơn nhiều, cũng bị phá vỡ vào cùng thời điểm với mạng lưới thứ nhất nhưng chưa bị xét xử, các nghi phạm sắp phải hầu tòa. Hai mạng lưới này có quen biết nhau nhưng không làm việc cùng nhau.

Đúng là đối với mạng lưới đã bị xét xử vào tháng 06/2020, họ hoạt động rất bài bản. Ví dụ có những người được giao trách nhiệm mua da cá sấu đúng loại được Hermès sử dụng, bởi vì túi “Birkin” da cá sấu là sản phẩm rất đắt và rất được ưa chuộng. Tiếp theo, có những người phụ trách cắt da, may túi, thêm phụ kiện, đồ trang trí để làm thành chiếc túi hoàn chỉnh.

RFI : Xin ông cho biết thêm thông tin về mạng lưới thứ hai, có quy mô lớn hơn và chưa bị xét xử. Có đúng là có khoảng 1.000 túi “Birkin” giả được mạng lưới này bán ra hàng năm như ông nêu trong các bài viết trên Le Parisien không ?

Nicolas Jacquard : Tôi điều tra chi tiết hơn về mạng lưới thứ hai này và chúng tôi đã đăng một loạt điều tra trên nhật báo Le Parisien vào tháng 12/2019. Chúng tôi đã truy cập được một số thông tin về cách hoạt động của mạng lưới này, về nội dung các cuộc trao đổi giữa những thành viên.

Mạng lưới thứ hai này - chúng ta cứ tạm gọi như vậy vì chưa bị đưa ra xét xử - còn có quy mô lớn hơn rất nhiều so với mạng lưới thứ nhất vì họ bị tình nghi thu về 40 triệu euro từ việc bán túi “Birkin” giả trong khoảng 2 năm, từ đầu 2010 đến 2012.

Số lượng 1.000 túi “Birkin” giả là do phía tư pháp thẩm định, căn cứ vào cuộc điều tra và nghe lén của Hiến binh Quốc gia, cũng như vào khối lượng da cá sấu được tiêu thụ, số túi hiện vật được phát hiện tại hiện trường, số tiền thu được từ việc bán túi. Sau khi tính toán, họ ước chừng được số lượng túi giả được mạng lưới này bán ra, dao động khoảng 1.000 túi.

Ngược lại, mạng lưới 10 người vừa bị xét xử có quy mô nhỏ hơn nhiều, nhất là về số lượng và doanh thu 4 triệu euro. Có thể nói, mạng lưới đã bị xử có quy mô chỉ bằng khoảng 1/10 mạng lưới sắp bị đưa ra tòa.

RFI : Người ta biết là phải chờ rất lâu mới đến lượt mua được một chiếc túi “Birkin”. Vậy khách hàng của hai mạng lưới hàng nhái này là ai ?

Nicolas Jacquard : Rất khó nói ! Đây là loại túi rất hiếm và độ hiếm luôn là lập luận marketing của các thương hiệu sản phẩm da nổi tiếng. Như mọi người đều biết, khi đặt hàng một mẫu túi chính hãng, phải đợi rất lâu mới có thể mua được. Điều này cũng giải thích cho việc những chiếc túi này luôn có giá rất cao, dĩ nhiên cũng vì chất lượng, vật liệu được sử dụng. Và những thành viên của mạng lưới này đề xuất cung cấp túi “Birkin” cho khách hàng.

Trong những đường dây hàng giả này, có rất nhiều khách ở châu Á, trong đó Hồng Kông là một trong những điểm tập trung, từ đó các khu vực xung quanh có thể mua được túi qua hệ thống này. Ngoài ra còn có một chi nhánh khác ở Đông Âu, chủ yếu là ở Nga nơi có rất nhiều tỉ phú cũng muốn sở hữu túi Hermès.

Tôi muốn nhấn mạnh một điểm là trong quá trình điều tra, chúng tôi hiểu ra rằng nhiều khách hàng của mạng lưới làm hàng giả này tin chắc là họ đã mua được túi thật, nhờ quen biết nhân viên của Hermès, hoặc nhờ qua các mối quan hệ, nên mua được sớm mà không phải chờ lâu theo thời hạn chính thức.

RFI : Có nghĩa là khách hàng của hai mạng lưới này vẫn tưởng là họ mua được hàng thật vì có đầy đủ thông tin ?

Nicolas Jacquard : Đúng thế ! Đây là một trong những yếu tố quan trọng của hai mạng lưới làm giả túi Hermès. Vừa rồi chúng ta nói đến chất liệu, kỹ năng kinh nghiệm của những người thợ làm túi, nhưng điểm đáng chú ý là họ nắm rất rõ những chi tiết chứng thực hàng thật, như số série, thậm chí có một nhân viên còn đánh cắp được một số série túi Hermès.

Ngoài ra còn phải kể đến hệ thống đục lỗ. Ví dụ đối với mỗi chiếc túi, năm sản xuất sẽ được đánh dấu bên trong túi bằng một chữ cái, như túi của năm này thì được được đục lỗ chữ “P” chẳng hạn. Những nhân viên tham gia đường dây này đã lấy trộm được một hệ thống đục lỗ như vậy. Và họ có đủ dụng cụ đồ nghề để làm được một chiếc túi đạt tiêu chuẩn như hàng thật.

Tôi lấy một ví dụ cho thấy những chiếc túi giả này giống như túi thật. Trong đường dây thứ nhất, đã bị xét xử, một số khách hàng từng nghi ngờ mua phải túi giả, họ mang túi đến kiểm tra ở cửa hàng Hermès. Mỗi lần nhận được yêu cầu như thế, Hermès chuyển túi đến xưởng để kiểm tra lại tất cả những dấu hiệu bảo đảm hàng thật và nhân viên trở lại khẳng định rằng “Đúng, thưa ông, túi của ông là hàng thật”. Nhưng thực ra đó là hàng giả !

RFI : Trở lại phiên xử ngày 24/06, một trong ba người, được cho là đứng đầu mạng lưới, đã vắng mặt. Dường như người này đang ở Việt Nam ?

Nicolas Jacquard : Đúng thế ! Đó là điều mà luật sư của bị cáo thông báo nên khó có thể nghi ngờ được vì chính luật sư nói là thân chủ của ông đang ở Việt Nam. Người đàn ông này tên là Pierre B., chỉ được nêu tên nhưng không nêu họ. Qua các cuộc trao đổi bị nghe lén của phía điều tra, nhân vật này được tòng phạm đặt biệt danh là “Người Việt” (Le Vietnamien) vì dường như Pierre B. có quan hệ rất mật thiết với Việt Nam và đến Việt Nam rất nhiều lần.

Ngay khi vụ việc bị phát hiện, Pierre B. đã nhanh chóng sang Việt Nam lẩn trốn và vẫn đang ở đó. Nhân vật này nói là cũng muốn đến dự phiên tòa nhưng không thể được vì dịch Covid-19. Một điểm nữa là từ khi bắt đầu vụ việc, chính quyền Pháp đã ra lệnh bắt nhưng chưa bao giờ Pierre B. trở lại Pháp hoặc cho thấy là muốn trở về để được xét xử ở Pháp.

RFI : Có nghĩa là nhân vật này không phải là người Việt như tin đồn ở Việt Nam ?

Nicolas Jacquard : Không, tôi khẳng định nhân vật này không phải là người Việt, mà là người gốc Pháp, mang quốc tịch Pháp. Họ của người này cũng cho thấy đó không phải là người Việt.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà báo Nicolas Jacquard của nhật báo Le Parisien.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.