Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Tân chính phủ Miến Điện với nhiều kỳ vọng và chông gai

Miến Điện đã có tân tổng thống từ hôm qua, 15/03/2016, nhưng chưa có chính phủ mới, mà phải chờ đến ngày 30/03 tới đây. Các cuộc thương thảo hậu trường đang được ráo riết tiến hành để xem ai sẽ nắm bộ nào, nhưng theo nhận định chung của giới quan sát, chính phủ dân sự thực thụ đầu tiên từ hàng chục năm nay của Miến Điện đang được mong đợi với nhiều kỳ vọng từ phía người dân, nhưng cũng phải vượt qua không ít cản lực, đặc biệt trong guồng máy hành chánh.

Các nghị sĩ thuộc phe quân sự tại Quốc hội Miến Điện ngày 15/03/2016.
Các nghị sĩ thuộc phe quân sự tại Quốc hội Miến Điện ngày 15/03/2016. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Về mặt chính thức, một trong những ưu tiên mà chính quyền do đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ đặt ra là tinh giản lại guồng máy hành chánh, từng bao gồm đến 36 bộ dưới thời chính quyền tiền nhiệm, nổi tiếng là một mê hồn trận, nơi ngự trị của tham nhũng và hoạt động kém hiệu quả.

Trả lời hãng tin Pháp AFP vào hôm qua, một quan chức cấp bộ xin giấu tên đã thừa nhận : « Chúng tôi hoàn toàn không biết là những gì sẽ xảy ra với chúng tôi, chúng tôi không có nhận được bất kỳ một sự hướng dẫn rõ ràng nào ».

Một số nguồn tin trong đảng sắp cầm quyền cho biết là nhiều thành viên cao cấp trong đảng đã họp riêng với nhau vào hôm nay để thảo luận về kế hoạch tinh giản bộ máy hành chánh dự kiến sẽ được công bố vào ngày mai.

Đối với AFP, từ năm 2011 đến nay, Miến Điện đã thay da đổi thịt hẳn sau hàng thập niên bị cô lập dưới thời chế độ quân sự. Các cải tổ thực hiện dưới thời chính quyền của tổng thống mãn nhiệm Thein Sein được quân đội hậu thuẫn, đã giúp đất nước này gỡ bỏ được hầu hết cấm vận của phương Tây, và thu hút giới đầu tư và du khách.

Một ví dụ rất cụ thể là số du khách ngoại quốc đến Miến Điện, từ không đầy một triệu vào năm 2011, đã tăng vọt lên thành 4,7 triệu vào năm ngoái 2015. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng gia tăng, dự kiến đạt mức 8% trong năm nay.

Vấn đề đối với Miến Điện tuy nhiên vẫn là guồng máy hành chánh, nổi tiếng là quan liêu, một môi trường nuôi dưỡng tệ nạn tham nhũng và tạo điều kiện cho một nền kinh tế chợ đen phát triển.

Chuyên gia Rajiv Biswas, của trung tâm nghiên cứu IHS Global Insight, cho biết những rào cản dựng lên trên đường đi của tân chính phủ Miến Điện rất lớn, vì đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ hoàn toàn « thiếu kinh nghiệm quản lý ».

Trong bối cảnh đó, ưu tiên hàng đầu tại Miến Điện phải là cải tạo bộ máy hành chánh, dịch vụ công ích. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là dù chưa hình thành, nhưng chính phủ của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ đã bị trói tay, với ngân sách cho năm nay đã được quốc hội do quân đội hậu thuẫn thông qua hồi tháng Giêng.

Chi tiết về ngân sách này không được loan báo, nhưng mới đây, giới bác sĩ chẳng hạn, đã phàn nàn với báo chí là ngân sách cho ngành y tế thường xuyên không đủ, vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức cần thiết.

Cản lực thứ hai đến từ quân đội, vẫn nắm giữ một phần tư số ghế quốc hội và ba bộ phụ trách an ninh : Nội Vụ, Quốc Phòng, Biên Giới. Quân đội cũng giám sát cục Quản Lý Hành Chánh, một cơ chế theo dõi công chức từ trung ương đến địa phương.

Do vậy, thành bại của tân chính quyền Miến Điện sẽ tùy thuộc vào quan hệ giữa đảng cầm quyền Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ với Quân Đội Miến Điện.

Dẫu sao thì cho đến lúc này, công việc chuyển giao quyền hành từ chính quyền thoát thai từ Quân Đội sang chính quyền dân sự đã diễn ra suôn sẻ, trái với kịch bản năm 1990, khi chiến thắng áp đảo của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ trong cuộc bầu cử đã bị giới quân sự thủ tiêu.

Thái độ hợp tác của Quân Đội Miến Điện lần này đã làm dấy lên hy vọng về khả năng tân chính quyền sẽ cải thiện được đất nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.