Vào nội dung chính
TÂN CƯƠNG - THÁNH CHIẾN

Hơn 100 người Hồi giáo Tân Cương gia nhập IS do Bắc Kinh đàn áp

Chính sách đàn áp và hạn chế hành đạo của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã khiến cho trên 100 người gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daech). Một tổ chức tư vấn uy tín của Mỹ hôm nay 20/07/2016 khẳng định như trên.

Lực lượng an ninh Trung Quốc ở Tân Cương, 29/06/2013.
Lực lượng an ninh Trung Quốc ở Tân Cương, 29/06/2013. Reuters
Quảng cáo

Nhiều người Duy Ngô Nhĩ bất mãn trước sự đô hộ của Trung Quốc, và một số người cực đoan trong những năm gần đây đã tiến hành những vụ tấn công đẫm máu. Chế độ Bắc Kinh phản ứng bằng cách siết chặt các quy định, cấm công chức và sinh viên tham gia mùa chay Ramadan, cấm để râu dài đối với đàn ông, hạn chế việc phụ nữ mang khăn choàng Hồi giáo.

Thế nhưng theo New America Foundation, các biện pháp trên cộng thêm việc phân biệt đối xử về kinh tế « có thể là một nhân tố thúc đẩy người ta rời khỏi đất nước, tìm ở bên ngoài cảm giác thuộc về một cộng đồng », thêm vào đó là « sự đàn áp của Nhà nước ».

Bản báo cáo của tổ chức này dựa trên phân tích các tài liệu ghi âm lời kể của khoảng 3.500 quân thánh chiến mới gia nhập IS, do một người đào ngũ cung cấp. Trong số đó có 114 người đến từ Tân Cương, khiến vùng đất này chiếm hàng thứ năm trong số nguyên quán của quân thánh chiến ghi nhận trong tài liệu, sau ba vùng của Ả Rập Xê Út và một vùng ở Tunisia.

Bắc Kinh nói nạn bạo động ở Tân Cương là do những nhóm « ly khai » bên ngoài xúi giục, như Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (ETIM), nhưng các chuyên gia và phương Tây cho rằng ảnh hưởng của nhóm này không đáng kể.

Theo nghiên cứu trên, các chiến binh mới gốc Tân Cương của IS chưa bao giờ có kinh nghiệm đi thánh chiến, chưa hề tham gia hàng ngũ ETIM, và không biết rành về Hồi giáo.

Hồi tháng 5/2014, một vụ khủng bố tự sát tại một ngôi chợ ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương đã làm cho 43 người chết và khoảng 100 người bị thương, vài tháng sau vụ tấn công bằng dao tại nhà ga Côn Minh ở Vân Nam làm 29 người thiệt mạng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.