Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HẠT NHÂN

Chuyên gia Nhật : Cần đưa Bình Nhưỡng vào hiệp ước không phổ biến hạt nhân

Báo Le Monde, ngày 20/03/2017, có bài phỏng vấn một chuyên gia Nhật Bản về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Theo giảng viên đại học Nhật Bản Kazuto Suzuki (1), Bình Nhưỡng hiện trơ lì trước các áp lực chính trị và kinh tế của cộng đồng quốc tế, và đang tăng tốc làm chủ công nghệ hạt nhân quân sự, với mục tiêu buộc chính quyền Trump phải chấp nhận một « thương lượng toàn diện ». Bài phỏng vấn chạy tựa « Kazuto Suzuki : ‘‘Chúng ta phải chấp nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân’’ ».

Trên thế giới chỉ có bốn nước không tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (màu đỏ). Bắc Triều Tiên rút ra khỏi Hiệp ước này từ năm 2003.
Trên thế giới chỉ có bốn nước không tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (màu đỏ). Bắc Triều Tiên rút ra khỏi Hiệp ước này từ năm 2003. Ảnh : Wikipedia
Quảng cáo

Có thể rút được những bài học gì từ thỏa thuận hạt nhân Iran cho trường hợp Bắc Triều Tiên ?

Kazuto Suzuki : Điều này dường như là khó, vì tình hình hoàn toàn khác nhau. Iran là một xã hội mở hơn, kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào thương mại. Iran thu lợi từ việc xuất khẩu dầu và khí đốt. Teheran cũng cần thiết lập quan hệ kinh tế với các khách hàng chính, như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và châu Âu, bởi vì trao đổi thương mại với Hoa Kỳ bị cắt đứt từ năm 1979, với cuộc cách mạng Hồi Giáo. Do vậy, đương nhiên Iran quan tâm đến việc dỡ bỏ trừng phạt và nước này nghiêng về thương lượng.

Trong khi đó Bắc Triều Tiên có một cấu trúc kinh tế khép kín, phụ thuộc rất ít vào các trao đổi thương mại với bên ngoài. Có đến 80% hàng hóa của Bình Nhưỡng là xuất sang Trung Quốc, đặc biệt là than và khoáng sản. Như vậy, Bắc Triều Tiên hoàn toàn phụ thuộc vào Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc áp dụng nghiêm chỉnh các trừng phạt, thì việc này có thể có một tác động nhất định đến nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Nhưng chừng nào mà Bắc Kinh vẫn tiếp tục buôn bán với Bắc Triều Tiên, thì tác động của các trừng phạt sẽ bị giới hạn.

(Theo một báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc, thì các công ty bình phong, có cơ sở chủ yếu tại Trung Quốc, đã cho phép chế độ Bắc Triều Tiên tài trợ cho chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của mình). 

Giữa hai trường hợp này còn có những khác biệt quan trọng nào ?

Kazuto Suzuki : Về cấu trúc chính trị, Iran là một chính quyền độc đoán, với một lãnh đạo tối cao và một nước Cộng Hòa Hồi Giáo, tuy nhiên, bên trong hệ thống này, vẫn có các cuộc bầu cử, có thể dẫn đến sự thay đổi nhân vật số hai của chế độ : đó là tổng thống. Cựu tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad vốn là một lãnh đạo kiểu Donald Trump của Iran, với phong cách nói năng thẳng tuột và phũ phàng. Trong nhiệm kỳ 2005 đến 2013, nền kinh tế Iran suy thoái, với tỉ lệ lạm phát cao. Vào năm 2009, nhiều cuộc biểu tình – với phong trào « xanh » - chống lại việc thao túng bầu cử, đã bị trấn áp tàn bạo, khiến hàng chục người chết.

Tuy nhiên, vào năm 2013, bầu cử đã cho phép Hassan Rohani, được coi là một lãnh đạo « ôn hòa », lên nắm quyền. Ông Rohani là người theo quan điểm hiện đại chủ nghĩa, được đào tạo tại Mỹ. Ông hiểu được nhu cầu dỡ bỏ trừng phạt. Đó là một nhà chính trị khéo léo, biết cách tạo dựng quan hệ tốt với lãnh đạo tối cao Ali Khamenei. Dân chúng Iran chờ đợi tổng thống Rohani thành công trong lĩnh vực kinh tế, sự chờ đợi của công chúng đã thúc đẩy ông tiến hành các thương lượng về hạt nhân.

Về Bắc Triều Tiên, nước này có một hệ thống chính trị nằm dưới sự thống trị của triều đại nhà Kim. Kim Jong Un đã loại trừ hết thảy các đối thủ, từ người chú dượng Jang Song Taek, (bị hành quyết tháng 12/2013), cho đến người anh cùng cha khác mẹ Kim Jong Nam, (bị sát hại ngày 13/02/2017 tại sân bay Kuala Lumpur). Những ai chống hoặc thất bại trong việc chống lại ông ta đều bị loại trừ.

Chỉ có một ngoại lệ duy nhất, đó là các kỹ sư. Ngay cả khi một vụ thử tên lửa hay hạt nhân thất bại, họ cũng không bị giết, bởi vì Kim Jong Un là một lãnh đạo tàn nhẫn, nhưng không ngu dốt. Ông ta biết rõ các kỹ sư là một loại người quý hiếm, và muốn duy trì họ. Giới kỹ sư là một dạng thánh địa không thể động đến.

Kim Jong Un đã cho xây dựng tại Bình Nhưỡng một thành phố khoa học và công nghệ, một khu vực nơi các nhà khoa học có thể sống rất dễ chịu, kết hợp công tác nghiên cứu và giải trí, ví dụ như sân chơi tennis. Tất cả đều được xây dựng để tạo điều kiện cho các kỹ sư làm việc. Kim Jong Un giành cho họ vô số các nguồn lực để chương trình hạt nhân và tên lửa đạo đạo thành công. Trong bối cảnh này, người ta có thể nói rằng chính các kỹ sư là những người được nhiều tự do nhất tại Bắc Triều Tiên. Cũng vì vậy, họ trung thành hoàn toàn với Kim Jong Un.

Bắc Kinh có thể thay đổi thái độ ra sao ?

Kazuto Suzuki : Khó đưa ra câu trả lời. Trung Quốc chắc chắn là bực bội với cách xử sự của Bắc Triều Tiên (trong vấn đề hạt nhân). Bắc Kinh muốn chấm dứt chuyện này sớm, đồng thời lại lo ngại là các trừng phạt có thể dẫn đến việc chế độ sụp đổ.

Bắc Kinh cũng không muốn một Bắc Triều Tiên, dưới sức ép quốc tế, hành xử một cách không kiểm soát được và hung tợn. Trung Quốc đã thử thuyết phục chế độ Kim Jong Un, nhưng các kênh liên lạc quen thuộc, như người chú dượng Jang Song Taek, không còn tồn tại nữa. Như vậy, Trung Quốc gần như không thể gây áp lực về chính trị đối với Bắc Triều Tiên.

Thế nhưng, cho đến lúc này, Bắc Kinh vẫn ưu tiên cho chiến lược nói trên, thay vì các áp lực kinh tế. Chính vì vậy mà tôi nói rằng thực sự là không có câu trả lời cho vấn đề này. Ý định của Trung Quốc rõ ràng là làm sao để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Nhưng Bắc Kinh không có phương tiện đạt được kết quả này. Đối với chính quyền Trung Quốc, nỗi sợ chính quyền Bắc Triều Tiên sụp đổ là mạnh hơn nhiều (so với mong muốn Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự).

Giải thích như thế nào về hàng loạt hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên ? Phải chăng Bình Nhưỡng đã leo thang ?

Kazuto Suzuki : Nếu Bắc Triều Tiên thực sự tìm cách leo thang, họ sẽ sử dụng các phương tiện khác. Trước hết, Bình Nhưỡng muốn chứng minh là có khả năng tấn công được tới tận Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong thời kỳ Obama, việc Bình Nhưỡng phóng vệ tinh đã không làm thay đổi cách hành xử của Washington (được giới chuyên gia đánh giá là một sự kiên nhẫn chiến lược).

Cần phải nhấn mạnh là Bắc Triều Tiên rất tránh nhằm vào một mục tiêu cụ thể, bất kể tại Hàn Quốc hay ở Nhật Bản. Bình Nhưỡng chỉ phóng các tên lửa ra biển : họ muốn cho thấy là họ có khả năng, nhưng không muốn trực tiếp đối đầu với Hoa Kỳ. Đây là một leo thang về kỹ thuật, chứ không phải leo thang về chính trị.

Làm thế nào để thoát ra khỏi 20 năm bế tắc ngoại giao ?

Kazuto Suzuki : Với tổng thống Mỹ Donald Trump, mọi thứ có thể xảy ra. Có hai khả năng. Khả năng thứ nhất, thái độ của Bình Nhưỡng khiến Donald Trump tức giận và sẵn sàng cho mọi biện pháp, kể cả quân sự, ví dụ bằng các cuộc không kích. Tuy nhiên, tôi không tin rằng các cố vấn quân sự, như Herbert Raymond McMaster hay James Mattis thuận theo hướng này.

Họ biết rằng, cho dù lực lượng Mỹ có khả năng phá hủy các cơ sở của Bắc Triều Tiên, nhưng không thể xóa bỏ được hết đội ngũ kỹ sư và các công nghệ mà Bắc Triều Tiên đã tích lũy được.

Bắc Triều Tiên, trên thực tế, là một cường quốc nguyên tử. Tất nhiên, Bình Nhưỡng chưa thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào một tên lửa, nhưng nước này có khả năng tấn công Hàn Quốc hay Nhật Bản. Các hành động trả đũa này có thể không dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, nhưng sẽ kích phát một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đây không phải là điều mà các ông McMaster hay Mattis sẵn sàng chấp nhận. Tổng thống Trump có thể muốn đưa ra các trừng phạt nặng nề hơn, nhưng hiệu quả của chúng sẽ bị hạn chế.

Khả năng thứ hai là đối thoại. Tuy nhiên, trong 30 năm qua, cơ sở của các cuộc thương thuyết là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng, ông Trump đã cho thấy là ông không nhất thiết tôn trọng các nguyên tắc truyền thống và ông có khả năng từ bỏ những nguyên tắc này. Tổng thống Mỹ có thể quyết định thừa nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và cố gắng đưa nước này tham gia vào Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty - NPT). Nhờ vậy, hạn chế được nguy cơ Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, bởi vì việc sử dụng vũ khí này có thể là phương tiện cuối cùng đối với một chế độ tuyệt vọng.

Vậy thì mối đe dọa lớn nhất là gì ?

Kazuto Suzuki : Mối đe dọa chính, đó là việc phổ biến hạt nhân. Nếu bị đẩy vào đường cùng về mặt kinh tế, Bắc Triều Tiên có thể quyết định bán công nghệ hạt nhân cho bất cứ ai. Ưu tiên trước hết của Hoa Kỳ là cần phải ngăn cản việc phổ biến vật liệu hạt nhân xuất xứ từ Bắc Triều Tiên, và vấn đề thứ hai là tránh sử dụng bom hạt nhân.

Để làm điều đó, cần phải thương lượng với Bình Nhưỡng và thiết lập một chế độ thanh tra. Nhưng phải làm thế nào để đạt được điều này ? Cần phải chấp nhận nhiều nhân nhượng. Ông Trump là một doanh nhân đã quen với các thương lượng, và tôi hy vọng là ông ấy sẽ cố gắng để có được một « mặc cả » có lợi nhất.

Đâu là các trở ngại cho việc thừa nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân ?

Kazuto Suzuki : Đó chính là lo ngại tạo ra tiền lệ. Cơ chế không phổ biến hạt nhân, theo như nội dung của NPT, có ích lợi gì, nếu như để một quốc gia có vũ khí hạt nhân nằm ngoài khuôn khổ luật pháp quốc tế ?

Theo quan điểm của Nhật, các lo ngại chính yếu là việc Bắc Triều Tiên phát tán vật liệu hạt nhân và sử dụng bom nguyên tử. Chúng ta cần phải chấp nhận thực trạng này – Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân - , nhưng không nên coi đây là một tiền lệ, mà là một trường hợp cực chẳng đã. Chúng ta phải đưa Bắc Triều Tiên vào khuôn khổ Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Đây chính là lập luận đã được sử dụng trong các cuộc đàm phán với Iran.

Teheran đã được quyền sở hữu một số lượng hạn chế các máy ly tâm, tích trữ uranium nghèo và một lò phản ứng nước nặng. Những nhân nhượng này cho phép tiến hành các hoạt động làm giàu uranium không nhằm chế tạo bom nguyên tử.

Tổng thống Mỹ G. W. Bush, (trong những năm 2001-2009), đã bác bỏ khả năng này mà ngay từ năm 2005, Anh, Pháp và Đức đã thương lượng với nước Iran của tổng thống Mohammad Khatami (cầm quyền từ 1997-2005).

Nguyên tắc « không được phép làm giàu uranium – zéro uranium », của Bush đã bị tổng thống Obama bác bỏ sau đó, và điều này đã cho phép đạt được thỏa thuận với Iran. Ông Obama đã chuyển từ « zéro uranium » sang « zéro bom nguyên tử ». Đây là một bước ngoặt trong thương thuyết, và điều này cũng có thể diễn ra trong đàm phán với Bắc Triều Tiên.

Vậy sẽ nhân nhượng đến mức độ nào ? Điều mà ê kíp của tổng thống Trump phải xác định : mục tiêu là gì và làm thế nào để đạt được.

***

(1) - Ông Kazuto Suzuki là giảng viên quan hệ quốc tế tại đại học Hokkaido, Nhật Bản, chuyên về vấn đề hạt nhân và chiến lược không gian. Từ năm 2013 đến 2015, ông là thành viên nhóm chuyên gia thuộc Ủy ban trừng phạt của Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ Iran.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.