Vào nội dung chính
CHÂU Á - MIẾN ĐIỆN

Chủ tịch Quốc hội Miến Điện ủng hộ bà Aung San Suu Kyi

Một trong những chính trị gia được cho là có ảnh hưởng nhất Miến Điện, ông Shwe Mann, Chủ tịch Quốc hội vừa bị bãi chức chủ tịch đảng cầm quyền hồi 08/2015, đã lên tiếng công khai ủng hộ bà Aung San Suu Kyi. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Anh Reuters hôm 04/11 ông Shwe Mann cho biết sẵn sàng hợp tác với đảng của nhà đối lập tại Quốc hội sau cuộc bầu cử lịch sử tới đây. 

Chủ tịch Quốc hội Miến Điện Shwe Mann trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters ngày 4/11/2015 tại nhà riêng ở Phyu, Miến Điện.
Chủ tịch Quốc hội Miến Điện Shwe Mann trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters ngày 4/11/2015 tại nhà riêng ở Phyu, Miến Điện. REUTERS/Olivia Harris
Quảng cáo

Trong bài phỏng vấn, ông Shwe Mann cho biết ông và nhà lãnh đạo đối lập thường xuyên gặp nhau và đã tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết cách thức hợp tác với bà Aung San Suu Kyi và cũng cho biết là đã chuẩn bị để hợp tác với các đảng phái khác.

Tại một hội nghị tổ chức cách đây hai hôm, ngày 03/11, khi được hỏi về mối quan hệ với ông Shwe Mann, nhà lãnh đạo đối lập đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) phát biểu sẽ chỉ xem xét lợi ích của việc hợp tác với ông Shwe Mann sau khi việc kiểm phiếu kết thúc.

Chủ tịch Quốc hội Miến Điện cho biết có khoảng 60% nghị sĩ ủng hộ ông, song không thể dự đoán được số lượng người ủng hộ tại Quốc hội mới. Trong trường hợp đảng của bà Aung San Suu Kyi không đạt được đa số phiếu tại quốc hội, thì sự ủng hộ của ông Shwe Mann có thể sẽ giúp nhà lãnh đạo đối lập thành lập được một chính phủ mới.

Ông Shwe Mann ít nói trước công chúng về mối quan hệ khá thân thiết của ông với lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Mối quan hệ này làm dấy lên nhiều nghi ngờ của một số thành viên đảng cầm quyền USDP và là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc ông bị bãi chức chủ tịch đảng vào tháng 08 vừa qua. Sự kiện này cũng được đánh giá là một cú lật đổ chính trị nghiêm trọng nhất từ năm 2011 khi chính quyền quân sự tự giải thể.

Cũng trong lãnh vực chính trị, một trong những người đứng đầu phong trào biểu tình sinh viên hồi tháng 03 vừa qua, Linn Htet Naing, (hay "James") đã bị bắt tối thứ Ba 03/11 và bị đưa ra xét xử tại một tòa án ở Rangoon ngày hôm 05/11. Hãng tin AFP nhận định hành động này là dấu hiệu căng thẳng cuối cùng của chính quyền chỉ ba ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội.

Thanh niên này phải đối mặt với nhiều cáo trạng, trong đó có tội « biểu tình không được phép ». Trong số 81 sinh viên bị truy tố sau khi cuộc biểu tình bị đàn áp, hiện vẫn còn 54 sinh viên đang bị giam giữ trong khi chờ kết thúc phiên tòa xét xử, trong đó có Phyoe Phyoe Aung, vợ của "James" và là Tổng thư ký các hiệp hội sinh viên. Tuần trước, Kyaw Ko Ko, Chủ tịch Liên đoàn Sinh viên, bỏ trốn từ hồi tháng 03, cũng đã bị bắt giam. Tổ chức Ân xá Quốc tế mới đây tỏ ý lo ngại về việc chính quyền Miến Điện quay lại « thói quen cũ » của chế độ quân sự.

Riêng về cuộc bầu cử sắp diễn ra, hôm qua, 04/11, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes nêu ý kiến rằng Nhà Trắng sẽ nới lỏng trừng phạt và tăng cường quan hệ với Miến Điện nếu cuộc tổng tuyển cử ngày 08/11 diễn ra một cách minh bạch và dân chủ.

Danh sách trừng phạt do Mỹ áp đặt từ những năm 1990 bao gồm các cá nhân và thực thể thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như ngân hàng, hàng không, tập đoàn công nghiệp, khách sạn. Biện pháp này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.