Vào nội dung chính
VIỆT NAM - BẮC TRIỀU TIÊN

Kim Jong Un có thể rút ngắn chuyến công du Việt Nam

Theo đúng kế hoạch được loan báo, chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, vào hôm nay 01/03/2019, đã chính thức bắt đầu chuyến viếng thăm Việt Nam. Tuy nhiên, theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ rút ngắn chuyến công du Việt Nam. Thất bại vào hôm qua của hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim được cho là nguyên nhân của việc rút ngắn chuyến thăm.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un gặp chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Hà Nội, Việt Nam, hôm nay 01/03/2019.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un gặp chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Hà Nội, Việt Nam, hôm nay 01/03/2019. SeongJoon Cho/Pool via Reuters
Quảng cáo

Theo chương trình đã được công bố, lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ chính thức công du Việt Nam trong hai ngày kể từ hôm nay 01/03, bắt đầu bằng một cuộc hội đàm với chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào hôm nay. Ngày mai, ông sẽ tiếp xúc thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tuy nhiên, ngay vào hôm nay, ông Kim Jong Un đã gặp cả thủ tướng lẫn chủ tịch Quốc Hội Việt Nam.

Trên nguyên tắc, ông Kim Jong Un sẽ rời Việt Nam vào trưa mai, nhưng một nguồn tin ngoại giao đã tiết lộ với hãng Yonhap rằng lãnh đạo Hàn Quốc sẽ rời ga Đồng Đăng ở Lạng Sơn vào khoảng 10 giờ sáng mai, sớm hơn vài tiếng đồng hồ so với kế hoạch ban đầu.

Theo Yonhap, đã có nhiều suy đoán cho rằng quyết định của ông Kim rút ngắn chuyến thăm chính thức Việt Nam có liên quan đến thất bại của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, đã chấm dứt sớm hơn dự kiến vào hôm qua mà không ra được tuyên bố chung.

Theo Yonhap, chủ tịch Bắc Triều Tiên sẽ theo cùng một hành trình bằng xe lửa như lúc đi để trở về Bình Nhưỡng, nhưng có khả năng ông sẽ ghé Bắc Kinh để tiếp xúc với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trên đường đi đến Việt Nam, đoàn tàu của ông Kim Jong Un đã không ghé thủ đô Trung Quốc.

Hãng tin Hàn Quốc đã nhắc lại rằng chuyến công du Việt Nam của lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhằm mục tiêu củng cố quan hệ song phương, với Việt Nam được coi là một trong những mô hình phát triển mà Bình Nhưỡng có thể học tập.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.