Vào nội dung chính
BÁN ĐẢO TRIÊU TIÊN

Nam-Bắc Triều Tiên: Đợt hội ngộ thứ hai gia đình ly tán

Đợt thứ hai những người Hàn Quốc may mắn được lựa chọn để hội ngộ người thân Bắc Triều Tiên, phần lớn là người cao tuổi, đã vào lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Đợt thứ nhất, kết thúc ngày hôm qua 23/10, đã giúp cho một số người thân bị phân ly do việc hai miền bị chia cắt, được gặp lại nhau sau hơn 60 năm không tin tức.

Triều Tiên : Một cảnh hội ngộ ở núi Kim Cương : Cụ Koo Sang-yeon gặp lại hai người con gái ở Bắc Triều Tiên, ngày 24/10/2015.
Triều Tiên : Một cảnh hội ngộ ở núi Kim Cương : Cụ Koo Sang-yeon gặp lại hai người con gái ở Bắc Triều Tiên, ngày 24/10/2015. Reuters
Quảng cáo

Các gia đình Hàn Quốc của đợt thứ hai đã tới khu du lịch trên núi Kim Cương từ chiều thứ Năm 22/10 và sẽ có ba ngày gặp gỡ người thân từ ngày 24 đến 26/10. Họ chuẩn bị nhiều món quà như quần áo, đồng hồ, thuốc men, lương thực và đa số mang thêm một khoản tiền tương đương với 1.500 đô la.

Thế nhưng, như nhóm trước, chính quyền Bắc Triều Tiên sẽ kiểm soát chặt chẽ các gia đình Nam-Bắc Triều Tiên trong vòng ba ngày. Họ chỉ được gặp nhau 6 buổi và mỗi buổi kéo dài hai giờ đồng hồ, gồm cả những cuộc gặp tập thể trong một hội trường lớn. Các phương tiện truyền thông không được phép ghi hình các cuộc gặp riêng tư.

Hơn 65.000 người Hàn Quốc hiện vẫn đang chờ được gặp người thân bị chia cắt từ sau cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên (1950-1953). Trong khi đó, chỉ rất ít người may mắn được lựa chọn cho những cuộc hội ngộ như vậy.

Do hai miền Nam-Bắc chưa ký hiệp định hòa bình nên bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh. Vì vậy, trao đổi thư từ hay liên lạc điện thoại đều bị cấm.

Đa số người Hàn Quốc thuộc thế hệ chiến tranh đã chết mà không gặp lại được người thân sống ở Bắc Triều Tiên. Rất nhiều người trong số họ không biết gia đình sống chết ra sao.

Chương trình hội ngộ gia đình giữa hai miền Triều Tiên thật sự bắt đầu sau thượng đỉnh diễn ra vào năm 2000, với dự tính ban đầu là sẽ tổ chức các cuộc đoàn tụ thường niên. Thế nhưng, Bình Nhưỡng luôn cho sự kiện này là một cử chỉ ngoại giao cao thượng để buộc Seoul phải đưa ra các nhân nhượng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.