Vào nội dung chính
TRIỀU TIÊN - NHẬT BẢN

Bắc Triều Tiên đòi tham gia đàm phán về « phụ nữ giải sầu »

Bắc Triều Tiên ngày 06/11/2015 đòi hỏi phải có sự tham gia của Bình Nhưỡng trong bất cứ thương lượng nào giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về các « phụ nữ giải sầu » bị buộc phải phục vụ tình dục cho lính Nhật trong Đệ nhị Thế chiến.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye trước cuộc họp thượng đỉnh song phương tại Seoul ngày 06/11/2015.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye trước cuộc họp thượng đỉnh song phương tại Seoul ngày 06/11/2015. Reuters
Quảng cáo

Chỉ vài ngày sau khi Tokyo và Seoul đồng ý cùng bắt tay vào việc giải quyết vấn đề trên, vốn đã đầu độc quan hệ đôi bên từ nhiều thập kỷ, Bình Nhưỡng cho biết cũng muốn tham gia vào cuộc thương lượng đền bù sắp tới.

Hãng tin nhà nước KCNA tối qua dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên nói rằng : « Có những nạn nhân phải làm nô lệ tình dục cho quân đội Thiên hoàng, không chỉ ở miền Nam mà còn tại miền Bắc Triều Tiên. Nhật Bản cần phải nhìn nhận trách nhiệm của Nhà nước về mọi tội ác ghê tởm mà họ đã phạm phải đối với nhân dân Triều Tiên…và bồi thường cho họ, như thế mọi người Triều Tiên mới có thể thấu hiểu được ».

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố sẽ gia tăng nỗ lực để giải quyết vấn đề « phụ nữ giải sầu » trong cuộc gặp tay đôi Nhật- Hàn đầu tiên tại Seoul hôm thứ Hai. Tuyên bố trên không đưa ra cam kết của bên nào. Đa số các nhà quan sát cho rằng hy vọng Tokyo bồi thường tài chính quan trọng là rất mong manh.

Nhật Bản duy trì quan điểm là vấn đề này đã được giải quyết vào năm 1965, trong thỏa thuận bình thường hóa, khi Tokyo chi ra tổng cộng 800 triệu đô la viện trợ và tín dụng cho cựu thuộc địa.

Các nhà sử học nói rằng có khoảng 200.000 phụ nữ, đa số là người Triều Tiên, nhưng cũng có người Trung Quốc, Indonesia và các nước châu Á khác, đã bị buộc làm nô lệ tình dục trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến. Tại Hàn Quốc hiện có 53 phụ nữ giải sầu còn sống, nhưng số lượng ở Bắc Triều Tiên thì không ai biết được.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.