Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - MỸ - MIẾN ĐIỆN

''Thanh lọc sắc tộc'' : Mỹ trừng phạt bốn tướng lãnh Miến Điện

Hôm nay 19/08/2018, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi khởi đầu chuyến công du bốn ngày tại Singapore để bàn về hợp tác song phương. Bà Aung San Suu Kyi có nhiều nguy cơ phải đối mặt với các chỉ trích về cuộc khủng hoảng Rohingya. Trước đó, hôm thứ Sáu 17/08/2018, Hoa Kỳ thông báo trừng phạt bốn tướng lĩnh Miến Điện tham gia vào « cuộc thanh lọc sắc tộc » chống lại cộng đồng Hồi Giáo Rohingya cũng như một số sắc tộc khác.

(Ảnh minh họa) - Làng mạc của người Rohingyas tại bang Rakhine, Miến Điện bị san phẳng. Ảnh chụp từ một máy bay trực thăng, ngày 01/05/2018.
(Ảnh minh họa) - Làng mạc của người Rohingyas tại bang Rakhine, Miến Điện bị san phẳng. Ảnh chụp từ một máy bay trực thăng, ngày 01/05/2018. REUTERS/Michelle Nichols
Quảng cáo

Bộ Tài Chính Mỹ ra thông cáo chỉ rõ bốn nhân vật bị trừng phạt là các tướng Aung Kyaw Zaw, Khin Maung Soe, Khin Hlaing và Thura San Lwin, cùng hai sư đoàn 33 và 99, đã trực tiếp tham gia vào nhiều hành động tội ác.

Sư đoàn 33 bị cáo buộc đã tiến hành nhiều cuộc hành quyết, bắt người đi mất tích và bạo hành tình dục tại bang miền tây Rakhine, nơi có nhiều người Rohingya sinh sống. Ông Aung Kyaw Zaw phạm tội ác trong thời gian chỉ huy các hoạt động của cảnh sát vũ trang và lực lượng biên phòng ở các quân khu miền tây và tây nam Miến Điện, từ năm 2015 đến đầu 2018. Ông Khin Hlaing, chỉ huy sư đoàn 99, đã buộc cư dân một số làng thuộc sắc tộc Kachin và thiểu số người Hoa, làm lá chắn sống trong 13 ngày trời, tại các vị trí tiền tiêu của sư đoàn này hồi 2016.

Quyết định trừng phạt nói trên cho phép chính quyền Mỹ tịch thu hoặc phong tỏa tài khoản của các đương sự. Công dân Mỹ cũng bị cấm giao dịch với bốn sĩ quan Miến Điện nằm trong danh sách bị trừng phạt.

Bà Camille Cuisset, điều phối viên của Info Birmane - có trụ sở tại Paris, một hiệp hội có sứ mạng đưa tin và cổ vũ cho cuộc đầu tranh vì hòa bình và nhân quyền tại Miến Điện lấy làm tiếc là « quyết định trừng phạt nói trên không nhắm vào tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, vốn được coi là người chịu trách nhiệm chính ». Theo bà, vấn đề chính hiện nay là Liên Hiệp Châu Âu cần phải lên tiếng mạnh mẽ, để cộng đồng quốc tế đạt đồng thuận trong việc đưa các thủ phạm vụ đàn áp người Rohingya ra xét xử tại Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.