Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - TIỀN TỆ

Bắc Kinh phá giá tiền, trái với cam kết quốc tế

Hôm nay, 29/02/2016, Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc đã hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong tháng Hai. Thứ sáu tuần trước, Bắc Kinh còn cam kết với nhóm G20 là không thấy có lý do phá giá đồng tiền Trung Quốc.

Đổi tiền nhân dân tệ tại một chi nhánh ngân hàng Trung Quốc.
Đổi tiền nhân dân tệ tại một chi nhánh ngân hàng Trung Quốc. Reuters
Quảng cáo

Ngân hàng trung ương Trung quốc đã ấn định giá 6,5452 đổi một đôla Mỹ, giảm 0,17% trong ngày hôm nay 29/02. Trên thị trường nội địa, đồng tiền yuan Trung Quốc tiếp tục rơi giá nhiều hơn quy định của Nhà nước.

Thế mà cách nay ba hôm, nhân hội nghị cấp bộ trưởng tài chính nhóm G20 tại Thượng Hải, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc Chu Tiểu Xuân (Zhou Xiaochuan) tuyên bố như đinh đóng cột : nào là Trung Quốc không sử dụng biện pháp phá giá để thúc đẩy xuất khẩu, nào là không có cơ sở kinh tế để phá giá liên tục đồng nhân dân tệ.

Chưa rời Trung Quốc, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Jack Lew nhắc lại lời kêu gọi Bắc Kinh « tiến bước có trật tự vào hệ thống tài chính thế giới, trong đó trị giá đồng yuan phải do thị trường điều tiết ».

Theo AFP, quốc tế lo ngại Trung Quốc phá giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu cạnh tranh bất chính. Tháng 8/2015, Bắc Kinh đã làm chấn động các sàn giao dịch thế giới khi đột ngột phá giá đồng nhân dân tệ đến 5%.

Đến tháng Giêng 2016, một lần nữa Bắc Kinh tự đánh mất tín nhiệm qua biện pháp hạ thấp biên độ dao động lên xuống của đồng nhân dân tệ trong 8 ngày giao dịch liên tiếp, làm dấy lên mối lo ngại Trung Quốc có chủ ý cho đồng tiền trượt giá.

Vấn đề là với đồng tiền càng ngày càng yếu, cộng với tăng trưởng kinh tế hụt hơi, sẽ tạo ra một vòng xoáy đầy bất trắc : dân đầu tư Trung Quốc đổ tiền mua đôla, tài sản bị tẩu tán ra nước ngoài, đẩy ngược sức ép làm đồng yuan xuống giá thêm.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.