Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG-TRUNG QUỐC-ÚC

Tên lửa Trung Quốc ở Biển Đông: Chuyên gia Úc lo ngại kịch bản MH-17

Các hãng hàng không dân dụng cần phải chú ý hiểm họa đến từ tên lửa mà Trung Quốc triển khai tại vùng Biển Đông. Một chuyên gia quốc phòng hàng đầu của Úc đã báo động như trên ngày 19/02/2016, đồng thời khuyên các hãng máy bay xem xét việc thay đổi đường bay để tránh các hòn đảo có liên quan. 

Ảnh vệ tinh chụp những hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.
Ảnh vệ tinh chụp những hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. REUTERS/ImageSat International N.V. 2016/Handout via Reuters
Quảng cáo

Theo nhật báo Úc Sydney Morning Herald, ông Peter Jennings, viện trưởng Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI đã gợi đến thảm kịch liên quan đến chuyến bay MH-17, khi một chiếc Boeing của hãng hàng không Malaysian Airlines bị trúng tên lửa trên bầu trời Ukraina làm hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có 39 công dân và cư dân Úc.

Đối với chuyên gia này, sự hiện diện của tên lửa đất-đối-không của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, có thể gây nên những mối nguy hiểm tương tự cho các máy bay thương mại cũng như phi cơ quân sự. 

Là một cựu quan chức quốc phòng cấp cao và là cố vấn cho việc soạn thảo quyển Sách Trắng Quốc Phòng Úc sắp được công bố, ông Jennings đã nêu bật hiểm họa đối với các phi cơ trinh sát P-3 Orion được phái đi tuần tra tại khu vực mà Trung Quốc đặt tên lửa.

Theo ông, những phát hiện mới đây qua ảnh vệ tinh về các tên lửa Trung Quốc HQ-9 ở Hoàng Sa, có tầm bắn khoảng 200 km, sẽ buộc các giới chức không quân và quốc phòng Úc phải xem xét cách xử lý các rủi ro.

Trả lời nhật báo Úc, ông Jennings khẳng định : « Sẽ có rất nhiều cuộc thảo luận tương tự với các hãng hàng không thương mại, đặc biệt là sau kinh nghiệm Ukraina ». Theo ông, mọi hãng hàng không đều phải thẩm định nguy cơ đến từ tên lửa Trung Quốc và nghĩ đến phương án thay đổi đường bay. 

Một phát ngôn viên của hãng hàng không Úc Qantas cho biết đường bay của họ cách xa Hoàng Sa về phía đông, trong lúc hãng Singapore Airlines và Cathay Pacific của Hồng Kông đã không trả lời các câu hỏi của nhật báo Úc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.