Vào nội dung chính
MỸ - CHÂU Á

Donald Trump khiến các đồng minh châu Á lo lắng, Bắc Kinh hoài nghi

Đối ngoại luôn là xương sống của chính sách của nước Mỹ. Đắc cử tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử hôm 08/11/2016, ông Donald Trump đang có trước mặt một chồng hồ sơ quốc tế lớn mà trong đó Hoa Kỳ đang đóng vai trò chủ chốt. Giới quan sát đang đặc biệt chú ý đến chính sách của Mỹ tới đây với khu vực châu Á, một trọng tâm của chính quyền Obama.

Các nhân viên một văn phòng giao dịch ngoại hối tại Tokyo, Nhật Bản theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ  ngày 09/11/2016.
Các nhân viên một văn phòng giao dịch ngoại hối tại Tokyo, Nhật Bản theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 09/11/2016. REUTERS/Toru Hanai
Quảng cáo

Trong suốt cuộc vận động tranh cử kéo dài hơn một năm qua, ông Donald Trump chỉ duy nhất có một lần diễn thuyết về chính sách đối ngoại hồi thắng Tư năm nay. Theo ông Trump, Hoa Kỳ không thể còn đóng vai trò sen đầm quốc tế nữa, nước Mỹ phải cắt bớt trợ giúp với bên ngoài trong đó có cả các nước đồng minh.

Bởi thế mà với chiến thắng của Donald Trump các đồng minh của Mỹ ở châu Á chắc chắn không khỏi lo ngại về những cam kết của Washington bảo vệ các đồng minh trước sự lấn lướt về sức mạnh của Trung Quốc cùng mối đe dọa khó lường của Bắc Triều Tiên.

Ở Trung Quốc, việc nhà tỷ phú New York đắc cử tổng thống một cách ngoạn mục đang đặt ra những vấn đề mang tính chiến lược và những vấn đề kinh tế cấp bách.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ứng viên Cộng Hòa đã nhiều lần hứa lập lại trật tự quan hệ thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Với luận điểm đầy màu sắc bảo hộ của ông Donald Trump « nước Mỹ là trước tiên – America first », Donald Trump đã tuyên bố đòi các nước đồng minh châu Á có quân Mỹ đóng quân để bảo vệ an ninh cho họ phải đóng góp tài chính nếu không có thể Mỹ sẽ rút quân.

Chính quyền Obama đã tốn không ít công sức để Hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương ( TPP) được ký kết với 11 nước châu Á nhằm phục vụ cho chính sách xoay trục về châu Á của chính quyền Obama. Thế nhưng, ôgn Donald Trump đã không ít lần phản đối gay gắt hiệp định này, với lý do đó là thỏa thuận phá hoại công ăn việc làm của người Mỹ.

Ông Toshihiro Nakayama, giáo sư Đại học Keiko tại Tokyo phân tích : « TPP không đơn thuần chỉ là một thỏa thuận thương mại mà nó còn có ý nghĩa rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai nước cùng chia sẻ những giá trị chung, cùng tạo ra một trật tự khu vực hoàn thiện liên quan không chỉ đến kinh tế mà cả ngoại giao và an ninh ».

Mối lo của các đồng minh châu Á đã thấy ngay. Ngay sau khi có kết quả bầu cử ở Mỹ, hôm quan Seoul đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định rằng việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên sẽ vẫn phải được tiến hành như dự trù dưới chính quyền Trump.

Lãnh đạo nhóm nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền tại Hàn Quốc, ông Chung Jin-suk nhận định sắp tới sẽ phải có những thay đổi ngoạn mục trong bối cảnh an ninh khu vực. Nhưng ông nhấn mạnh « trong mọi trường hợp, liên minh quân sự Mỹ - Hàn không được lung lay vì đó là cơ sở cho sự thịnh vượng của Hàn Quốc ».

Còn tại Tokyo, một thành viên chính phủ Nhật thậm chí còn lên tiếng trước khi có kết quả Donald Trump thắng cử để kêu gọi tổng thống tương lai của Mỹ hãy tuyên bố "bảo đảm các cam kết của Mỹ với các đồng sẽ vẫn mạnh mẽ và tin cậy ". Nhân vật này cũng nói thêm là những phát biểu tranh cử của ông Donald Trup tất nhiên đã gây lo ngại cho chính phủ Nhật, nhưng giờ phải chờ xem liệu tân tổng thống Mỹ có hành động đúng như những gì ông đã nói hay không.

Tuy nhiên theo một số nhà phân tích thì cam kết của Mỹ đối với các đồng minh châu Á, nền tảng cơ sở cho ổng định khu vực chắc sẽ không có gì thay đổi. Donald Trump đã thông báo sẽ tăng cường phương tiện cho hải quân Mỹ. « Chỉ riêng điều này cũng có thể trấn an tâm các đồng minh rằng Hoa Kỳ cam kết về lâu dài sẽ vẫn đóng vai trò người bảo lãnh trật tự tự do ở châu Á », theo nhà phân tích chính trị Alexander Gray, giảng viên Đại học California.

Biểu tượng bất trắc hay một doanh nhân thực dụng

Còn Bắc Kinh đang muốn duy trì mối quan hệ ổn định với Washington nên chủ tịch tập Cận Bình đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng tới tổng thống tân cử Mỹ một cách long trọng. Trong một thông điệp truyền trực tiếp trên truyền hình, ông Tập cận Bình nói « đặt tầm quan trọng lớn trong quan hệ Trung-Mỹ » và ông khẳng định mong muốn cùng ông Trump làm việc để « bảo vệ những nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác hai bên cùng có lợi ».

Tuy nhiên những lời hứa tranh cử của ông Trump đòi đánh thuế 45% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và những tố cáo chính thức Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng tiền…. đó lại là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hai nước sẽ khó mà có thể ổn định như mong muốn của ban lãnh đạo Trung Quốc.

Ở Bắc Kinh, nhiều câu hỏi đang được đặt ra xung quanh vị tổng thống tân cử của nước Mỹ. Chuyên gia Giả Khánh Quốc ( Jia Quingguo) thuộc Đại học Bắc Kinh và cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, tóm tắt ngắn gọn : Donald Trump là một « biểu tượng của sự bất trắc ».

Nhưng một số chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng, ban lãnh đạo Trung Quốc vốn rất ngán những chỉ trích của Hillary Clinton về vấn đề nhân quyền thì lại nghĩ rằng nhà tài phiệt bất động sản New York có thể sẽ có những ứng xử như một doanh nhân thực dụng.

Trong một thông cáo ra hôm qua (9/111), ông James Zimmerman, lãnh đạo phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, một người ủng hộ Clinton, nhấn mạnh là : « đọc một diễn văn cứng rắn dễ hơn nhiều so với việc hình thành và đưa ra các quyết định cứng rắn ». Ông cũng nói thêm là « cô lập hay trừng phạt Trung Quốc không phục vụ các lợi ích của nước Mỹ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.