Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - HÀN QUỐC

Hồ sơ “gái giải sầu”: Nhật Bản triệu hồi đại sứ ở Hàn Quốc

Quan hệ Tokyo - Seoul lại căng thẳng vì vấn đề « gái giải sầu ». Chính phủ Nhật Bản, hôm nay 06/01/2017, loan báo triệu hồi đại sứ ở Hàn Quốc về nước để phản đối việc chính quyền Seoul vừa cho đặt một bức tượng tượng trưng cho các phụ nữ là nạn nhân của quân đội Nhật thời Đệ Nhị Thế Chiến, ngay trước lãnh sự quán Nhật Bản ở thành phố Busan, miền nam Hàn Quốc.

Bức tượng "gái giải sầu" trước lãnh sự quán Nhật Bản gây căng thẳng quan hệ Nhật - Hàn.
Bức tượng "gái giải sầu" trước lãnh sự quán Nhật Bản gây căng thẳng quan hệ Nhật - Hàn. Kim Sun-ho/Yonhap via REUTERS
Quảng cáo

Theo ông Yoshihide Suga, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ngoài việc triệu hồi đại sứ ở Seoul, Tokyo còn yêu cầu tổng lãnh sự Nhật Bản tại Busan tạm thời hồi hương, đồng thời tạm hoãn các cuộc thảo luận kinh tế ở cấp cao, và đình chỉ các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mới.

Giải thích về quyết định cứng rắn của Tokyo, ông Suga cho rằng hai nước vào năm 2015 đã đồng ý khép lại vĩnh viễn hồ sơ gái giải sầu – tức là những phụ nữ Triều Tiên bị quân đội Nhật ép buộc làm nô lệ tình dục trong thời Thế Chiến Thứ II – thế nhưng mới đây, một bức tượng kỷ niệm phụ nữ giải sầu lại được dựng lên ở Busan. Theo chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Tokyo sẽ tiếp tục kiên quyết thúc giục chính quyền Hàn Quốc mau chóng dỡ bỏ bức tượng đó.

Hồ sơ gái giải sầu từ lâu nay luôn là một cái gai trong quan hệ Nhật-Hàn. Theo ước tính của các sử gia, trong Đệ Nhị Thế Chiến, đã có đến 200.000 phụ nữ châu Á, đa số là người Triều Tiên, những cũng có người Trung Quốc, người Philippines, và các nước châu Á khác, bị bắt đưa vào các nhà chứa để phục vụ tình dục cho quân đội Thiên Hoàng.

Vào cuối năm 2015, hai nước đã ký một thỏa thuận giải quyết dứt khoát vấn đề này, theo đó Nhật Bản « xin lỗi chân thành » về vụ việc và tháo khoán 1 tỷ yen (tương đương với gần 9 triệu euros) để tài trợ cho một hiệp hội giúp đỡ các nạn nhân còn sống sót.

Phải nói là thoạt đầu, chính quyền Busan đã cấm không cho giới hoạt động chính trị và xã hội ở thành phố này dựng lên bức tượng, vốn là bản sao bức tượng được đặt trước đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Tuy nhiên, sau vụ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi Inada vào cuối năm ngoái đã đến viếng đền Yasukuni, bị người Hàn Quốc coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật, chính quyền Busan đã đổi ý, và cho phép đặt tượng bên ngoài lãnh sự quán Nhật Bản ngày 28/12 vừa qua.

Riêng về bức tượng Phụ Nữ Giải Sầu tại Seoul, chính quyền Nhật Bản cũng đã từng yêu cầu dỡ bỏ, nhưng chưa được Hàn Quốc đáp ứng. Hiện giới đấu tranh xã hội vẫn thường xuyên canh giữ bức tượng 24/24 tiếng đồng hồ để tránh việc chính quyền tháo gỡ. Hiện có khoảng 20 công trình tương tự ở Hàn Quốc, cũng như ở khoảng một chục nước khác, như ở Mỹ hay Canada.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.